Ngũ Phương Thuật 5 bí thuật phát hiện tiềm năng con người không thể bỏ qua

01/11/2021 632

Ngũ Phương Thuật Trung Hoa hay còn gọi là Ngũ Huyền Thuật là năm bí thuật Trung Hoa bao gồm: Sơn – Y – Mệnh – Tướng – Bốc. Đây là 5 nhánh chính của huyền học phương Đông. Tất cả ngũ đại thuật này đều ứng dụng các nguyên lý chính là: âm dương, ngũ hành và bát quái. Tuy cách vận dụng khác nhau nhưng đều cơ bản […]

Ngũ Phương Thuật Trung Hoa hay còn gọi là Ngũ Huyền Thuật là năm bí thuật Trung Hoa bao gồm: Sơn – Y – Mệnh – Tướng – Bốc. Đây là 5 nhánh chính của huyền học phương Đông. Tất cả ngũ đại thuật này đều ứng dụng các nguyên lý chính là: âm dươngngũ hành và bát quái. Tuy cách vận dụng khác nhau nhưng đều cơ bản là dựa theo quy luật của vũ trụ, sự vận hành của đạo Trời, sự tương thông của Thiên – Địa – Nhân. Nó giúp con người khám phá những tiềm năng của con người và những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc sống của con người

Xét theo nghĩa rộng thì đó là những tư tưởng và phương pháp do các bậc tiên triết thời xưa dựa vào cơ sở Triết học cổ đại là bộ Kinh Dịch, kết hợp với quá trình vận dụng thực tiễn lâu dài, đã đúc kết nên quy luật vận hành của Đạo Trời, cùng những nguyên lý phổ biến và huyền bí trong vận mệnh của Con Người, nhằm đạt tới mục đích cuối cùng, là tìm đến trạng thái hài hòa giữa con người với trời đất, với giới tự nhiên.

Xét theo nghĩa hẹp, năm huyền thuật chính là những phương cách “tìm cát tránh hung, trừ tai phòng họa” để hướng đến một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn.

1. Sơn Thuật – sự tu luyện thể xác và tinh thần 

Sơn, tức là các thuật tu đạo, tu luyện, dưỡng sinh, khí công, các thuật tu dưỡng thân tâm được tiến hành trên núi cao (sơn). Đây là loại hình học ván dùng các phương pháp thực nhĩ, trúc cơ, huyền điển, quyền pháp, phù chú… để rèn luyện thể xác và tinh thần, nhằm hoàn thiện thân tâm.

Thực nhĩ: dùng các loại dược liệu bổ dưỡng, rượu bổ, thức ăn hằng ngày để tương cường thể lực cũng như điều trị bệnh tật.

Trúc cơ: dùng các hoạt động thiền tọa, tĩnh tọa để khống chế tinh, khí, thần (ba “vật báu” trong cơ thể con người) nhằm mục đích tăng cường sức khỏe (thể lực cũng như tinh thần).

Huyền điển: dựa vào tư tưởng của Lão Tử, Trang Tử để tiến hành tu thân dưỡng tính.

Quyền pháp: tập luyện các thể loại võ thuật để tăng cường thể lực cũng như tinh thần, nhằm chống lại sự xâm hại của bệnh tật, thú dữ, cũng như người khác.

Phù chú: tu luyện các phép thuật thần thông nhằm trấn áp tà ma, rước lành tránh dữ.

Ngũ Phương Thuật

Sơn, tức là các thuật tu đạo, tu luyện, dưỡng sinh, khí công, các thuật tu dưỡng thân tâm được tiến hành trên núi cao (sơn).

2. Y thuật- Điều trị và phòng chống bệnh tật

Y, tức y thuật, gồm các phương pháp chữa trị bệnh, cách chế tác thuốc, cách sử dụng thuốc, châm cứu, bấm huyệt, linh trị… với mục đích điều trị bệnh tật, duy trì sức khỏe.

Phương thuốc: sử dụng các loại thảo mộc, các vị thuốc hoặc các loại thuốc thành phẩm để chữa trị các bệnh, điều trị các tật, hoặc tăng cường bồi bổ sức khỏe.

