17/05/2021 3944
Cuộc đời vốn có rất nhiều ưu tư nhưng trên đời này, việc khó nhất ở đời chính là dạy dỗ, nuôi nấng những đứa trẻ thành người có trí tuệ và đạo đức. Phật dạy rằng, không duyên không nợ làm sao gặp gỡ. Mối quan hệ nhân quả nghiệp báo giữa cha mẹ và con cái cũng không phải là ngoại lệ. Biết được điều đó để chớ có oán trách hay kỳ vọng vào việc đứa trẻ những việc không thể.
“Có thể người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả nợ cho bạn.
Vậy con cái thì thế nào ?
Đứa con trai ở kiếp này, là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, để đòi món nợ chưa trả.
Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt.
Người tình kiếp này, là vợ chồng của kiếp trước tới nối tiếp phần duyên phận chưa dứt.
Hồng nhan tri kỷ của kiếp này là anh em của kiếp trước tới chia sẻ những tâm sự chưa nói hết.
Người giàu có kiếp này là người giàu lòng thiện kiếp trước, tới nhận phần công đức đã phát ra từ kiếp trước…
Đây không phải là mê tín mà là nhân quả luân hồi, là số kiếp. Phật thường nói rằng nếu không nợ nhau thì làm sao gặp gỡ”.
Con cái đến với cha mẹ ở kiếp này là có 4 loại nghiệp duyên: một là để báo ơn; 2 là để đòi nợ; 3 là để trả nợ; 4 là để báo oán. Ơn oán nghiệp lực còn phụ thuộc vào cả kiếp trước và cả những việc làm của cha mẹ kiếp này.
Có nhiều gia đình, bố mẹ ngay thẳng, thật thà những lại sinh con cái nghịch ngợm, “rạch giời rơi xuống”. Hay những gia đình bố mẹ giàu có lại sinh ra những đứa con phá gia chi tử, ăn chơi đàng điếm, có khi còn vướng vòng lao lý. Tất cả đều có thể lý giải ở hai chữ nhân quả, tiền buôn bán kiếm được có thể là tiền bất chính, nên bằng cách này hay cách khác cũng sẽ đội nón ra đi ,của thiên lại trả địa .
Con cái chỉ là người dùng duyên nghiệp đó mà trả nghiệp cho bố mẹ thôi. Đừng hỏi tại sao những người đàn ông vốn đã từng làm khổ nhiều cô gái hoặc tính tình lăng nhăng thì thường sinh ra nhiều hơn 1 cô con gái. Số phận những cô con gái đó sướng khổ thế nào phụ thuộc rất nhiều vào nghiệp lực mà bố mẹ đã tạo ra trong quá khứ, người bố từng phũ phàng với nhiều cô gái thì cô con gái sau này nhiều khả năng cũng bị khổ sở vì đàn ông phũ phàng. Người bố sinh nhiều con gái nhưng vẫn hết lòng thương yêu vợ con, sau này các con sẽ vô cùng có hiếu. Nếu ác nghiệp kiếp trước đã hết, lại được thiện nghiệp kiếp này vun dày thì cuối đời chỉ cần ngồi hưởng hạnh phúc, gia đạo yên vui. Con cái đến hồi báo hiếu . Thế nhưng, trên đời này, mọi trái nghịch cũng đều có nhân duyên, bởi sự đời không phải khi nào cũng thuận.
Là do cái thế đối đãi ở thế giới này. Thế nào cũng có ít nhiều những cái nghịch lòng xảy ra khi đã thấy cái thuận lòng. Chỉ là thiếu duyên thì ẩn. Đủ duyên thì hiện. Không phải mẹ nào cũng đều hy sinh mọi thứ cho con. Không phải cha nào cũng biết lo toan đầy đủ. Có mẹ bỏ con cho kiến dập vùi. Có cha đánh con đến nỗi thương vong. Con trẻ, không phải ai cũng hiếu thuận, vẫn thấy có người dững dưng với những lo toan vất vả của đấng sinh thành. Đứa thì thuận thảo. Đứa chưa mở miệng đã thấy nhăn nhó… Mọi thứ đều có nhân duyên. Đều do nghiệp lực thiện ác mình đã gây tạo trong đời.
Trong lời Phật dạy thì loại nghiệp duyên này là do kiếp trước cha mẹ có ơn với con. Thế nên kiếp này con mới đầu thai để đền ơn cho cha mẹ. Ơn nghĩa càng lớn, con ở với cha mẹ càng lâu. Trả hết ân, con cái sẽ ra đi.
Những đứa con này sẽ không quản ngại gian khó để phụng dưỡng, mong mỏi cha mẹ có được nhà hạ, an vui. Không chỉ vậy, con còn không ngừng tu dưỡng đạo đức và trí tuệ, công thành danh toại, khiến cha mẹ nở mặt nở mày, rạng danh với thiên hạ.
Nếu ở kiếp trước, cha mẹ vì kết hận với người nên họ đầu thai làm con của cha mẹ kiếp này để báo oán. Vậy nên, mới có trường hợp con cái ngỗ nghịch, bất hiếu, phá gia chi tử. Khi cha mẹ già thì bất hiếu, không cung phụng, thậm chí còn bòn rút tổ nghiệp, làm những chuyện thương thiên hại lý, chẳng thể dung tha.
