Quẻ Tiết

26/08/2020 213

Bài viết Quẻ Tiết. Mời các bạn đọc tham khảo.

Tiết: Hanh; khổ tiết bất khả, trinh.

Quẻ Tiết tượng trưng cho sự tiết chế: nhưng hanh thông; song không thể quá tiết chế, nên giữ vững chính bền.

Chú thích: Thoán viết: tiết là phép tắc được định lập rõ ràng; Tạp quái nói: tiết là dừng. Như vậy thì Tiết là tên gọi các phép tắc được định lập rõ ràng, có nghĩa là được điều chỉnh trong khuôn phép, như ngày nay ta nói thực thi theo luật pháp. Là sợi dây chuẩn mực để xác định đúng sai, được mất, thực hiện thưởng thiện phạt ác; vì thế cho nên nó là sự bảo đảm quan trọng làm cho quốc gia thực hiện được “trị chính”, tránh được động loạn.

Hanh – lời này nói rõ phàm là mọi việc, nên tiết chế cho thích đáng thì được hanh thông. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Ước chế mọi việc cho có chừng có mực thì đạo sẽ hanh”. Ở đây, Khổng Dĩnh Đạt muốn đề xuất pháp không phải tùy tiện muốn sao cũng được, mà là đạo sinh pháp, được xây dựng trên cơ sở căn cứ theo phép tắc và yêu cầu của Đạo. Pháp là sự thể hiện của Đạo.

Trinh – đây là sự thể hiện nghĩa từ hai mặt chính diện và phản diện, trước tiên nói nếu tiết chế quá mức thì hại cho công việc, cho nên bất khả (không thể làm vậy); lại nói tiết chế nên giữ chính thì đạo mới thông, cho nên nói trinh.

Bạch Thư Chu Dịch chép: Tiết, hanh, khổ tiết, bất khả trinh, Trương Lập Văn dịch: “Quẻ Tiết đem lại hanh thông; ghét ác, tiết kiệm, không thể nghiêm túc mà kiên trì chính đạo (hoặc: thành tựu đại sự, không nên công chuyện gì). Từ Tử Hùng dịch: “Quẻ Tiết: hanh thông. Nếu lấy chuyện tiết chế làm một sự khổ hạnh, thì không thể nào xem bói để biết chuyện cát hung”.

Việc đã có tiết độ thì được hanh thông, sự tiết độ quý ở đắc “trung”, quá thì khổ. Tiết độ đã tới mức khổ, thì chẳng nên cố giữ lấy làm thường.

Về ba chữ bất khả trinh, phần nhiều “cựu chú” đọc liền, nhưng giải thích có khác nhau, nay tham khảo hai thuyết: Vương Bật nói: “trinh là chính; nếu quá tiết chế thì mọi người không chịu nổi, mọi người không thể chịu nổi thì không thể chính được”. Trình Di nói: “trinh là thường hằng; tiết chế quá mức, thì làm sao mà (hằng) thường được? Không thể cứ làm như vậy mà (hằng) thường được”.

Hồ Vân Phong nói: “Số trong trời đất có 60, cho nên 60 quẻ làm tiết tháng, có trung khí có tiết khí; tiết để ngăn sự quá đà về mực trung. Tiết thì thích trung, cho nên đi thông suốt được trong thiên hạ. Khổ tiết là bất trung, cho nên chẳng nên trinh. Quẻ Tổn và quẻ Tiết đều từ quẻ Thái mà lại, Tổn mà tin thì nên trinh, Tiết mà khổ thì chẳng nên trinh”.

Thoán viết: “Tiết, hanh”, cương nhu phân nhi cương đắc trung; “khổ tiết bất khả, trinh”, kì đạo cùng dã. Duyệt dĩ hành kiểm, đương vị dĩ tiết, trung chính dĩ thông. Thiên địa tiết nhi tứ thời hành; tiết dĩ chế độ, bất thương tài bất hại dân.

