Thuyết Tạ Phồn Trị về nguồn gốc chính tinh và tứ hóa _phần 5

26/08/2020 417

Bài viết Thuyết Tạ Phồn Trị về nguồn gốc chính tinh và tứ hóa _phần 5. Mời các bạn đọc tham khảo.

VÌ ĐÂU TÔI DÁM NÓI THUYẾT CỦA ÔNG TẠ PHỒN TRỊ KHOA HỌC HƠN CÁC THUYẾT KHÁC?

Nếu một độc giả nào đó có duyên gặp quyển “Chu dịch dữ Tử Vi đẩu số” (Chu Dịch và Tử Vi) của ông Tạ Phồn Trị (1) rồi mở ra đọc, có lẽ sẽ chẳng thấy sách này có chút khoa học tính nào cả. Ấy bởi vì trong sách ấy ông Trị vẫn dùng loại ngôn ngữ huyền hoặc như các sách mệnh lý cũ, và loại lý luận tùy hứng, hễ kẹt là mượn một câu nào đó của thánh nhân, phán ra bắt độc giả chấp nhận như chân lý.

Vậy thì tại sao tôi lại dám nói rằng thuyết của ông Trị hiện có khoa học tính cao nhất trong tất cả các thuyết được lưu hành?

Nguyên là tôi may mắn được hoàn cảnh cho phép cắp sách đến trường nhiều năm nên học được cách áp dụng “phương pháp khoa học” (2). Nhờ phương pháp này tôi có thể dùng tiêu chuẩn khoa học để làm việc đãi lọc khi đọc sách, nói theo tiếng lóng là việc “nhặt sạn” để gạn bỏ đi cái sai trái hoặc tầm thường hầu nhìn ra cái tinh hoa tuyệt học ẩn trong những công trình thoạt xét qua tưởng là không có gì cả.

Cần nói rằng tôi áp dụng phương pháp khoa học không chỉ với sách của ông Trị mà với tất cả các sách Tử Vi khác, như bộ “Tử Vi Đẩu Số Tân Biên” của ông Vân Đằng Thái Thứ Lang, “Tử Vi chỉ nam” của ông Song An Đỗ Văn Lưu, “Tử Vi áo bí” của ông Hà Lạc Dã Phu, “Tử Vi nghiệm lý” của ông Thiên Lương, như phái “huyền không tứ hóa” của ông Chính Huyền Sơn Nhân, phái tạm gọi là “âm dương” (3) của ông Liễu Vô cư sĩ, phái Trung Châu (4) do ông Vương Đình Chi đại diện, phái “Nhất Diệp Tri Thu” (5) do ông Phan Tử Ngư đại diện, gần đây hơn là sách của các ông Trịnh Mục Đức (phái Hoa Sơn), Trương Thanh Uyên (có vẻ là một chi của Trung Châu phái) v.v…

Kết quả việc đãi lọc sơ khởi của tôi là mỗi sách, mỗi phái đều có một vài tinh hoa mà người nghiên cứu khoa học nên chú ý; nhưng chỉ có ông Liễu Vô cư sĩ và ông Tạ Phồn Trị là có hy vọng thỏa đòi hỏi của khoa học hiện đại.(Chú ý tại chỗ: Sách không thỏa đòi hỏi của khoa học không có nghĩa là sách không hay, chỉ là ta khó chuyển nó sang ngôn ngữ của khoa học, thế thôi).

So sánh riêng hai ông Liễu Vô cư sĩ và Tạ Phồn Trị thì rõ là hai thái cực. Ông Liễu Vô cư sĩ ra rất nhiều sách mệnh lý (trên 20 quyển là ít, có lẽ khi bài này được viết đã trên 40), ông Tạ Phồn Trị thì cho đến khi tôi rời Đài Loan năm 2001 chỉ có đúng một quyển là “Dịch kinh dữ tử vi đẩu số” thôi. Suy tư của ông Liễu Vô cư sĩ đã được nhiều người trong giới trí thức khoa bảng của Đài Loan chấp nhận và viết sách xiển dương phát triển thêm, có thể nói rằng ông đã trở thành sư tổ của một môn phái mới ở Đài Loan; còn ông Tạ Phồn Trị có vẻ là một ẩn sĩ (theo lời tựa thì sách của ông được viết ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ; không phải ở Đài Loan), sách không phổ biến nhiều, xác xuất được đời biết đến phải coi là không đáng kể, bảo là phường vô danh tiểu tốt cũng chẳng phải quá lời. Về cách viết thì ông Liễu Vô cư sĩ rất rành mạch khúc chiết, lập luận phù hợp khoa học hiện đại; còn ông Trị thì viết theo lối xưa, tức là hay “phán” ra những câu có tính kết luận mà thiếu dẫn chứng và bắt người đọc chấp nhận.