Cha mẹ đừng vội trách con, mà hãy trách vì kiếp trước ta từng nợ chúng quá sâu, kiếp này lại không biết đường trả, không biết cách dạy dỗ, để con lâm vào con đường tội lỗi, sai lầm.
Trong kiếp trước, cha mẹ thiếu nợ người nên kiếp này họ làm con để đòi nợ. Nợ nhỏ, cha mẹ chỉ cần lo cho con cơm ngon áo đẹp, thuốc thang đau ốm, học hành tử tế, cưới gả đàng hoàng. Khi nợ trả xong, cũng là lúc con đã đủ lông đủ cánh, tất sẽ bay đi.
Nếu món nợ quá to, con có thể khiến cha mẹ khánh gia bại sản, thân bại danh liệt. Suy cho cùng, cũng là lúc còn bé, cha mẹ đã lơ là, không dưỡng dục con chu đáo nên người.
Kiếp trước, người nợ cha mẹ nên kiếp này họ đầu thai thành con để trả nợ. Vì món nợ tiền kiếp, con sẽ nỗ lực hết mình để phụng dưỡng, giúp cha mẹ nhà hạ, nở mày nở mặt. Nhiều trường hợp con cái giỏi giang, nghiệp lớn vừa thành bỗng nhiên lìa trần.
Cha mẹ đừng trách trời cao không có mắt, suy cho cùng duyên phận hai bên chỉ đến đây. Hãy cầu nguyện con được siêu thoát, đầu thai đến một gia đình hạnh phúc hơn. Vậy nên, đừng vội trách con đối đãi nhiều hay ít, bởi lẽ nó còn phụ thuộc vào kiếp trước con nợ cha mẹ nhiều đến mức nào.
a. Nhân duyên sinh con ra là công đức lớn của cha mẹ
Ân đức đầu tiên, là nhờ cái duyên cha mẹ ta mới có thân. Kế là “Cha mẹ nghĩ tưởng đến con không gì sánh được. Từ lúc thọ thai cho đến khi sinh, chịu nhiều khổ não không thể nào nói. Dù được bao thứ dục lạc, y phục, đồ ăn v.v… cũng đều một lòng nghĩ tưởng đến con. Khi còn trong thai, máu mẹ nuôi dưỡng các căn. Khi ra khỏi thai sữa mẹ nuôi dưỡng trăm ngàn vạn đấu…”.[2] Phật nói tóm lược. Mình mổ xẻ ra mới thấy công cha nghĩa mẹ đong mãi không đầy.
Đa phần con trẻ đều là hy vọng hạnh phúc của đấng sinh thành. Không thể tránh được lo lắng, đùm bọc, yêu thương. Chín tháng cưu mang nặng nhọc nôn ọe, có khi đau nhức khắp người. Tiết chế ăn uống, sinh hoạt… những gì dù thứ mình thích nhưng hại cho con đều tự hạn chế. Sinh nở ít người không đau. “Khổ nạn trong đời không phải là ít, nhưng lần duy nhất tôi thấy kiếp người khổ nạn là khi sinh con đầu lòng. Đau đớn cùng cực. Nhưng không một niệm oán trách mới lạ”.[3] Con vui thì cha mẹ vui. Con đau, cha mẹ cũng đau. Tinh thần cho đến vật chất, cố gắng lo toan cho con đầy đủ. Gạo tiền cơm áo khi đau, khi ốm, khi ăn, khi học… khổ nhọc bao nhiêu cũng gắng cho tròn. Mười mấy năm trời lo toan mọi thứ không hề tính kể.
Con cái lớn rồi, đời sống con trẻ không yên, lòng cũng không yên. Ngay cả chết rồi, cũng vẫn theo đó không rời. Lo toan, khổ nhọc, thương yêu, hy sinh, giáo dưỡng nên đức sinh thành trưởng dưỡng con cái rất là lớn lao. Dù công trưởng dưỡng không có thì công mang nặng đẻ đau cũng nặng hai vai. Phật khuyên phải gánh cho tròn. Phật nói gánh được thì phước ngang bằng phước cúng dường Phật…
b. Vì sao làm cha mẹ đừng quá kỳ vọng hay oán trách con cái
Xét theo âm đức sinh thành dưỡng dục, nhân duyên rất lành, đương nhiên con trẻ phải có hiếu thuận, nhưng mà con trẻ trái nghịch, thì biết là do cái nhân không thuận mình đã tạo ra với chúng. Hoặc do tâm hạnh của mình có chỗ thiếu xót với người, không ở kiếp này thì những kiếp trước mà ra như thế. Thế giới nhân duyên, không thể có quả mà không có nhân. Phải thấy cho được lỗi mình nằm ở chỗ nào. Xét hết kiếp này mà thấy mọi thứ mình đã vuông tròn không lỗi thì do cái nhân ở kiếp quá khứ. Cái kiếp mà với nghiệp thức của mình hiện nay, chưa thế thấu được, chỉ biết dựa vào kinh luận tin hiểu.
Quan trọng là cần thấy đúng cái nhân để mà sửa trị. Phải diệt đúng nhân thì quả mới tiêu. Tự thấy bản thân còn nhiều điều sai để sửa mà dạy con. Nếu không thấy được lỗi mình, một mực kêu trời kêu đất, không thì đổ cho cái nhân kiếp trước rồi ì ra đó không chịu sám hối thì vô ích.
Sưu tầm