Theo thuận lý, những tương sinh về Âm Dương Ngũ Hành trên các yếu tố của lá số càng có nhiều thì càng lợi cho đương số.
Tuy nhiên, có nhiều tác giả cho rằng nhiều tương sinh chưa hẳn là tốt. Trái lại, có đối khắc trong các yếu tố chưa hẳn đã là xấu. Quan điểm này nói lên vấn đề nghịch hợp của qui luật Âm Dương Ngũ Hành. Ví dụ như có người dẫn chứng rằng người Mệnh Thủy cung Mệnh đóng ở Thủy, tại đó có nhiều sao Thủy hay sao Kim (Kim sinh Thủy) thì không chắc đã hay, dù các yếu tố tương sinh về Âm Dương Ngũ Hành đều có lợi cho đương mệnh. Lý do đưa ra quá nhiều nước thì làm úng Bản Mệnh, chỉ cần một số lượng nước vừa phải Bản Mệnh mới tồn tại và hưng vượng. Một ví dụ về đối khắc cho rằng Bản Mệnh là Hỏa đóng ở cung Kim, thông thường thì đối khắc, nhưng chính nhờ Hỏa khắc Kim mà Kim mới thành đại dụng (kim khí nhờ lửa mới được đúc rèn thành vật dụng thiết yếu). Cho nên, việc đối khắc này lợi cho đương số chớ không có hại. Một ví dụ khác nữa cho rằng trong một cung mà có sao Kim, sao Mộc, tất sao Mộc bị sao Kim khắc chế, nhưng, nếu có cả sao Thủy đồng cung thì, theo luận cứ của vài tác giả, sao Mộc sẽ vô hại, vì lúc bấy giờ, Kim bận lo sinh Thủy nên không lo khắc Mộc !
Qua những ví dụ đó, ai cũng thấy rằng qui luật hợp hay khắc của Âm Dương Ngũ Hành rất phức tạp, khả dĩ đưa đến một mê hồn trận không có lối thoát, vì chưa ai giải rõ được số lượng yếu tố tương sinh vừa phải, số lượng yếu tố tương khắc vừa đủ, trường hợp nào khắc mà hay, trường hợp nào sinh mà dở, trường hợp nào khắc mà không khắc, lý do nào bị khắc mà hóa ra không bị khắc v.v…
Trí óc con người có thể hình dung được sự bất lợi của thái quá đối với bất luận yếu tố nào của con người. Nhưng cho đến nay, ngay cả trong lý thuyết Âm Dương Ngũ Hành và trong quan điểm của những tác giả thực nghiệm, chưa thấy có qui luật nào nói lên mức độ trung dung vừa phải. Dường như đây là vấn đề lượng định của mỗi cá nhân.
Trí óc con người cũng có thể hình dung được rằng sự khắc chế có nhiều cái hay cho con người và đời người, cụ thể như nghĩ rằng nghịch cảng có thể là một động lực thúc đẩy con người đấu tranh, do đó, sự đối khắc xét ra có ích để cho con người được trui rèn, ngõ hầu trở thành lão luyện, từng trải. Nhưng lối hình dung như vậy chỉ đúng được 1 phần vì 2 lẽ:
– Nghịch cảnh có thể làm lụn bại chí đấu tranh của cá nhân nếu đó là nghịch cảnh lớn và liên tiếp, quá sức chịu đựng của cá nhân.
– Mức độ nặng nhẹ của nghịch cảnh xuất phát từ sự đối khắc ngũ hành không thể qui định thích đáng cho mọi người và cho mỗi cá nhân. Vẫn có trường hợp 2 đối khắc ngũ hành là vừa đủ cho cá nhân này lại quá nặng cho một cá nhân khác.
Một lần nữa, đây cũng là vấn đề lượng định riêng của người giải đoán.
Đối với ví dụ sao Kim bận sinh cho sao Thủy nên không lo khắc chế sao Mộc đồng cung, thì đây quả là một lý luận đúng nửa chừng vì có người đối nại rằng sao Kim có thể chỉ lo khắc sao Mộc mà bỏ qua sao Thủy, hoặc là sao Thủy vì lo phù sinh cho sao Mộc nên sao Mộc hưng vượng sẽ không bị sao Kim khắc chế? Thành thử trên ví dụ đó, nhiều hướng luận đoán chớ không phải chỉ có một lý luận. Ai khẳng định tức là rơi vào phiến diện, từ đó có thể sai lầm.
Cho nên, vấn đề nghịch hay hợp giữa các hành còn thiếu sót. Không lý thuyết nào đủ sức đưa ra những lượng định (appréciation quantitative) và những phẩm định (appréciation qualitative) thỏa đáng, khả dĩ làm được việc này. Tất cả đều lệ thuộc sự thẩm định riêng rẽ của người giải đoán, may thì đúng, rủi thì sai. Đây là một nhược điểm trầm trọng của khoa Tử -Vi mà hậu quả sẽ đưa đến nhiều tranh chấp nan giải.
Hiện TuviGLOBAL có chuyên gia chấm trực tiếp lá số tử vi của từng đương số, xin vui lòng nhấn vào đây để biết thêm chi tiết.
Nguồn TuviGLOBAL lược trích từ “Tử vi Hàm số” của Nguyễn Phát Lộc.
Hiện sách E-book có bán tại TuviGLOBAL.