Thoán truyện nói: “Tiết chế, hanh thông”, như vậy là do cứng mềm, trên dưới phân biệt rõ mà dương cứng được đạo “trung” (giữ sự tiết chế). “Nhưng không thể quá tiết chế để phải khổ sở, nên giữ vững chính bền”, (nếu không thế thì) đạo tiết chế tất sẽ khốn cùng. Vật tình vui vẻ sẽ có dũng khí để đi đến chỗ hiểm, được ngôi vị thỏa đáng sẽ tự giác tiết chế, ở chỗ giữa, giữ sự chính mà hành sự tất sẽ thông suốt. Trời đất thiên nhiên có tiết chế, mà bốn mùa trong một năm được hình thành; nhà vua lấy phép tắc để tiết chế thì sẽ không lãng phí tiền tài, không tàn hại trăm họ.

Chú thích: cương chỉ quẻ Khảm trên là quẻ dương, nhu chỉ quẻ Đoài dưới là quẻ âm; cương đắc trung chỉ hào Hai và hào Năm được Chính, câu này dùng tượng quẻ trên và quẻ dưới để giải thích nghĩa của tiết, hanh. Vương Bật nói: “Khảm dương mà Đoài âm, dương trên mà âm dưới, cứng mềm phân vậy; cứng mềm phân mà không loạn, cứng được giữa mà là chủ quẻ, là nghĩa của tiết vậy. Sự lớn của tiết không gì bằng phân ra cương nhu, biệt về nam nữ vậy”.

Đạo tiết tự nó có nghĩa hanh, quái tài thì cương nhu ở có phận, cương được trung cũng là có tiết độ. Phùng Hậu Trai nói: “Cương nhu có phận là Càn thì thuần dương, Khôn thì thuần nhu, như vậy thì cương nhu không có tiết, cương chẳng được trung là khổ tiết mà chẳng được hanh. Nay đem Ngũ của Khôn cuống Tam để ngăn cái cương của Càn. Càn cũng đem Tam lên Ngũ để ngăn cái nhu của Khôn, đó gọi là tiết; sao vậy? Vì Khôn lấy nhu ở trung thì chẳng hay tiết. Tiết là để ngăn sự quá, nếu chẳng phải cương thì chẳng được. Nay cương ở ngôi vua, được trung là chẳng quá khổ tiết, cho nên đi thông được trong thiên hạ vậy”.

Kì đạo cùng dã – câu này lấy tượng hào Chín Trên ở ngôi cùng cực để giải thích lời quẻ khổ tiết bất khả, trinh. Ngu Phiên nói: “Ở ngôi cùng cực phía trên, thặng hào dương, cho nên là cùng”.

Đương vị, chỉ hào Bốn và hào Năm âm dương đều được ngôi, câu này phát triển rộng hơn lẽ tiết chế tất không phạm duyệt, khổ tiết”.

Khổ tiết thì chẳng nên trinh, là đạo cùng vậy; đẹp để đi chỗ hiểm; đáng ngôi để lấy làm tiết; trung chính để lấy làm thông. Tiết chế đã đến cực độ không sao chịu nổi thì khổ chẳng nên giữ, đẹp mà biết ngừng là tiết. Chu Hy nói: “Vui vẻ thì muốn tiến, mà có hiểm ở trước, tiến đi chẳng được, nên có nghĩa là chỉ tiết (dừng tiết) vậy”.

Trời đất lấy sự tuần tự của khí hậu làm tiết, khiến cho lạnh nóng đi rồi lại đến, các mùa đều có trật tự như vậy, thì công của bốn mùa thành Năm. Đấng vương giả lấy phép tắc làm tiết, sử dụng phép tắc đều có cách, hành Dịch có thời, thì tiền của không bị lãng phí, do vì người quân tử quá lo sợ vợ con đói chăng? Không có tiết thì mất đi thứ tự mà loạn, theo được phép tắc thì không tổn của hại người. Nhu cầu của người ta thì vô cùng, nếu chẳng có tiết độ phép tắc thì hoang phí phóng túng dẫn tới họa hại. Khâu Kiến An nói: “Khí vận của trời đất có tiết mới có phân, chí, mở, đóng, huyền, vọng, hối, sóc, bốn mùa chẳng sai mà thành Năm. Thánh nhân thể theo nghĩa của tiết mà lập ra phép tắc, cân lường sự xuất sự nhập, không lấy quá không lấy tiêu dùng bậy, có sự thực tổn mình ích người, không đẽo ở dưới đắp lên trên, cho nên chẳng tổn của thì chẳng hại người”. Luận Ngữ viết: “Dè dặt sự tiêu dùng là để yêu người”.

