20/07/2021 2267
“Tu trăm năm mới đi chung một chuyến thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. . Nên nhân duyên vợ chồng phải qua nhiều kiếp mới đến được với nhau như vậy. Nhưng có những người không biết trân quý khi có thì không trân trọng, đến khi mất rồi mới hối tiếc thì đã muộn. Vậy phải làm thế nào để trọn đạo vợ chồng và trân quý mối nhân duyên ấy?
Người đời hay có câu: Vạn sự tùy duyên. Nhưng thế nào là tùy duyên và hiểu duyên nợ giữa người và người nói chung, duyên nợ vợ chồng, duyên nợ yêu nhau….như thế nào để thấu được chữ nhân duyên trong cõi đời thật không phải dễ dàng. Cùng theo những lời dạy của Phật, chúng ta sẽ tìm hiểu về chữ nhân duyên cũng như làm thế nào để duyên gắn kết thành nợ và tạo dựng được những mối gắn kết bền lâu nhất .
Duyên là cớ gặp gỡ, nợ là gắn kết bền lâu. Trong cõi vô thường này, mỗi người chúng ta tồn tại chỉ như khói như sương. Đời người mỏng manh mà vũ trụ thì tận cùng, chính bởi vậy mà mỗi người nên tự tìm cho mình những an lạc bình yên để có thể sống trọn được kiếp người. Tình yêu và duyên nợ vợ chồng hay nhân duyên vợ chồng chính là một trong những điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời mà mỗi người nên chiêm nghiệm. Trong dòng chảy luân hồi của cuộc đời, ta gặp biết bao người, cũng đều cho duyên nghiệp mà ra cả.
Hôn nhân là việc đại sự trong cuộc đời của mỗi con người. Tuy nhiên trong xã hội ngày nay thái độ và hành vi của chúng ta đối với hôn nhân đã gây ra rất nhiều vấn đề trong xã hội. Ví dụ như bạo lực gia đình, chiến tranh lạnh, ngoại tình, sống thử… Tất cả những điều đó dẫn tới đạo đức xã hội bại hoại, tạo càng nhiều tội nghiệp từ đó dẫn tới xuất hiện các loại bệnh ác tính kỳ lạ…
Nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi thái độ của con người ngày nay với hôn nhân có lẽ là bởi chúng ta quá đề cao cái tôi cá nhân, phóng túng dục vọng, và không tin vào luật nhân quả. Nếu muốn giải quyết chúng ta phải bắt đầu từ gốc. Hãy cùng nhìn lại và tìm hiểu xem người xưa nhìn nhận và đối đãi với vấn đề hôn nhân như thế nào.
Bàn về hôn nhân, ngoài chữ “tình”, vợ chồng sống với nhau còn vì hai chữ “ân nghĩa”. Người xưa nói “Tu trăm năm mới đi chung một chuyến thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Hai con người xa lạ không quen biết có thể được đi chung đường với nhau, đó đều là nhân duyên.
Trong thời cổ đại, những nghi thức lễ giáo hoàn thiện và luân lý đạo đức thường cao hơn và chế ước quan hệ tình cảm nam nữ. Họ đều cho rằng “tình yêu” được xây dựng trên cơ sở hôn nhân, như vậy mới theo đúng trật tự, mới được củng cố vững chắc, hợp tình hợp lý và mới được xã hội công nhận và tôn trọng. Tất cả các loại “tình yêu” không dựa trên cơ sở hôn nhân đều không được cho phép, và đều là vi phạm đạo lý lễ giáo.
Hôn nhân là việc lớn trong đời mỗi người chứ không phải trò đùa con trẻ, nên từ thời nhà Chu đã đặt định ra những lễ pháp chính trước khi tiến đến một đám cưới:
Lễ nạp thái: Sau khi nghị hôn, nhà trai mang sang nhà gái một cặp “nhạn” để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy.
Lễ vấn danh: Là lễ do nhà trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái.
Lễ nạp cát: Lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi.
Lễ nạp tệ (hay nạp trưng, nạp tài): Là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, tang chứng cho sự hứa hôn chắc chắn.
Lễ thỉnh kỳ: Là lễ xin định ngày giờ làm lễ rước dâu – tức lễ cưới.
Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): Đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về.
Người xưa rất kính Thần tín Phật, coi trọng chữ hiếu. Vì vậy khi kết hôn thường phải bái Trời đất để trời đất chấp nhận, bái cha mẹ để cha mẹ thừa nhận.