Chấp nhận đạo lý ” Người tính luôn không bằng Trời tính” để liệu đường tiến lui

20/07/2021 552

Con người vốn phải có mong ước, vọng tưởng nhưng nếu quá để tâm, so đo tính toán làm sao để bản thân được lợi thì cuối cùng liệu có được như ý ? Hay người luôn tìm cách để người khác chịu thiệt thòi mà chiếm lợi về mình thì cuối cùng lại bị mất nhiều […]

Con người vốn phải có mong ước, vọng tưởng nhưng nếu quá để tâm, so đo tính toán làm sao để bản thân được lợi thì cuối cùng liệu có được như ý ? Hay người luôn tìm cách để người khác chịu thiệt thòi mà chiếm lợi về mình thì cuối cùng lại bị mất nhiều hơn cũng là điều hay bắt gặp trong cuộc sống. Người ta nói đó là “Người tính không bằng Trời tính” bởi kỳ thực chỉ có ông Trời mới có thể tính toán được hết thảy…

Trong cuốn Sử ký – Hoá sự liệt truyện, Tư Mã Thiên có viết: “Thiên hạ hy hy, giai vi lợi lai; thiên hạ nhưỡng nhưỡng, giai vi lợi vãng” Nghĩa là: “Người trong thiên hạ đều tất bật, bận rộn là vì cái lợi mà đến; Người trong thiên hạ đều rối ren, hỗn loạn cũng vì cái lợi mà ra…”

Còn trong cổ ngữ có câu: “Họa do ác tác, phúc do đức sinh” (Họa là do làm việc ác mà ra, phúc là do Đức sinh ra).

Cổ nhân cho rằng, thế sự là vô thường, nhân sinh như mộng, nên họ không hao tổn tâm sức vào việc tranh danh đoạt lợi – những vật được cho là ngoại thân. Họ tin rằng chỉ có tích đức làm việc thiện, hướng đạo hướng thiện mới là con đường đời cần đi, bởi vì Thiên đạo là bảo hộ người lương thiện.

Ngược lại, người ham lợi, chỉ luôn nghĩ đến lợi ích của bản thân mình thì sẽ thường chiêu mời họa, bởi vì ““Họa do ác tác”.

Câu chuyện về Lý Sỹ Hành – Bậc nhân sỹ không màng tài lợi


Vào triều đại nhà Tống, Lý Sỹ Hành đảm nhận chức vụ tại Viện hàn lâm. Trong một lần ông phụng mệnh triều đình đi sứ sang Triều Tiên có võ tướng Dư Anh theo cùng làm người phụ tá. Sau khi hoàn thành xong sứ mệnh, Lý Sỹ Hành hoàn toàn không quan tâm để ý đến những vật phẩm mà Triều Tiên biếu tặng. Ông ủy thác lại tất cả cho Dư Anh xử lý.

Lúc lên thuyền trở về nước, Dư Anh thấy đáy thuyền có chỗ bị thấm nước nên lo lắng rằng những thứ vật phẩm của mình sẽ bị ẩm ướt hết. Vì thế, ông bèn lấy toàn bộ tơ lụa gấm vóc của Lý Sỹ Hành được tặng lót ở đáy thuyền, sau đó đặt những thứ của mình lên trên để tránh bị ẩm ướt. Khi thuyền đã ra giữa biển khơi rộng lớn thì đột nhiên sóng gió nổi lên, như thể muốn nhấn chìm con thuyền của họ. Lúc ấy, vì con thuyền quá nặng nên tình hình lại càng trở nên nguy cấp hơn. Không còn cách nào khác, người thuyền trưởng vội vàng thỉnh cầu Dư Anh vứt bỏ những vật phẩm đó đi để thuyền nhẹ bớt, bảo đảm an toàn cho mọi người, nếu không thì thuyền lật mọi người sẽ bị chết.

Dư Anh lúc này cũng vô cùng hoảng loạn, liền vội vàng vơ những vật phẩm trên thuyền ném xuống biển. Khi số vật phẩm bị ném xuống nước ước chừng khoảng một nửa, thì sóng gió nhẹ hơn và dần dần ngừng lại, thuyền cũng ổn định lại và họ đã thoát nạn. Về sau, Dư Anh kiểm tra lại số vật phẩm còn lại trên thuyền thì mới phát hiện ra những thứ ném xuống biển toàn bộ đều là những vật phẩm của mình. Những tặng phẩm của Lý Sỹ Hành bởi vì chất đống ở dưới đáy thuyền để lót, cho nên hoàn toàn không bị mất mát chút nào, chỉ bị ướt một chút mà thôi. Cuối cùng thuyền về tới nơi an toàn. Đối với những thứ tặng phẩm ấy, hai người họ đã có hai loại thái độ hoàn toàn trái ngược nhau. Lý Sỹ Hành bởi vì “không quan tâm chú ý”, kết quả lại hoàn toàn chẳng bị mất mát gì. Còn Dư Anh thì hết sức “để ý” và kết quả lại hoàn toàn chẳng được gì.