Tôi nhìn nhận là trên hình thức thuyết của ông Liễu Vô cư sĩ có vẻ hoàn toàn phù hợp khoa học hiện đại, nhưng có một điểm khiến tôi lo ngại là thuyết này bắt ta phải bỏ gần như phân nửa cái nền tảng cũ của Tử Vi (bỏ gần hết các sao). Suy nghĩ của tôi là người xưa có thể sai lầm, nhưng xác xuất để họ sai lầm ghê gớm đến độ như vậy mà khoa Tử Vi vẫn tồn tại đến ngày nay tôi nghĩ là nhỏ lắm.

Lại nghĩ thêm, lần hồi tôi cho rằng tôi đã tìm ra cái thiếu sót nếu không muốn gọi là sai lầm trong cơ sở tư duy của ông Liễu Vô cư sĩ.

(còn tiếp)

CHÚ THÍCH

(1) Trước vì sách này thất lạc, tôi nhớ mang máng tên là “Dịch kinh dữ tử vi đẩu số”, sau may mắn tìm lại được, mới biết tên đúng là “Chu dịch dữ tử vi đẩu số”.

(2) Phương pháp khoa học là gì thì các sách giáo khoa đã nói nhiều, ở đây xin không nhắc lại.

(3) Ông Liễu Vô cư sĩ chủ trương loại bỏ tất cả mọi ảnh hưởng dính líu đến ngũ hành, kể cả sao Lộc Tồn. Phái của ông chỉ giữ chính tinh, tứ hóa, lục cát và lục sát.

(4) Tôi cho rằng phái này có cùng gốc với Tử Vi Việt Nam.

(5) Phái Nhất Diệp tri thu phối hợp thêm Thất Chính tứ dư vào Tử Vi, cách xem hết sức phức tạp.

VÌ ĐÂU TÔI DÁM NÓI THUYẾT CỦA ÔNG TẠ PHỒN TRỊ KHOA HỌC HƠN CÁC THUYẾT KHÁC? (tiếp theo)

A. Phê bình chủ trương bỏ ngũ hành của ông Liễu Vô cư sĩ

Đóng góp chính của ông Liễu Vô cư sĩ cho khoa Tử Vi có thể thu vào 5 điểm:

1. Tử Vi hoàn toàn không dính líu gì đến ngũ hành.

2. Đại hạn phải khởi ở mệnh mới đúng, khởi ở huynh đệ hoặc phụ mẫu là sai. (“Mệnh cung bất khả vô đại hạn”).

3. Tử Vi trọng lý quân bình, nên mệnh và tam phương tứ chính không có SÁT TINH không những không tốt như sách cũ nói, mà phải luận là xấu!

4. (Lưu) Tứ hóa là nền tảng của việc xem hung cát của đại hạn cũng như lưu niên.

5. Xem đại hạn chỉ cần biết đến lưu Hóa của đại hạn, bất chấp tứ Hóa nguyên thủy (thuyết “Mệnh vận phân ly”).

Mỗi điểm trên đây tự nó là một luận đề, muốn chứng minh hoặc phản biện đều đòi hỏi thời gian và công sức. Quý vị nào hứng thú xin mời tham gia phản biện. Nhưng xin lượng sức, vì ông Liễu Vô cư sĩ chẳng phải tay mơ mà là một kiện tướng của cả hai khoa Từ Vi và Tử Bình, dám viết khá nhiều sách bình chú chê người xưa là thiếu khoa học và đề nghị sửa sai (Tử Bình chân thuyên hiện đại bình chú, Thanh triều mộc bản Tử Vi đẩu số toàn tập hiện đại bình chú, Đẩu số đàn vi hiện đại bình chú v.v…) Ông cũng chẳng phải là thiếu thực nghiệm, trái lại một lý do khiến ông thành danh là đoán trước vận mệnh các nhân vật chính trị ở Đài Loan mà kết quả ra đúng phóoc, và rõ ràng trên giấy trắng mực đen, chứ chẳng phải là lời đồn đại.