Tượng viết: Trạch thượng hữu thủy, tiết; quân tử dĩ chế độ số, nghị tắc hành.

Tượng truyện nói: Trên đầm lớn có nước (đắp đê đề phòng), tượng trưng cho sự tiết chế; người quân tử nhân vậy chế định lễ số, pháp độ để làm chuẩn mực, bình xét đạo đức, hành vi nhằm bổ dụng cho được thích đáng.

Chú thích: Hầu Quả nói: “Trên đầm có nước, lấy đê làm tiết”. Khổng Dĩnh Đạt giảng: “Số độ có nghĩa là sự nhiều ít về tôn ti, lễ mệnh; đức hạnh, có nghĩa là xem sự xấu tốt của người đang đảm nhiệm chức vụ, người quân tử theo tượng quẻ Tiết, lấy sự chế định lễ số, pháp độ khiến cho mọi cái đều vừa mức; bình xét mọi người để bổ dụng, mọi việc đều được làm cho thỏa đáng”.

Đầm chứa nước có hạn, quá thì đầy tràn. Cái còn lại ở trong là đức, phát ra ngoài là hạnh, đức hạnh là muốn nói ở trung tiết. Kẻ hèn chẳng vượt người sang, dưới chẳng lấn được trên – đó gọi là tiết (?) Chu Chấn nói: “Đầm chứa nước vốn có hạn lượng, cạn thì đưa nước vào, đầy thì tháo đi, nước trong đầm được sử lý như vậy là tiết”.

Sơ Cửu, bất xuất hộ đình, vô cữu.

Hào Chín Đầu, không ra khỏi sân cổng nhà, tất không có cữu hại.

Chú thích: hộ đình là cổng ở ngoài sân, môn đình là cửa ở trong sân. Hào Chín Đầu ở ngôi đầu quẻ Tiết, trên ứng với hào Sáu Bốn; nhưng đường phía trước bị hào Chín Hai ngăn chặn, nếu biết tiết chế thận trọng bằng sự “không ra khỏi sân cổng” mà thoát được lỗi.

Chu Hy giảng: “Hộ đình là sân trước cổng nhà. Dương cứng được thịnh, ở ngôi Đầu quẻ Tiết, chưa thể đi được, nên tiết mà dừng lại”.

Thượng Bỉnh Hòa nói: “Hai hào dương ngăn trở, cho nên không nên ra ngoài, không ra ngoài thì vô cữu. Tượng nói tri thông tắc, nói là hào Hai ngăn trở vậy”.

Cơ có tượng là cổng, ngẫu có tượng là cửa, Sơ gặp Nhị dương là cơ, có tượng là cổng, Nhị gặp Tam âm là ngẫu, có tượng là cửa. Sơ lấy chất dương ở ngôi dương được chính mà đương thời sơ tiết, Cửu với Tam gần mà chẳng tương đắc, bị ngăn cách ở trước chưa đi được, cho nên có tượng chẳng ra khỏi cổng.

Tượng viết: “Bất xuất hộ đình”, tri thông tắc dã.

Tượng truyện nói: “Không ra khỏi sân cổng nhà”, nói lên hào Chín Đầu rất biết lẽ đường thông thì đi, đường bị ngăn thì dừng.

