02/04/2022 404
Tết Hàn thực 2022 vào ngày 3/3 Âm lịch, tức ngày 3/4 Dương lịch. Theo quan niệm dân gian, vào ngày này các gia chủ thường dâng bánh trôi, bánh chay tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Vậy vì sao Tết Hàn Thực phải cúng bánh trôi bánh chay? Đây là câu hỏi rất nhiều người quan tâm, chuyên gia phong thủy Huy Quang thuộc hệ thống Huyền Học Việt Nam sẽ trả lời câu hỏi này trong bài viết dưới đây
» Tiết Thanh Minh không đi tảo mộ có được không?
1. Nguồn gốc ngày Tết Hàn thực
Theo nghĩa chữ Hán, “hàn” là lạnh, “thực” là ăn, “Tết Hàn thực” là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ truyền tụng nhiều đời.
Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 – 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở.
Lúc ấy, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua đã giúp đỡ nhiều mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng 19 năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài.
Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo vua phò vua là chuyện nên làm. Ông cho rằng những việc đó đâu có gì đáng nói.
Vì thế, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng nhằm thúc ép Tử Thôi quay về. Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng. Hôm ấy là ngày 3/3 Âm lịch.
Nhà vua hối hận cho lập miếu thờ. Hàng năm, cứ đến 3/3 Âm lịch, dân bị cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước, đây được coi là ngày Tết Hàn thực.
Nhiều người nghĩ rằng Tết Hàn thực và Tết Thanh minh là một nhưng thực chất, đây là hai dịp lễ khác nhau.
Tết Thanh minh và Tết Hàn thực là hai dịp lễ tách biệt. Cả hai ngày Tết Thanh minh và Tết Hàn thực đều có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa cổ đại.
Tết Thanh minh còn gọi Tiết Thanh minh, là một trong 24 Tiết khí trong Nông lịch của các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản. Tiết Thanh minh thường kéo dài trong nhiều ngày, bắt đầu từ ngày 4 – 5/4 Dương lịch đến ngày 20 – 21/4 Dương lịch, khi Tiết Cốc vũ bắt đầu.
Tuy Tiết Thanh minh không có ngày Âm lịch cố định nhưng theo quy luật của Âm lịch thì Tiết Thanh minh luôn phải nằm trong tháng 3 Âm lịch.
Tết Hàn thực chỉ có một ngày cố định là ngày 3/3 Âm lịch. Sau này có thêm ngày Thanh minh nằm trong Tết Thanh minh và cũng trùng vào ngày 3/3 Âm lịch nên người ta thường tổ chức Tết Thanh minh và Tết Hàn thực cùng với nhau.
Vào Tết Thanh minh, con cháu thường đi thăm viếng, tảo mộ và chăm sóc mộ phần của ông bà, tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Ngoài ra, nhiều gia đình muốn sửa sang, xây dựng lại mộ phần cho ông bà tổ tiên thường đợi đến ngày Thanh minh mới động thổ.
Còn vào ngày Tết Hàn thực, con cháu thường dâng lên ông bà tổ tiên món bánh trôi, bánh chay. Tết Hàn thực vì vậy còn được gọi là Tết bánh trôi – bánh chay.
Tháng 3 Âm lịch, thời tiết bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa Hè. Người Việt xưa đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay là những món ăn nguội, mang tính mát. Món ăn này vị ngọt thanh, rất phù hợp cho những ngày nóng nực.
Theo các chuyên gia văn hoá, việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Nó thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên.
Bên cạnh đó, bánh trôi bánh chay cũng gợi nhớ đến tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
Chính vì thế, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.
Tết Hàn Thực 2022 diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 (âm lịch) hàng năm, xuất hiện chủ yếu tại các tỉnh Trung Quốc, khu vực miền Bắc Việt Nam và thường được chào đón tại các cộng đồng người Hoa trên Thế Giới.
Vào ngày lễ này mọi người thường xay bột, nấu đậu xanh, tự làm các món bánh chay, bánh trôi, nấu chè xôi,.. để lễ Phật và cúng tổ tiên.
Năm nay, Tết Hàn thực 2022 vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch năm Nhâm Dần (tức ngày Chủ Nhật 3/4/2012)
Bánh trôi, bánh chay
Trong mâm cúng Tết Hàn thực, không thể thiếu món bánh trôi, bánh chay. Số lượng bánh trôi, bánh chay trong mâm cúng là 5 hoặc 3 bát bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay.
Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải là gại nếp cái hoa vàng. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ hoặc non hai phần tẻ. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên, những miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát. Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên thì vớt ra và ngâm trong nước đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng đã rang thơm.
Hương, hoa tươi, trầu cau
Trong mâm cúng, người Việt đều không thể thiếu nén hương, hoa tươi và trầu cau. Do vậy, vào ngày Tết Hàn thực, mâm cúng cũng sẽ không thể thiếu những thứ này.
Mâm ngũ quả
Ngoài những thực phẩm trên, các gia đình có thể mua một đĩa hoa quả tươi với khoảng 5 loại quả. Tùy từng mùa, gia chủ chọn 5 quả có màu sắc khác nhau như màu xanh, đỏ, vàng, tím… để đại diện cho ngũ hành, dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành.
Ly nước sạch
Mỗi lần thắp hương gia tiên, người nhà đều không quên thay một ly nước sạch trên bàn thờ. Dịp tết Hàn thực cũng cần phải có một ly nước sạch. Nước là thể hiện cho tâm của gia chủ.
Đèn cày hoặc nến
Tùy vào điều kiện gia đình, việc lựa chọn đèn cày hay nến đều có thể sử dụng được. Tuy nhiên, số lượng đèn cày hay nến nên là số 2. Nó vừa giúp tiện cho việc châm hương thuận tiện phù hợp theo thuận tay người thắp mà còn làm bàn thờ cân xứng và ấm cúng hơn.
Tuy nhiên, việc cúng bái cốt ở thành tâm chứ không cần phải quá cầu kì nên nếu không có thời gian, bạn có thể chuẩn bị một đĩa trái cây tươi đơn giản là được.
Sau khi chuẩn bị đủ mâm lễ cúng Tết Hàn thực, gia chủ dâng lễ lên ban thờ và có một bài văn khấn đúng truyền thống cùng lòng thành tâm khấn vái.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài bản cảnh thành hoàng, ngài bản xứ thổ địa, ngài bản gia táo quân cùng chư vị tôn thần.
Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ chúng con là…Ngụ tại…
Hôm nay là ngày 3.3 (âm lịch) gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Trên đây là bài văn khấn Tết Hàn thực 2022 đầy đủ và chuẩn nhất. Chúc bạn và gia đình có một ngày Tết Hàn thực sum vầy, hạnh phúc.