Riêng về Tử Vi, giờ có thể coi ông Liễu Vô cư sĩ là sư tổ của một phái mới ở Đài Loan, được nhiều người trong giới trí thức ủng hộ nồng nhiệt, có mấy người viết hàng loạt sách khác dựa trên phương pháp của ông. Những người theo ông Liễu Vô cư sĩ có đặc điểm là xem số chỉ dùng 14 chính tinh, lục sát (6), lục cát (6), và Tứ Hóa (4), cộng lại chỉ có 30 sao. Có người bỏ luôn Quyền Khoa, còn 28.

Trong phạm vi của đề tài này, tôi chỉ phản biện điểm 1, tức chủ trương loại hẳn ngũ hành ra khỏi Tử Vi của ông Liễu Vô cư sĩ mà thôi. (Tôi cũng không đồng ý với chủ trương “mệnh vận phân ly” của ông, nhưng đó là chuyện khác).

Vì mệnh lý Á đông chỉ có hai cái nền là âm dương và ngũ hành, không cần đi vào chi tiết cũng biết là ông Liễu Vô cư sĩ phải dùng thuyết âm dương trong Tử Vi. Vậy thì điểm khiến ông khác người là trong khoa Tử Vi thay vì dùng cả âm dương lẫn ngũ hành như người ta, ông lại bỏ ngũ hành đi chỉ dùng âm dương thôi.

Muốn làm được như thế thì âm dương và ngũ hành phải là hai thuyết hoàn toàn biệt lập với nhau, vì nếu không biệt lập thì khi cắt thuyết ngũ hành ta có thể làm hỏng thuyết âm dương và ngược lại.

Nay tôi đặt câu hỏi: “Có thật âm dương và ngũ hành là hai thuyết hoàn toàn biệt lập hay không?”

Câu hỏi này nghe có vẻ cắc cớ, nhưng đừng quên rằng “cắc cớ” là một đòi hỏi rất lớn của khoa học. Chính nhờ hay hỏi “cắc cớ” mà khoa học đã liên tục tiến bộ.

Tôi biết là đa số áp đảo nếu không muốn nói là toàn thể quý độc giả đều trả lời rằng dĩ nhiên âm dương và ngũ hành là hai thuyết hoàn toàn độc lập. Đây là câu trả lời tự nhiên nhất, vì chúng ta đã được dạy như thế, và chúng ta cũng cảm thấy như thế. Chính tôi cũng từng mấy mươi năm tưởng như thế.

Nhưng bây giờ tôi xin tuyên bố với quý vị rằng “Ngũ hành chỉ là một phép tính gần đúng của âm dương mà thôi”, và đây chẳng phải là một niềm tin của tôi, mà là một “tái khám phá” của tôi, suy ra được bằng lý luận khoa học, và đây không phải là lý luận khoa học áp dụng, mà là lý luận có tính cơ sở của khoa vật lý. Vì diễn đàn này không phải là một diễn đàn vật lý tôi chỉ xin hé mớ thế này:

1-Giả sử bình thường (của mọi ngành khoa học) là ba chiều của không gian luôn luôn tương đương nhau.

2-Giả sử trên đây sai lầm, vì chiều chuyển động khác với hai chiều còn lại (có thể chứng minh bằng thuyết tương đối của Einstein).

3-Có thể chứng minh rằng thuyết ngũ hành ứng với trường hợp 1, và thuyết âm dương ứng với trường hợp 2.

4-Vì 1 là hoàn cảnh gần đúng của 2, ngũ hành là trường hợp gần đúng của âm dương.

Gần đây tôi đọc thấy một số vị phê bình thuyết “ngũ hành là thuyết gần đúng của âm dương” một cách hết sức gay gắt. Tôi không ngạc nhiên, vì cái gì mới lạ cũng phải bị chống đối trước. (Lùi lại mười năm trước thì chính tôi cũng phải chống lại thuyết này).