Thuyết minh: Bất xuất hộ đình còn hàm nghĩa thận trọng trong lời nói, giữ gìn mọi mưu cơ. Hệ Từ – Khổng Tử nói: “Vua không kín lời thì mất bề tôi; bề tôi không kín lời thì mất thân mình; mưu cơ mà không giữ kín thì tai hại sinh. Cho nên, người quân tử cẩn mật mà giữ gìn lời nói không cho tiết lộ ra ngoài”.

Trương Trung Khê nói: “Đạo tiết thì quý ở biết thời thông hay tắc. Tắc thì đi trong sân mà giữ mực thăng bằng. Thông thì phóng ra bốn bể, đó là xuất hay xử đều được trung tiết vậy. Tắc ấy là Nhị lấy cương mà lấp phía trước đường tiến của Sơ. Sơ biết là tắc cho nên chẳng ra, thông thì ra; đã thông mà chẳng ra khỏi cổng như thầy Nhan Hồi ở trong ngõ hẹp vậy”. Lệ của Dịch thì dương gặp âm thì thông, dương gặp dương thì tắc, thể của Đoài duyệt thì Nhị gặp Tam sẽ thông, mà lời từ hào Ba quẻ Đoài nói: lai đoài, hung, cho nên hào Đầu quẻ Tiết biết trận trọng tiết chế mà không ra khỏi sân cổng nhà.

Cửu Nhị, bất xuất môn đình, hung.

Hào Chín Hai, (cố chấp mà tiết chế) không ra khỏi sân cổng nhà, có hung hiểm.

Chú thích: môn đình là cửa ở trong sân, hay sân trong cổng nhà. Hào Chín Hai lấy chất dương ở ngôi âm, cương trung nhưng ở thể duyệt mà vâng theo nhu, dương ở ngôi âm là bất chính, ở thể duyệt là mất cương, vâng theo nhu là gần gian tà, cho nên cố chấp mà tiết chế, luôn lo vì mất chính không ứng vì mất đức cương trung. Thượng Bỉnh Hòa giảng: “Hào Hai liền với hào âm, dương gặp âm thì thông, thông thì lợi về có sự đi, nhưng vẫn không ra ngoài, thế là thất thời, cho nên hung”. 

Đáng ngôi thì lấy làm Tiết, trung chính thì lấy làm thông; chỉ vì thất đức, thất thời cho nên Tiết bất chính như bon chen ở sự dùng, nhu nhược ở hành vi; Sơ là người không ngôi, chỉ có cẩn thận chẳng ra khỏi cổng mà không lỗi; Nhị có ngôi Đại thần mà chẳng ra khỏi cửa lấy làm hung, ví như thầy Khổng Tử chẳng nên làm việc của Vua. Còn như ở địa vị Vua mà xét, cũng chẳng nên giữ tiết của thầy Khổng, trái lại đó là thất tiết vậy.

Khâu Kiến An nói: “Thông với tắc là việc của thời, xuất hay xử là việc ở mình, thời thông mà ra là phải còn chẳng ra thì cho là dở; thời tắc chẳng ra là phải mà ra thì cho là dở. Như Sơ chẳng đắc vị lại gặp cương ngăn tắc, thì chẳng ra nên được không lỗi. Nhị thì đáng ngôi, chẳng bị ngăn tắc mà không ra, cho nên hung”. 

Tượng viết: “Bất xuất môn đình”, thất thời cực dã.

Tượng truyện nói: “Không ra khỏi sân trong cổng nhà”, nói lên hào Chín Hai lỡ mất thời cơ thích hợp.

Thuyết minh: Ngu Phiên nói: “cực, là trung”; Thượng Bỉnh Hòa nói: “cực, là đòn nóc nhà, đòn nóc nhà ở nóc nhà, nó ở giữa nhà, cho nên cực là trung, thất thời cực là lỡ mất trung độ của thời vậy”. Lấy tình riêng đắm đuối với âm nhu thể duyệt, mà chẳng biết đi theo Ngũ chính ứng với mình có đạo cương trung chính, thì rất thất thời cho nên hung, thất thời là mất tiện nghi vậy. Hào Đầu ở vào lúc đường bị tắc tiết chế không ra ngoài, hào Hai đương lúc đường thông, vẫn tiết chế không ra ngoài, vì bởi hào Ba níu kéo lai đoài vẫn ở trong, không còn biết đường ra. Có thể thấy, hào Đầu thì “tri cơ”, hào Hai thì “vi cơ”, cho nên hào Đầu thì vô cữu, hào Hai thì hung.

