Tử vi là một dạng thức khoa học hay chỉ là một hình thức bói toán mang đầy yếu tố mê tín và lừa đảo? Câu trả lời còn đang tranh cãi. Tuy nhiên, có thể nói, với tính chất khoa học thần bí mờ ẩn và hư ảo, Tử vi là một đối tượng nghiên cứu khá thú vị.
TỬ VI: KHOA HỌC HAY MÊ TÍN
Tử vi là một dạng thức khoa học hay chỉ là một hình thức bói toán mang đầy yếu tố mê tín và lừa đảo? Câu trả lời còn đang tranh cãi. Tuy nhiên, có thể nói, với tính chất khoa học thần bí mờ ẩn và hư ảo, Tử vi là một đối tượng nghiên cứu khá thú vị.
Tử vi – khoa học mà huyền bí
Trong những kiểu bói toán, khoa Tử vi thường được coi là một trong những kiểu bói toán có tính chính xác cao và được nhiều người tín nhiệm. Trước khi khoa Tử vi ra đời, Trung Hoa đã có nhiều hình thức bói toán khác như “bốc phệ” do Văn Vương đời nhà Chu dựa trên Hà đồ (bức vẽ ở sông Hà, vẽ bát quái của vua Phục Hi) tạo thành 64 quẻ bói hợp thành.
Sau đó nền triết học Trung Hoa đã đi qua nhiều luận thuyết như thuyết Âm Dương Ngũ Hành dựa trên sự tương sinh tương khắc của 5 yếu tố cơ bản – kim, mộc, thủy, hỏa, thổ – nhằm giải thích đời sống và tùy từng cặp yếu tố kết hợp với nhau nó sẽ cho ra những kết quả khác nhau với độ biến thiên rất phức tạp. Đây là học thuyết có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khoa Tử vi sau này.
Về phạm trù số mệnh được đề cập ở vị trí trung tâm của khoa Tử vi, thực ra trước đó đã có nhiều nhà triết học có những cái nhìn khác nhau. Khổng Phu Tử nói “Tận nhân lực, tri thiên mệnh” nghĩa là hãy cố gắng làm hết sức mình rồi thành bại thế nào mới biết được mệnh trời. Trang Tử thì cho rằng con người thành bại, nghèo hèn hay giàu sang đều do định mệnh, ngay cả vận nước cũng do thiên mệnh chi phối không thể thay đổi. Còn Tuân Tử thì phủ nhận sự tồn tại của số mệnh và cho rằng tất cả họa phúc con người đều do chính hành động của họ tạo nên.
Đến thời Tống, nền văn minh Trung Hoa đã có bước phát triển mạnh mẽ trong việc nghiên cứu về nhân học. Nhiều triết gia đã chuyên tâm nghiên cứu về con người nhằm tìm ra những nguyên tắc về cuộc sống. Khoa Tử vi tuy ra đời chậm nhưng đã tổng hòa được những tinh hoa của bói dịch, nhân tướng học, thiên văn học của Trung Quốc cổ đại. Tử vi đã quy nạp lại cho mình một hệ thống thuật ngữ riêng. Một số quan điểm trong Tử vi tuy không được chứng minh nhưng vẫn được áp dụng trong đời sống hằng ngày, như áp dụng lý thuyết Âm Dương Ngũ Hành vào y học. Với những nét đặc trưng độc đáo của mình, khoa Tử vi được nhiều nhà khoa học ngày nay xem như là một bước tiến về nhân học Trung Hoa thời Trung đại.
Đối tượng nghiên cứu của Tử vi chính là con người và số mệnh con người. Con người trong Tử vi là con người gắn liền với gia đình và những mối quan hệ xã hội. Có thể coi Tử vi là một dạng thức khoa học kết hợp triết học một cách khá sơ khai và chất phác. Loại hình nghiên cứu của nó dựa trên tính trực quan và mang nhiều yếu tố triết học ở dạng sơ kỳ. Tử vi dùng nhiều phương pháp nghiên cứu kết hợp, đó là phân tích, tổng hợp và động. Trong đó chia thành đại phân tích và vi phân tích. Những triết lý bói toán cũng được hệ thống hóa dựa trên nền tảng của triết lý Âm Dương Ngũ Hành. Tử vi vận động theo các vì sao ở 10 can, 12 chi dịch chuyển và biến đổi theo lý thuyết Bát Quái, tương tác với nhau theo thuyết Âm Dương Ngũ Hành.