Châm cứu: cách gọi chung của “châm” và “cứu”. “Châm” thì dễ hiểu, là dùng vật nhọn tác động vào một vị trí nào đó trên cơ thể, còn “cứu” nghĩa là hơ nóng trên ngọn lửa. Châm cứu vận dụng nguyên lý tuần hoàn khí huyết và hệ thống kinh lạc, hệ thống huyệt vị trong cơ thể con người để kích thích các bộ phận mắc bệnh, từ đó điều hòa khí huyết về trạng thái cân bằng, tức là chữa khỏi bệnh. Gần giống với các phương pháp “vật lý trị liệu” ngày nay. Những y thuật khác tương tự là xoa bóp (mát-xa) và ấn huyệt, day huyệt. Điểm huyệt và giải huyệt lại thuộc về SƠN, mặc dù khá gần với ấn huyệt.

Linh trị: Tác động đến trạng thái tâm lý của con người nhằm chữa trị bệnh tật. Gần giống với các phương pháp “trị liệu tâm lý” ngày nay.

Ngũ Phương Thuật

Y, tức y thuật, gồm các phương pháp chữa trị bệnh, cách chế tác thuốc, cách sử dụng thuốc, châm cứu, bấm huyệt, linh trị… với mục đích điều trị bệnh tật, duy trì sức khỏe.

3. Mệnh- Thấu tỏ vận mệnh của con người, tìm ra quỹ đạo đời người

Mệnh (hay mệnh lý), tức các thuật (các dạng học vấn) dùng để suy đoán về số mệnh và vận mệnh của con người, nhằm đạt đến mục đích tìm điều lành, tránh điều dữ (tìm cát tránh hung) để cải thiện cuộc sống. Phương pháp chủ yếu là căn cứ vào thời điểm sinh ra của chủ thể và giới tính của chủ thể, vận dụng các nguyên lý của các học thuyết âm dương, ngũ hành (cốt lõi của Kinh Dịch). Những loại hình đoán mệnh chủ yếu gồm: Bát tự Hà Lạc, Tứ trụ đoán mệnh, Tử vi Đẩu số, Thiết Bản thần số.

Bát tự Hà Lạc: dự đoán vận mệnh con người, căn cứ vào 8 chữ (bát tự) Can và Chi của năm sinh, tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh (và giới tính). Để xem chủ thể nhận được quẻ gì trong số 64 quẻ Văn Vương, người ta phải dùng các con số trong Hà Đồ và Lạc Thư (thực chất là các số tự nhiên từ 1 đến 10) để tính toán, cộng trừ, nhân chia. Sau đó, dùng các lời bình luận về từng quẻ của thánh nhân (thoán từ, hào từ) để suy đoán. Có sử dụng Ngũ Hành, nhưng ít hơn nhiều so với Tử vi Đẩu số.

Tứ trụ đoán mệnh: dự đoán vận mệnh con người, căn cứ vào Can Chi của năm sinh, tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh để nạp các nhân tố âm dương, ngũ hành, lục thần, lục sát, nạp âm vào trong đó, rồi tiến hành những phân tích về mệnh lý. “Tứ trụ” hiểu là 4 cột trụ, chính là từng cặp Can Chi kể trên.

Tử vi Đẩu số: dự đoán vận mệnh con người, căn cứ vào Can Chi của năm sinh, tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh (và giới tính). Sau đó, sắp xếp trên dưới 100 ngôi sao vào 12 cung, gồm: cung Mệnh, cung Huynh đệ (anh chị em), cung Phu thê (vợ chồng), cung Tật ách (bệnh tật), cung Thiên di (xuất ngoại), cung Nô bộc, Tài bạch (của cải), cung Điền trạch (đất đai, nhà cửa), cung Phụ mẫu (cha mẹ), cung Quan lộc (sự nghiệp), cung Phúc đức , Tử nữ (con cái). Ngoài ra, còn cung Thân – dùng để dự đoán tương lai của đời người. Cung này tương phối cùng các cung khác, chứ không có vị trí riêng. Trong đó, cung Mệnh là cung quan trọng nhất.