Lục Tam, bất tiết nhược, tắc ta nhược, vô cữu.

Hào Sáu Ba, không tiết chế được nhưng biết than vãn tự hối (ân hận) thì có thể tránh được cữu hại. 

Chú thích: hào Sáu Ba là âm ở ngôi dương, ở ngôi cực quẻ dưới, cưỡi trên hai hào dương, có tượng kiêu ngạo xa xỉ không tiết chế, không biết rằng cưỡi cương đến chỗ hiểm là đáng có lỗi, nhưng được cái khéo nhu hòa vui. Lập ý của hào Ba chủ về nghĩa: kẻ nào không biết giới hạn sẽ phải khốn cùng mà hối hận. Là do tự mình mà chẳng quy lỗi được cho ai.

Theo Bạch Thư Chu Dịch, Từ Tử Hùng dịch hào Ba: “Không tiết kiệm ắt bị khốn cùng, lâm cảnh khốn cùng rồi mới biết hối hận, biết hối hận rồi thì có thể không gặp tai nạn nữa”. Trương Lập Văn dịch: “Không tiết kiệm ắt bần cùng, bần cùng thì ta thán, ta thán thì hối cải, như vậy không có tai họa”.

Hoành cừ dịch thuyết viết: “Ở không phải ngôi mình là thất tiết; nhưng có thể ở mà không tự yên, thì mọi người sẽ khoan dung, cho nên vô cữu”.

Tượng viết: “Bất tiết chi ta”, hựu thùy cữu dã

Tượng truyện nói: “Không tiết chế được nhưng biết ân hận tự hối”, hỏi còn kẻ nào đổ lỗi cho nữa ?

Thuyết minh: hựu thùy cữu như nói: “vị tất đã có lỗi”, nghĩa giống với tượng truyện của quẻ Đồng nhân.

Vương Bật giải thích vô cữu của hào này là: “không có oán lỗi gì”. Trương Tái không đồng ý với lời này, ông nói: “Vương Bật lại có riêng lời bàn về vô cữu này. Chỉ lời bàn cũ là có thể theo, đó là: Nhưng có thể than vãn về sự không tự tiết chế của nó, có lòng sửa lỗi, thì cũng vô cữu vậy”. 

Chẳng có tiết mà phải ta thán là lỗi tại ai ? Lấy đầm để ngăn nước cho nên gọi là tiết, thành được quái là chính do ở hào Tam, lấy Tam mà xem, nước tự đầy ở trên đầm, Tam không thể ngăn được, nên mới có tượng bất tiết, khi tự đòi miệng mở (đầy tràn) thì mới có tượng ta nhược, ấy là do chẳng hay tự giữ lấy tiết mà phải than thở, còn nếu có tiết thì sẽ không quá, thì không phải than thở.

Lục Tứ, an tiết, hanh.

Hào Sáu Bốn, yên lòng tự tiết chế, hanh thông.

Chú thích: hào Sáu Bốn mềm, lấy chất âm ở ngôi âm là yên ở chính, được ngôi, “thuận thừa” hào Chín Năm có đạo cương trung, đó là theo trung làm tiết, nên có tượng yên lòng tự tiết chế. Tiết lấy yên làm thiện, cố cưỡng mà phải giữ lấy tiết chế là chẳng yên, thì sao được hanh. Hào Bốn ở giữa khoảng nước với đầm giao nhau, như vậy nước tự nhiên chịu lấy tiết. Lại thượng quái vốn là Khôn, khôn có tượng là yên, tiết thì nhân – tình lấy làm khó, Tứ yên ở tiết chế là tự nhiên không phải miễn cưỡng, nên tượng làm yên, chiêm làm hanh.