Kỳ thực, có thể thấy rằng, sự việc ấy xảy ra hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Lý Sỹ Hành được, là bởi vì ông bình thường xem nhẹ, không màng danh lợi và làm người ngay thẳng, chính trực, không toan tính vụ lợi. Dư Anh mất, chính là bởi vì ông ta quá mê chuộng tài vật, chỉ tính toán điều có lợi cho mình, làm người không phúc hậu. Loại suy nghĩ, tâm tính ích kỷ ấy cuối cùng đã làm hại ông.

Cảnh giới tư tưởng của hai người họ là khác xa nhau nên làm việc sẽ sinh ra kết quả khác nhau, “Người tính không bằng Trời tính”. Điều này chẳng phải cũng minh chứng rằng đạo lý: “Thưởng thiện phạt ác, hết thảy đều là Thiên lý” của người xưa là vô cùng chính xác sao?

Truyền kỳ về việc Mạnh Tử nhận quà

Mạnh Tử từ chối nhận 100 lượng vàng của Tề quốc, nhưng lại nhận 50 lượng vàng của Tiết quốc. Mạnh Tử làm như vậy là vì ông chưa từng giúp qua nước Tề, mà đã giúp đỡ nước Tiết, vậy nên nước Tiết tặng quà cho Mạnh Tử là có cơ sở. Mạnh Tử không vì ham của cải mà làm trái đạo lý, không làm thì quyết không nhận.

Một câu chuyện khác kể về một vị thương gia nọ đang bên bờ vực phá sản và tìm đến gặp Hồ Tuyết Nham (Hồ Tuyết Nham [1823 – 1885] là thương gia giàu nhất Hàng Châu cuối thế kỷ 19. Sự nghiệp làm ăn của ông là cả một huyền thoại). Vị thương gia này muốn bán lại toàn bộ sản nghiệp với giá cực thấp cho ông Hồ. Đối mặt với cơ hội làm ăn béo bở ấy, Hồ Tuyết Nham không những không mua lại, mà còn cho người thương nhân kia vay tiền với lãi suất rất thấp. Ông Hồ nói: “người nào cũng sẽ gặp phải những ngày mưa mà không có ô, tôi có thể giúp họ che được mưa thì tôi sẽ giúp”. Về sau, người thương nhân kia làm ăn phát đạt trở lại, trở thành đối tác trung thực nhất của Hồ Tuyết Nham.

Đây có lẽ cũng là một ví dụ điển hình nhất của việc lấy thiện đặt lên trên lợi ích, không màng tư lợi bản thân. Nhưng đó lại chính là gốc rễ đắc được phúc báo, Hồ Tuyết Nham không những kết giao được bạn hiền, mà tiền đồ càng hưng thịnh, tiếng thơm lưu lại cho đời sau.

Hồ Tuyết Nham nói: “người nào cũng sẽ gặp phải những ngày mưa mà không có ô, tôi có thể giúp họ che được mưa thì tôi sẽ giúp”.

Người tính nghìn kế trời chỉ tính một

Trên cánh cửa lớn tại Tu Chân quán ở trấn Ô có treo một bàn tính lớn. Nhìn kỹ trong đó có một hạt tính không di chuyển được lên xuống, từ trái sang là hạt thứ chín, từ phải sang là thứ năm, ý vị là cửu ngũ chí tôn.

Hai bên cửa Tu Chân quán có treo đôi câu đối lớn: “Nhân hữu thiên toán; Thiên tắc nhất toán” (Người tính nghìn kế; Trời chỉ tính một). Hơn nữa chữ “tính” đầu tiên, còn cố ý viết sai. Con người có bàn tính nhỏ, ông trời có bàn tính lớn. Như vậy, ông trời tính toán những gì? Tính toán công bằng cái “đức” cho mỗi từng người. Đền Đông Nhạc ở Bắc Kinh cũng treo hai bàn tính lớn. Hầu hết các đền chùa lớn ở Đài Loan đều có treo bàn tính. Các bàn tính thường không khác nhau nhiều. Nhưng những bàn tính này có ngụ ý là để cho thế nhân biết phân minh thiện và ác.

Trong Kinh Dịch có một câu nói nổi tiếng: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”. Ý tứ là: Gia đình nào thường hay hành thiện tích đức, tất sẽ có nhiều phúc khí để lại cho con cháu; gia đình nào không tích thiện tất gặp thừa tai ương. Đạo lý xưa nay dù là làm việc gì thì tâm cũng nên có thiện niệm, như vậy Trời cao vĩnh viễn sẽ không khiến bạn phải chịu thiệt.

Và cũng Kinh Dịch còn có câu rất phù hợp với kết của bài này:

Đẩu Quân

“Đất có tính nhu hoà, người quân tử dựa vào đức dày để nâng đỡ vạn vật. Trời đất, khiêm nhường mà thâm sâu, dung nạp vạn vật, hà tất có tính toán chi? Vậy mới nói: so đo qua lại, kỳ thực chính là tính toán với bản thân. Ngày ngày âm mưu tính kế, dối người lừa mình, người thân dần dần xa lánh, bạn bè rời bỏ, con đường nhân sinh càng đi lại càng hẹp! Hồ đồ nhiều hơn một chút, ít tính kế đi một chút. Nhân sinh không tính toán, thật tốt nhường nào!”…

An Le tổng hợp

Bình luận