Những ngôi sao trong Tử vi Đẩu số một mặt là sản phẩm của trí tưởng tượng của người xưa, mặt khác, lại là những thể hiện rất cụ thể của những nhân vật thiện-ác trong “Phong thần diễn nghĩa”, vì thế, nếu ai đã đọc và biết các tích truyện này (cùng hình ảnh minh họa các nhân vật) thì sẽ thấy ngay tính cách, quá khứ, tương lai của chủ thể, thông qua các “sao” được định đoạt vị trí trong 12 cung.

Từ sự phối hợp của những sao trong một cung sẽ dự đoán được số mệnh, vận mệnh của chủ thể trong 30 năm đầu tiên của đời người (Tiên thiên). Để dự đoán cho Hậu thiên (30 năm tiếp theo), cần căn cứ vào tam phương, tứ chính, tứ hóa và quan hệ vượng suy (mức độ sáng của sao – có 5 mức độ), quan hệ sinh khắc (theo quy luật tương sinh tương khắc trong Học thuyết Ngũ Hành) của các sao, cùng sự tổ hợp của các sao Đại hạn, sao Lưu niên tại từng cung để suy đoán.

“Đẩu số” ám chỉ sao Bắc Đẩu, ngôi sao sáng chỉ phương Bắc cho những người đi biển. Đây cũng là tên một vị thần được Ngọc Hoàng giao cho nhiệm vụ (cùng với Nam Tào) trông coi, giữ sổ sách sinh tử của loài người dưới Hạ giới. “Tử vi” ngụ ý về một vườn sao trên trời (có 3 vườn sao như thế), trong vườn có ngôi sao Tử Vi màu tía huyền bí , tên khác là sao Bắc Đẩu.

Trong số các sao, có 2 “ngôi sao” kỳ dị là Tuần và Triệt, thường đứng ở vị trí giữa 2 cung trong số 12 cung, khi chiếu vào các sao khác, có thể gây ra những hiệu ứng vô cùng đặc biệt, tương ứng với những tình huống bất ngờ trong đời sống, kiểu như “đại gia bị bắt vì tội trốn thuế, dẫn đến sập tiệm “, hay “bà bán bánh mì chẳng may trúng xổ số độc đắc”.

Ngũ Phương Thuật

Mệnh (hay mệnh lý), tức các thuật (các dạng học vấn) dùng để suy đoán về số mệnh và vận mệnh của con người, nhằm đạt đến mục đích tìm điều lành, tránh điều dữ (tìm cát tránh hung) để cải thiện cuộc sống.

4. Tướng- chỉ ra mối quan hệ giữa con người và thế giới

Tướng, có nghĩa là phương pháp quan sát về hình dạng bên ngoài của người, vật, sự việc, địa hình (thế đất)… từ đó rút ra kết luận về vận mệnh của con người (của chủ thể hay của con cháu họ).

Có 5 loại phổ biến là: nhân tướng (xem hình dạng, mặt mũi, vân tay…), gia tướng (xem đất xây nhà), mộ tướng (xem đất xây phần mộ), ấn tướng (xem con dấu, chữ ký), danh tướng (xem tên họ).

Nhân tướng: Quan sát hình dạng, sự cân đối, khí sắc, các đường rãnh, nếp nhăn trên mặt và bàn tay, ngón tay để suy đoán.

Gia tướng: Quan sát hình dáng, thế đất, địa hình xung quanh, phân tích cách cục của mảnh đất hay ngôi nhà để từ đó suy đoán về trạng thái cát hung cho chủ thể (cũng như cho con cháu họ) khi sinh sống trên mảnh đất hay ngôi nhà đó. Loại hình này còn gọi là phong thủy dương trạch.

Mộ tướng: Loại hình này còn gọi là phong thủy âm trạch. Quan sát hình dáng, thế đất, địa hình xung quanh, phân tích cách cục của mảnh đất xây mộ (người xưa quan niệm, đó là ngôi nhà dưới âm) an táng di hài tổ tiên, cốt sao cho có sự phù trợ, giúp ích tối đa cho đời con cháu.

Ấn tướng: Quan sát hình dáng con dấu (cái triện) của người có chức quyền để từ đó suy đoán về tình hình làm quan cai trị của chủ thể. Ngày nay, người ta chủ yếu xem chữ ký các “sếp”.