Vương Bật nói: “Được ngôi mà thuận, không thay đổi sự tự tiết chế, nên được hanh thông. Theo Bạch thư Chu dịch, Trương Lập Văn dịch: “Tâm tư yên ổn sống trong tiết kiệm, ắt mọi sự đều hanh thông”. Từ Tử Hùng dịch: “An nhiên tự tại, sinh hoạt tuân theo lễ một cách tiết kiệm thì được hanh thông thái hòa”.

Tượng viết: “An tiết chi hanh”, thừa thượng đạo dã.

Tượng truyện nói: “Yên lòng tự tiết chế thì được hanh thông”, nói lên hào Sáu Bốn nghiêm cẩn giữ đạo “thuận thừa” bậc “tôn thượng”.

Thuyết minh: thừa thượng đạo – Cửu gia dịch viết “Ý nói hào Bốn được chính theo hào Năm, trên thông với vua”. 

Hào Ba, hào Bốn, hai hào này hào thì thuận, hào thì không được chính, tạo thành sự phản chiếu. Du Viêm nói: “Hào Sáu Ba mất ngôi mà ở ngôi cuối quẻ Đoài, như vậy là nước tràn mà “bất tiết”; hào Sáu Bốn “đương vị” mà “thuận thừa” vua Chín Năm, cho nên là an tiết”.

Cửi Ngũ, cam tiết, cát; vãng hữu thượng.

Hào Chín Năm, tiết chế một cách thích đáng khiến người ta cảm thấy đẹp đẽ vừa phải, tốt lành; tiến về phía trước tất được tôn sùng.

Chú thích: cam, theo Thuyết văn là đẹp. Hào Chín Năm dương cứng, trung chính nên thông, cưỡi hai hào âm, ở ngôi tôn là chủ quẻ Tiết đó là đáng ngôi. Ở mình yên mà đi, thi hành sự tiết chế một cách đẹp đẽ mà vừa phải, thiên hạ thấy tiết vui đẹp nên lấy đấy mà đi theo, là một công lớn đáng khen, cho nên được cát mà vãng hữu thượng.

Vương Bật nói: “Đương vị, ở ngôi giữa, là chủ quẻ Tiết, không mất sự “trung”, như vậy gọi là “bất thương tài bất hại dân”. Là tiết mà không đắng, không phải là ngọt sao? Như vậy mà đi lên, là vãng hữu thượng vậy”. Đắng và ngọt, ở đây là nghĩa đen của “khổ” và “cam”.

Theo Bạch thư Chu dịch chép: “Cam tiết, vãng, vãng đắc thượng”. Trương Lập Văn dịch: “Vui vẻ chịu tiết chế, mọi sự sẽ may mắn, có nơi nào để đi đến đều được ân hưởng”.Từ Tử Hùng dịch: “Lấy sự tiết kiệm và sống theo lễ làm niềm vui, sẽ gặp may mắn lợi lộc. Cứ theo nguyên tắc đó mà hành động, đi đâu làm gì cũng được người khác giúp đỡ”. 

Kẻ làm vua không thể lấy hạnh để trị quốc, trên thì phải hiểu thời, dưới thì phải biết lợi, ở giữa thì phải thấu hiểu nhân tâm. Lấy “đức” để trị, cũng chính là nguyên tắc ổn định hòa bình, làm cho xã hội yên bình ổn định mà đạt tới được hưng thịnh, cho nên nói cam tiết vậy.

Tượng viết: “Cam tiết chi cát”, vị cư trung dã.

Tượng truyện nói: “Tiết chế một cách thích đáng”, nói lên hào Chín Năm ở cao ngôi giữa, được chính.

Thuyết minh: tiết lấy “trung” làm quý. Nghĩa của cam tiết tương phản với nghĩa của khổ tiết ở hào Sáu Trên.