Vậy Tử vi là gì và ai là người đã có công sức hình thành và phát triển nên dạng thức khoa học thô sơ này?
Hi Di – Trần Đoàn lão tổ
Ông tổ của khoa Tử vi là một đạo sĩ tu trên núi Hoa Sơn có tên hiệu là Hi Di và tên thật là Trần Đoàn, sống vào thời nhà Tống. Dựa vào Kinh Dịch cùng những khai triển về lý thuyết âm Dương Ngũ Hành của Đổng Trọng Thư, một triết gia thời Hán, ông đã lập ra khoa Tử vi với mục đích tìm hiểu con người và số phận con người dựa trên hệ thống quy luật biến hóa của triết thuyết về vũ trụ thời đó. Bằng cách tích hợp những biến số của đời sống dựa trên ngày sinh tháng đẻ, Trần Đoàn đã tìm ra nguyên tắc viết nên “lá số tử vi”, rất gọn gàng với 12 cung và hơn 100 vì sao nhằm tiên đoán số phận của con người. Lá số Tử vi gồm 10 Chính tinh và nhiều Phụ tinh an định trên 12 Cung nằm trên một Thiên Bàn.
Những vì sao và cung mệnh có mối quan hệ tương tác rất phức tạp, có ảnh hướng tích cực hay tiêu cực đến bản mệnh. Trong những ngôi sao bản mệnh, sao Tử vi là ngôi sao quan trọng nhất (Tử là màu tím, Vi là huyền diệu). Tử vi là tên ngôi sao Chủ tinh của con trưởng vua Văn Vương đời Chu: Trung cung Tử vi đại đế cai quản hai cung Nam Tào, Bắc Đẩu nắm giữ chuyện sinh tử của thiên hạ trong tay. Các vua chúa ngày xưa cũng coi Tử vi chính là sao tướng tinh của mình và cho rằng cung sao Tử vi trên bầu trời tương ứng chính hoàng cung.
Trong một lá số Tử vi, nhiều nhất người ta có 118 sao. Mỗi ngôi sao có một ý nghĩa. Sao này khi tương tác với sao khác lại có ý nghĩa khác. Dù sự chính xác của khoa Tử vi còn phải bàn cãi nhưng việc “mã hóa” và “sơ đồ hóa” số mệnh của con người vào một lá số Tử vi đã cho thấy tham vọng lớn lao của khoa Tử vi. Ngày nay, dưới con mắt khoa học, khoa tử vi được coi như một loại hình khoa học huyền bí kết hợp với nhân học và phân tích độc đáo trong việc tiên đoán số mệnh con người. Thực tế để xem chuẩn một lá số tử vi là một điều bất khả vì nó là một hàm số có quá nhiều biến số tương tác lẫn nhau. Nếu coi các nguyên tắc tương tác giữa các sao là một hàm số, thì lá số Tử vi của một người là một hàm số có tới hơn 100 biến số. Đây là hàm số quá phức tạp và không có lời giải thấu triệt.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng thực ra Hi Di lão tổ Trần Đoàn không là người sáng tạo ra khoa Tử vi mà chỉ là người hệ thống hóa lại. Tử vi cũng không nên được coi là một khoa học độc lập mà nên coi nó là sự kết hợp của nhiều nguyên lý khoa học khác trong triết học Trung Hoa.