Nhưng tôi xin lưu ý các vị chống lại thuyết “ngũ hành = âm dương gần đúng” rằng ngoài âm dương ngũ hành ra, trên nền tảng khoa học chúng ta phải tìm chỗ đứng cho thuyết tứ nguyên tố của mệnh lý tây phương nữa. Thuyết tứ nguyên tố có vẻ lạc loài khi ta cố xếp nó vào cạnh hai thuyết âm dương và ngũ hành, nhưng một kết quả của “tái khám phá” của tôi là tứ nguyên tố cũng chỉ là một phép tính gần đúng của âm dương mà thôi. Tóm lại:

a. Âm dương diễn tả vũ trụ chính xác nhất.

b. Ngũ hành là một cách tính gần đúng của âm dương.

c. Tứ nguyên tố là một cách tính gần đúng khác của âm dương.

Trở lại chuyện ông Liễu Vô cư sĩ loại ngũ hành ra khỏi Tử Vi. Một khi đã nhìn nhận rằng ngũ hành chỉ là một phép tính gần đúng của âm dương thì sẽ thấy ngay việc loại ngũ hành ra khỏi Tử Vi chẳng những sai lầm mà hoàn toàn không cần thiết.

(còn tiếp)

THÊM CHI TIẾT VỀ TƯƠNG QUAN GIỮA ÂM DƯƠNG VÀ NGŨ HÀNH

Tôi vừa thấy một lời phản biện thuyết “ngũ hành = âm dương gần đúng” mà tôi đề xướng. Lời phản biện này rõ ràng đã dựa trên một sự hiểu lầm, dẫn đến nguy cơ là hiểu lầm chồng chất lên hiểu lầm, rồi tam sao thất bản và người ta tưởng là sự thật.

May sao, tôi còn giữ một bài cũ có nhắc sơ đến thuyết “ngũ hành = âm dương gần đúng”, nay xin cắt ráp để quý độc giả có thể thấy rõ ràng hơn cái nền chính của lập luận mà tôi đề xướng. Quý vị nào muốn phản biện xin đọc cho kỹ.

Rất tiếc, tôi đã dành thời giờ cho việc khác, nên từ chối mọi cuộc tranh luận. Tuy nhiên, quý vị nào thấy tôi sai thì cứ việc làm như các nhà khoa học (họ rất ít khi tranh luận trực tiếp, vì sợ tình cảm xen vào làm hỏng lí trí), là viết một bài luận văn giải thích tại sao quý vị lại nghĩ như vậy để quý độc giả rộng đường luận xét.

Liên hệ khoa học giữa hai thuyết âm dương và ngũ hành

Lý do tại sao soạn giả cho rằng ngũ hành chỉ là một phép tính gần đúng của thuyết âm dương đã được trình bày trong loạt bài “Mệnh lý hoàn toàn khoa học”. Tiếc rằng khi bài này được viết “Mệnh lý hoàn toàn khoa học” vẫn chưa được in thành sách. Để các độc giả chưa đọc “Mệnh lý hoàn toàn khoa học” có khái niệm tổng quát về lập luận của soạn giả mà không mất nhiều thời giờ, xin trình bày đại lược như sau:

-Vũ trụ vật chất của chúng ta gồm 4 chiều là 3 chiều không gian và một chiều thời gian. Từ kết quả của thuyết tương đối của Einstein, có thể chứng minh được rằng ba chiều không gian gồm hai chiều tương đương tạo thành chùm mặt phẳng thẳng góc với chuyển động. Chiều của chuyển động thì có lý tính khác với hai chiều kia (chú 3).

-Dùng những đặc tính kể trên để lập mô hình toán học của các hiện tượng hiện hữu, thì mô hình hợp lý nhất là các vòng tròn đại biểu hai lý tính âm dương nằm trên một mặt phẳng định hướng. Mô hình này hoàn toàn phù hợp với thuyết âm dương, vì nó dẫn đến sự hình thành tất yếu của bát quái, và sự tương ứng giữa 64 quẻ với các hiện tượng của cuộc đời.