Tả Quang Đẩu chú: “Lễ nói hòa vi quý, mà tiết nằm trong đó vậy. Phàm người ta mà quá tâm, quá hình thì đều khổ, bỏ đi được cái gì là quá thì cam. Biết cùng mà thông, chỉ có ở điều trung chính: lấy phép tắc để tiết chế, trên dưới có phận, danh khí thích đáng, dân từ chỗ bất tri, bất thức mà tới chỗ có tiết chế. Tiết thật ngọt ngào biết bao !”. (Danh khí: phân biệt tôn ti do chức tước, xe ngựa, nghi trượng)

Thượng Lục, khổ tiết; trinh hung, hối vong.

Hào Sáu Trên, tiết chế quá mức, khiến người ta quá khổ sở; nên giữ vững chính bền để phòng hung hiểm, thì hối hận có thể tiêu vong.

Chú thích: trinh hung như nói “giữ chính, phong hung”. Câu này nói lên hào Sáu Trên, ở ngôi cuối quẻ Tiết, có tượng tiết chế quá mức, người ta không chịu nổi; nhưng lấy chất mềm ở ngôi trên, không mất chính, cho nên lời hào lại khích lệ rằng giữ “chính” phòng hung thì hối vong. Tiết đã cực mà khổ tiết ở cực hiểm cũng là khổ, giữ bền thì hung mà ăn năn cũng hung, bỏ bớt cái ăn năn đi, đó là bớt cái quá để theo trung. Điều mà lời hào nói hối vong ở quẻ Tiết, đối với hối vong ở quẻ khác, từ thì đồng mà nghĩa thì khác. 

Hồ Vân Phong nói: “Ngũ vị trung thì cam, Thượng vị cực thì khổ. Thoán nói: tiết, hanh, là nói Ngũ. Khổ tiết thì chẳng nên trinh, mà cũng chẳng nên ăn năn, đó là hối vong của Thượng”.

Vương Bật nói: “Quá mức giữa của tiết, đến chỗ quá mức (như thế) là khổ tiết. Lấy điều này mà suy ra việc người, thì người ta không chịu nổi, là “chính chi hung” vậy; lấy điều này sửa mình, hành động không càn bậy, cho nên được hối vong”. Án, Vương Bật giải thích trinh hung là chính thì hung, có thể coi là một thuyết.

Chu Hy nói: “Lễ mà xa xỉ chẳng bằng kiệm, khổ tiết tuy có hối, mà trót thì vong; cũng đồng một ý với quẻ Bí nói thúc bạch tiên, tiên chung cát (bó lụa nhỏ, nhỏ đến chót cát). Nhưng cái hối của khổ tiết còn hơn cái ta thán của bất tiết vậy”.

Bạch thư Chu Dịch chép: “Khô tiết, trinh hung, hối vong”. Trương Lập Văn dịch: “Ghét tiết kiệm, bói toán gặp quẻ hung, nếu có hối cải, thì không gặp khốn ách”. Theo Đặng Cầu Bá chú giải chữ tiết không hề có nghĩa là tiết chế, mà là một loại chứng cớ làm tin chứng tỏ hảo ý, giống như giấy tờ biên lai bây giờ, ông dịch: “Dùng xương khô làm phù tiết, dùng cỏ thi bói toán bị quẻ hung, sợ rằng tự thân sẽ gây họa lớn sát thân”.

Từ Tử Hùng dịch: “Lấy chuyện tiết kiệm sinh hoạt theo lễ làm khổ sở, bói toán bị quẻ hung hiểm, người đó sắp làm tán gia bại sản và phải chựu hổi hận”. Wilhelm dịch: “Tiết chế đầy cay đắng. Kiên trì đem lại xui xẻo, hối hận biến mất.”

Tượng viết: “Khổ tiết trinh hung”, kì đạo cùng dã.

Tượng truyện nói: “Tiết chế quá mức khiến người ta quá khổ sở”, nói lên đạo tiết chế của hào Sáu Trên đã khốn cùng.

Thuyết minh: tiết đã khổ, mà giữ chính bền thì hung, đó là đạo tiết đã cùng cực; nhưng sự khổ tâm của việc hành tiết lại làm cho nó mất hoàn toàn. Cho nên lời hào đặc biệt răn nếu biết suy xét cẩn thận, thì sẽ hiến được “khổ” thành “cam”.