Khoa học hay mê tín
Khoa Tử vi vừa mang tính khoa học thống kê vừa mang tính bói toán và có phần dị đoan. Nếu xét theo những điều kiện cần thì khoa Tử vi có thể được coi là một khoa học theo một mặt nào đó. Khoa Tử vi có hệ thống lý luận riêng với những thuật toán riêng và cách tiếp cận nghiên cứu nhân học độc đáo. Ngoài ra, khoa Tử vi cũng có tính lập luận và logic học rõ ràng từ đó đưa ra được những trải nghiệm và chứng minh từ thực tế đời sống. Các cung trên lá số Tử vi là những hàm số căn bản. Trong các cung có Chính tinh và Phụ tinh. Những ngôi sao này tương với nhau theo quy luật âm Dương Ngũ Hành khiến một lá số Tử vi trở thành một “đa hàm số” với nhiều biến số biến đổi rất phức tạp. Tuy nhiên điều đó cũng phần nào thể hiện bản mệnh của con người cũng vốn thật phức tạp, không có một phản ứng nhất định nào theo nguyên lý của lý trí hay tình cảm. Nhưng điều đó cũng khiến nhiều người yêu sự rõ ràng trong khoa học cảm thấy đặt niềm tin vào Tử vi là không cần thiết.
Khoa Tử vi là một phương pháp, một công thức, một đồ biểu nhưng nó không đo lường được về lượng cũng như về chất một cách chính xác. Nó là một hệ thống tương quan giữa các yếu tố phức tạp, và khi đưa ra không thể lý giải một cách máy móc hay bằng một ước đoán cụ thể nào.
Khoa Tử vi khiến người ta nghĩ về sự liên hệ giữa các yếu tố trong cuộc đời và kết luận về một lá số Tử vi đòi hỏi phải là kết luận dựa trên sự tổng hợp các nhận định cục bộ. Con người và bản mệnh trong khoa Tử vi là một con người toàn diện, bao hàm cả thể chất lẫn tinh thần, cả di truyền lẫn bản tính cá nhân, cả môi trường gia đình và xã hội, cả công danh lẫn tài lộc. Con người đó chính là “sự tổng hòa của những mối quan hệ xã hội”. Khoa Tử vi không tách rời các phương diện và xem xét con người ở một thế giới quan tổng hợp, có tương tác với môi trường xã hội chứ không phải biệt lập ở một phương diện cụ thể.
Tuy nhiên, cũng có những thiếu hụt trong chính khoa Tử vi khiến nhiều người cho rằng khoa Tử vi không phải là một khoa học dù vẫn cần phải nhìn nhận giá trị của nó. Khoa Tử vi chỉ là một quá trình xét đoán dựa trên những hàm số và biến số được thể hiện bằng những ngôi sao trên lá số Tử vi. Chính vì vậy tính chính xác của Tử vi không được bảo đảm bao giờ. Việc mỗi sao khi ở một cung lại mang những ý nghĩa khác nhau và ý nghĩa đó thay đổi khi nó kết hợp với những sao khác nhau tạo thành nhiều luận đoán khác nhau trên một lá số Tử vi khiến tính huyền bí của Tử vi học càng nhiều hơn.
Cách tính giờ của khoa Tử vi cũng có nhiều thay đổi khiến người ta càng nghi ngờ vào tính xác thực của Tử vi. Từ xưa người ta tính giờ dựa vào mặt trời. Kể từ khi ảnh hưởng của phương Tây, thời gian trong ngày được chia làm 24 múi. Quy ước này khác với quy ước của khoa Tử vi chia một ngày làm 12 múi. Khoa Tử vi cũng có hạn chế về việc coi người tu hành không nằm trong vòng cung Mệnh nên không xem được. Nó cũng không giải thích được sự khác nhau giữa số mệnh của những người sinh cùng thời điểm. Tai hại hơn nữa, từ việc sùng bái Tử vi dẫn đến việc một số gia đình cho mổ lấy trẻ em vào giờ tốt để có lá số Tử vi tốt là một việc làm mù quáng, đầy mê tín và thiếu khoa học.
Thiết nghĩ khoa Tử vi là một nhánh nghiên cứu nhân học khá lý thú. Nó dựa trên các sao trong Tử vi để mệnh danh một yếu tố trong con người và sự tương tác qua lại giữa chúng nhằm đưa ra những nhận định dựa trên những suy đoán qua thống kê về số phận và tính cách con người. Nếu ta biết gạn đục khơi trong, nhìn nhận những giá trị khoa học và triết học cơ bản cũng như loại trừ những yếu tố mê tín dị đoan của khoa Tử vi thì đây chính là một trong những vấn đề khoa học rất đáng được quan tâm nghiên cứu một cách nghiêm túc.
(Theo Kiến Thức Ngày Nay)