Danh tướng: Phân tích họ và tên của người có chức quyền hoặc thương gia để từ đó suy đoán về tình hình làm quan (hay làm ăn) của chủ thể. Ngày nay, người ta chủ yếu phân tích tên cửa hàng, cửa hiệu.

5. Bốc- Tìm ra quy luật phát triển tiếp theo của sự vật 

Bốc (tên đầy đủ là Bốc phệ), có nghĩa là bói toán, bói quẻ, bắt nguồn từ 8 quẻ (Bát quái) trong Kinh Dịch. Mục đích là dự đoán và xử lý các sự việc sẽ xảy ra trong tương lai gần hay tương lai xa. Có 3 loại chính.

Chiêm bốc: “Chiêm” vốn có nghĩa là hỏi về các điềm triệu, “bốc” vốn chỉ hành động “đốt mai rùa”, sau đó căn cứ vào các hình rạn nứt trên đó để luận bàn cát hung. Thời cổ đại, chiêm bốc giữ một vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, quân sự và sinh hoạt đời thường. Phương pháp suy đoán, dự báo của chiêm bốc là dựa trên quan điểm về sự thống nhất, tương đồng giữa trời và người (Thiên – Nhân hợp nhất), quan điểm về sự chế ức lẫn nhau của ba giới trời, đất, người (Thiên-Địa-Nhân) và cơ sở lý luận của Kinh Dịch. Người xưa dùng các hình thức đốt mai rùa, bói cỏ thi, lập quẻ (quẻ Chu Dịch, quẻ Mai Hoa Dịch, quẻ Văn Vương), và chiêm tinh (xem sao, cụ thể là xem sự tồn tại, độ sáng tối, sự chuyển dịch của các ngôi sao trên bầu trời vào buổi đêm, so sánh vị trí của chúng với 28 vì tinh tú ở bốn phương trời).

Trạch cát: Tác phẩm tiêu biểu là “Kỳ môn độn Giáp”. Kết hợp các phương pháp bố cục (sắp xếp các cục), bố đẩu (hình thái bố trí các sao), bùa chú để xử lý những nhân tố gây tác động xấu đến sự phát triển của sự vật. Trong lĩnh vực quân sự cổ đại, đây là cách bài binh bố trận, sắp xếp các đội quân và quy định sẵn quy luật biến hóa đội hình, vận động đội hình để khi quân đối phương sa vào trận đồ, sẽ không tìm thấy lối ra, dễ dàng bị quân ta bao vây tiêu diệt.

“Kỳ môn độn Giáp” căn cứ vào mối quan hệ điều hòa đối ứng giữa sự xoay vần của bốn mùa trong năm với Cửu cung Lạc Thư và Hậu thiên bát quái. “Kỳ môn độn Giáp” dùng 9 Can còn lại là Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý (Giáp đã bỏ trốn) để đánh dấu trạng thái tiêu trưởng của hai khí âm dương trong một năm, sau đó dùng nguyên tắc Cửu Cung (trong Lạc Thư) để xác định trạng thái tiêu trưởng của âm dương.

“Kỳ môn độn Giáp” dùng Địa bàn tượng trưng cho quỹ đạo của Trái đất, và đặt Thiên bàn lên trên, tượng trưng cho Trái đất tự quay; đặt Nhân bàn ở giữa Thiên bàn và Địa bàn, tượng trưng cho sự biến đổi của người, vật, sự việc.

Một môn tượng số gần với “Kỳ môn độn Giáp” là “Đại lục nhâm”, song sự khác biệt là “Đại lục nhâm” dùng Thiên bàn tượng trưng cho quỹ đạo của Trái đất, dùng Địa bàn tượng trưng cho Trái đất tự quay, rồi đặt Nhân bàn ở giữa Thiên bàn và Địa bàn.

Trắc cục: Tác phẩm tiêu biểu là “Thái Ất thần số”. Là một môn Tượng số học, sử dụng quẻ tượng của 12 vận để suy đoán về vận mệnh, khí số của quốc gia và quy luật diễn biến của lịch sử.

( sưu tầm )

Có thể bạn quan tâm: Dịch vụ xem Tử vi

Thông tin cập nhật đầy đủ tại Fanpage: Tử Vi Hiện Đại

Xem thêm: Học thuyết Ngũ Vận – Thời Khí

Bình luận