-Trong mô hình nói trên của thuyết âm dương, mặt phẳng đại biểu hai chiều không gian tương đương nên là môi trường hiện hữu của các vòng tròn âm dương. Các vòng tròn âm dương thì chẳng gì khác hơn là biểu tượng của hai cách giao thoa giữa chiều thời gian và chiều không gian còn lại, tức chiều chuyển động. (Ngoài ra, có thêm một đòi hỏi liên hệ đến thời gian là mặt phẳng phải được định hướng và có điểm trước, điểm sau).

-Nếu đặt giả sử gần đúng rằng không có sự khác biệt giữa ba chiều không gian (chú 4), tức là không gian hoàn toàn bình đẳng thì môi trường hiện hữu không chỉ là một mặt phẳng mà là toàn thể không gian ba chiều. Hai cách giao thoa giữa không gian và thời gian vẫn tồn tại, nhưng bây giờ phải được biểu diễn bằng các hình cầu với hai lý tính âm dương khác nhau. Các thực thể trong không gian bình đẳng này ứng với kết cấu bền bỉ nhất của các hình cầu. Kết cấu bền bỉ nhất là kết cấu có tính đối xứng cao nhất, nên mỗi thực thể được tạo bởi 4 hình cầu âm dương cùng lúc tiếp xúc với nhau (bốn tâm tạo thành hình tứ diện đều). Ly kỳ làm sao, chỉ có đúng 5 cách xếp 4 hình cầu âm dương khác nhau, nên mô hình này dẫn đến sự tồn tại tất yếu của 5 thực thể phân biệt. Độc giả có thể đoán được là mô hình này hoàn toàn phù hợp với thuyết ngũ hành (xin tự vẽ hình rồi kiểm soát lấy). Cường điệu hơn, nó chính là thuyết ngũ hành được diễn tả bằng hình học.

Sau khi đã chọn 5 thực thể (ngũ hành) làm nền tảng của mọi hiện tượng trong vũ trụ thì liên hệ 2 chiều trở thành tất yếu. Đây chính là liên hệ “sinh khắc” mà mọi người nghiên cứu thuyết ngũ hành đều quen thuộc. Nhưng liên hệ một chiều “sinh khắc” không phản ảnh được nhiều hiện tượng có thật trên cuộc đời (như liên hệ hai chiều “yêu nhau” chẳng hạn), nên ngũ hành phải phối hợp với lý âm dương mới thành hệ thống hoàn chỉnh.

Có thể thấy rằng ngay trên lý thuyết không thể có thuyết ngũ hành đứng riêng rẽ mà chỉ có thuyết ngũ hành đã phối hợp với âm dương thành thuyết âm dương ngũ hành; mặc dù vì thói quen ngắn gọn ta hay gọi thuyết này là thuyết “ngũ hành” mà bỏ hai chữ “âm dương”.

Đó là mệnh lý Á đông. Nhìn sang mệnh lý tây phương (phát xuất từ trung đông) ta thấy thuyết tứ nguyên (còn gọi là thuyết “tứ nguyên tố”, tức “four elements”) thay vì thuyết ngũ hành. Hiển nhiên thuyết tứ nguyên đã lâu năm hiện diện biệt lập với thuyết ngũ hành và ngược lại. Khi truy xét kỹ, ta khám phá ra rằng thuyết tứ nguyên tố cũng đã chứa sẵn cái nền rất đậm của thuyết âm dương, mặc dù các nhà nghiên cứu chiêm tinh tây phương hình như chẳng hề chú ý đến sự kiện hiển nhiên ấy.

Tóm lại, hai thuyết ngũ hành và tứ nguyên không thể tự tồn tại mà chỉ có thể tồn tại trên cái nền của thuyết âm dương. Gọi thuyết ngũ hành là NH, thuyết tứ nguyên là TN, thuyết âm dương là AM. Ta thấy có hai thực thể tồn tại, một là tập hợp {NH, AM}, hai là tập hợp {TN, AM}, mà không hề có {NH} hoặc {TN} riêng rẽ. Dùng lý {B lệ thuộc A} => {có B tất phải có A} và {có A không nhất thiết có B} ta thấy lời giải hợp lý nhất là hai thuyết ngũ hành và tứ nguyên đều phải lệ thuộc vào thuyết âm dương, nói cách khác ngũ hành và tứ nguyên là hai thuyết phụ của thuyết âm dương.