Khâu Kiến An nói: “Sáu hào quẻ Tiết đều lấy đáng vị làm thiện, không đáng vị làm bất thiện, cho nên Nhị thì hung, Tam thì ta thán, Thượng tuy đáng vị mà cũng hung là vì ở tiết đã cực, ở trên đã cùng, cho nên lấy nghĩa không đồng. Lấy hai hào mà coi thì hai hào liền nhau mà tương phản. Sơ nói chẳng ra khỏi cổng thì không lỗi, Nhị chẳng ra khỏi cửa thì hung, đó là Nhị phản với Sơ. Tứ nhu mà được chính thì an tiết, Tam nhu bất chính làm bất tiết. Ngũ được trung thì làm cam tiết, thượng quá trung thì làm khổ tiết. Thánh nhân dụng ý ở hào rất tinh vậy”.

LỜI BÌNH

Tiết chế một cách thích đáng, bao giờ cũng là một nhân tố động lực, thúc đẩy sự vật phát triển được một cách thuận lợi. Lễ kí – Khúc lễ thượng nói: “Biết hòa là quý, nhưng trong mỗi việc, cứ hòa mà không lấy lễ để tiết chế, (thì đó) cũng là điều không nên làm”. Dịch đặt ra quẻ Tiết, chính là tập chung nói lên tiết chế thì phải giữ chính và đúng mức, cho nên lời quẻ đã nói: tiết chế thì hanh thông, lại răn không nên khổ tiết.

Sáu hào trong quẻ, cứ hai hào đối nhau từng đôi một, thể hiện tượng “tam chính”, “tam phản”. Khâu Phú Quốc nêu rằng: “Hào Đầu liền với hào Hai, hào Đầu bất xuất hộ đình thì vô cữu, hào Hai bất xuất môn đình thì hung, hào Hai ngược lại hào Đầu vậy; hào Ba liền với hào Bốn, hào Bốn mềm được chính thì an tiết, hào Ba mềm không được chính thì bất tiết, hào Ba ngược với hào Bốn vậy; hào Năm liền với hào Trên thì tiết mà cam, hào Trên quá trung thì tiết mà khổ, hào Trên ngược lại hào Năm vậy”. Trong đó, hễ hào nào gặp “hung cữu”, thì đều do bất trung, bất chính cả. Nhưng hào tốt nhất nên thấy là hào Năm trung chính “cam tiết”.

Lai Tri Đức từng khen là “tiết tận thiện, tận mĩ”, đặt phép tắc cho hôm nay mà có thể giảm mẫu mực cho mai sau vậy”. Có thể thấy, hàm nghĩa cơ bản của quẻ Tiết là ở chỗ: sự “tiết chế” hợp với quy luật sẽ có lợi cho sự phát triển bình thường của sự vật, còn ngược lại sẽ dẫn đến hung cữu. Chân lý này còn có thể thấy được ở muôn vàn hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội loài người; như sự diễn biến của thời tiết, sự sinh sôi của động thực vật, tình trạng mừng, giận, buồn, vui của loài người, các cách xử sự trong ăn, ở, đi lại, tất thảy đều có sự liên quan đến sự “tiết chế”.

Âu Dương Tu phân tích quẻ Tiết như sau: “Người quân tử mà tiết chế được với bản thân mình, là do biết yêu đến cả mọi vật vậy. Cho nên lời Thoán của quẻ nói “Tiết dĩ chế độ, bất thương tài bất hại dân” là phải vậy”. Xét từ góc độ này, có thể nói quẻ Tiết, ở một chừng mực nào đó, đã phản ánh tư tưởng kinh tế của người soạn Dịch vậy.

Đại tượng truyện nhấn mạnh rằng: “dựng ra độ số để bàn về đức hạnh”.

Chưa biết về độ số thì làm sao mà tiết chế !

(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)

Bình luận