Nhưng tại sao nhân loại không chỉ dùng thuyết âm dương mà lại sinh ra thêm hai thuyết phụ này? Để trả lời ta chỉ việc so sánh các liên hệ nội tại của ba thuyết âm dương, ngũ hành, tứ nguyên. Liên hệ “đối đãi” (vừa bổ khuyết vừa đối nghịch) của thuyết âm dương khi áp dụng vào các bài toán mệnh lý thường chỉ cho các kết luận hết sức mơ hồ, trong khi đó liên hệ “sinh khắc” của thuyết ngũ hành và “hợp xung” của thuyết tứ nguyên thường cho kết quả khá rõ nét. Vì vậy đáp án là: Hai thuyết ngũ hành và tứ nguyên cần thiết vì chúng cho ta các kết quả rõ nét hơn thuyết âm dương. Nhưng nếu ngũ hành và tứ nguyên là hai thuyết phụ, lại khác nhau, thì dĩ nhiên độ chính xác của chúng không thể nào sánh bằng thuyết mẹ của chúng là thuyết âm dương. Thành thử ta kết luận ngũ hành và tứ nguyên chỉ có thể là hai phép tính gần đúng của thuyết âm dương, tương tự như lời giải gần đúng của hai ngành kỹ sư khác nhau cho cùng một phương trình vật lý vậy.

Những điều trên đây đã được luận trong loạt bài “mệnh lý hoàn toàn khoa học”, hy vọng một ngày gần đây được in thành sách, lúc ấy mọi sự sẽ rõ ràng hơn. Phần trình bày ở trên chỉ là đại lược mà thôi.

Trở lại vấn đề. Vì ngũ hành chính là một cách tính gần đúng của thuyết âm dương (chú 2), ta không thể lấy lý do âm dương là yếu tố áp đảo trong bài toán Tử Vi mà bỏ ngũ hành. Thành thử bỏ thần sát với lý do “vì thần sát dựa trên ngũ hành” trở thành một lập luận rất khập khiễng, nếu không muốn nói là đi ngược lại cơ sở khoa học.

Mặc dù bất đồng ý với chủ trương bỏ ngũ hành của ông Liễu Vô cư sĩ, soạn giả nhìn nhận rằng ông có công đặt ra vấn đề thần sát một cách nghiêm chỉnh. Việc làm của ông khiến người nghiên cứu có quan tâm bắt buộc phải nhìn lại các thần sát dưới một lăng kính tỉ mỉ hơn, khoa học hơn.

CHÚ THÍCH

2) Chỉ nói thuyết ngũ hành là một cách tính gần đúng của thuyết âm dương, vì còn một cách tính gần đúng khá quan trọng khác là thuyết tứ nguyên tố. Những tương đồng và khác biệt giữa hai thuyết ngũ hành và tứ nguyên tố sẽ không được luận trong sách này. Các độc giả muốn tìm hiểu thêm xin đọc quyển “mệnh lý hoàn toàn khoa học” của cùng soạn giả.

3) Theo thuyết biệt tương đối (Special Relativity) của Einstein, một chiều dài L song song với chiều chuyển động sẽ lệ thuộc vận tốc chuyển động theo công thức L=L0(1-v2/c2)0.5, với L0 là một chiều dài cố định, v vận tốc chuyển động, c vận tốc không đổi của ánh sáng. Chiều dài L đại biểu không gian, nên có thể thấy theo vật lý Einstein thì chiều chuyển động không thể nào tương đương với hai chiều không gian còn lại. Có điều lạ lùng là ngay cả vật lý hiện đại cũng vẫn giả thử (một cách sai lầm rằng) 3 chiều không gian hoàn toàn tương đương nhau. Điểm này được luận kỹ hơn trong tập “kinh Dịch hoàn toàn khoa học”, tiếc là tập này chưa in khi bài này được viết.

4) Ba chiều không gian hoàn toàn tương đương chính là giả sử của vật lý Newton. Có thể thấy thuyết âm dương phù hợp với vật lý Einstein, thuyết ngũ hành phù hợp với vật lý Newton. Vì vật lý Newton có tính gần đúng so với vật lý Einstein, có thể suy ra thuyết ngũ hành có tính gần đúng so với thuyết âm dương.

(Dẫn theo trang kilotuvi.blogspot.com/)

Bình luận