Quẻ Thái là quẻ thứ 11 trong Kinh, do quái Càn ở dưới và quái Khôn ở trên hợp thành, tượng trưng cho sự hanh thông tốt đẹp. Các mặt “đối” của sự vật giao hòa với nhau, thống nhất với nhau, luôn là điều kiện không thể thiếu để đạt tới hanh thông. Quẻ Thái chính là quẻ lấy sự tương thông trên dưới, âm dương ứng hợp để thuyết minh cái Lý hanh thông thuận lợi của sự vật.
Lời quẻ nói: Quẻ Thái tượng trưng cho sự “hanh thông thái hòa”, cái mềm yếu nhỏ bé (nhu tiểu) đi ra, cái to lớn cứng mạnh (cương đại) đi vào; được tốt lành, hanh thông.
[Thái, tiểu vãng đại lai, cát hanh]
Giảng: ‘Thái’ là tên quẻ tượng trưng cho sự ‘hanh thông thái hòa’ (thông thái). Tự quái truyện nói: “Thái là thông”; ‘Tiểu vãng’ là chỉ ba hào âm ở ngoại quái, ‘đại lai’ là chỉ ba hào dương ở nội quái. Đó là tượng thượng hạ quái của quẻ Thái, bên trong là Càn bên ngoài là Khôn, thuyết minh ở thời ‘hanh thông giao thái’, dương cương thịnh vượng đi vào, âm nhu suy vong đi ra, đó chính là điều Thoán truyện gọi là “Đạo quân tử phát triển, đạo tiểu nhân tiêu mòn’, vì thế đã ‘cát’ lại ‘hanh’. Nói về thời của sự “thông”, thì hào nào thịnh thì ‘lai’ mà đến, hào nào ‘suy’ thì vãng mà đi.
Khổng Dĩnh Đạt nói: “Âm ra đi nên nói là ‘tiểu vãng’, dương phát triển nói là ‘đại lai’, nhờ vậy mà được cát cho nên thông”. Hồ Vân Phong nói: “Ba dương đến mà ở trong, ba âm đi mà ở ngoài, là âm dương chính vị, chỉ có quẻ Thái mới thế. Từ Càn Khôn đến Lý, dương có 30 hào, âm có 30 hào, là số của âm dương bằng nhau, sau mới làm thành ba âm ba dương là Thái, há phải ngẫu nhiên, đó là ba âm ba dương vãng lai mà thành quẻ”.
Lại xét, Thuyết quái nói Càn là quẻ tháng Tư, Khôn là quẻ tháng Mười, mà Chu Hi nói Thái là quẻ tháng Giêng là sao vậy ? Ngoài hai quẻ Càn Khôn, ở Thượng kinh có Thái, Bĩ, Lâm, Quan, Bác, Phục, sáu quẻ này có 36 hào, mà âm nhiều hơn dương 20 hào. Ở Hạ kinh, có Độn, Đại tráng, Quải, Cấu, bốn quẻ này có 24 hào, mà dương nhiều hơn âm 12 hào. Ở Thượng kinh, Thái là tháng Giêng, Lâm là tháng chạp, mà Phục thuộc tháng Một thuộc dương tính thuận thời đã qua. Từ quẻ Bĩ là tháng Bảy, Quan là tháng Tám, Bác là tháng Chín, là những tháng âm đi nghịch mà thời chưa lại. Ở Hạ kinh, từ Độn là tháng Sáu, Cấu là tháng Năm đi thuận thời đã qua. Từ Đại tráng là tháng Hai, Quải là tháng Ba, là những tháng mà dương đi nghịch là thời mới đến. Từ đây trở lên, trừ Càn Khôn ra, sau mới thấy nhiều ít thuận nghịch là tự nhiên có thứ tự. Sở dĩ, Chu Hi nói Thái thuộc tháng Giêng là nói từ câu đó.
Trình Di nói: “Tiểu chỉ âm, đại chỉ dương. Vãng là đi ra ngoài. Lai là đi vào ở bên trong. Khí dương giáng xuống, khí âm bốc lên giao hòa. Dương âm thông thuận giao hòa, vạn vật nảy sinh, đó là sự hanh thông giao thái của trời đất. Nói về việc người, thì ‘đại’ là quân vương ở trên, ‘tiểu’ là bề tôi ở dưới. Quân vương dựa vào lòng thành mà tín nhiệm bề tôi, bề tôi làm hết chức trách phận sự để phụng sự quân vương, tâm chí trên dưới thông thuận, đó là sự hanh thông thái hòa của triều đình. Dương là quân tử, âm là tiểu nhân, quân tử tới và đi vào ở bên trong, tiểu nhân đi ra ở bên ngoài; như vậy là quân tử đắc vị, tiểu nhân ở bên dưới, đó là sự hanh thông thái hòa của thiên hạ. Đạo của Thái là cát tường và hanh thông vậy”.
Thoán truyện nói: Thông thuận, thái hòa, cái nhỏ bé yếu mềm đi ra ngoài, cái cứng rắn to lớn đi vào trong, tốt lành, hanh thông. Đây là thuyết minh việc trời đất âm dương giao hòa kết hợp, nhờ vậy mà đạo sinh dưỡng của muôn vật được thông thuận phát triển, vua tôi trên dưới giao hòa kết hợp, ý thức tư tưởng của con người tương đồng. Ở vào thời này, dương ở trong, âm ở ngoài, quân tử ở trong, tiểu nhân ở ngoài, đạo quân tử tăng trưởng, đạo tiểu nhân tiêu vong.
[Thoán viết: Thái, tiểu vãng đại lai, cát, hanh, tắc thị thiên địa giao nhi vạn vật thông dã, thượng hạ giao nhi kỳ chí đồng dã. Nội dương nhi ngoại âm, nội kiện nhi ngoại thuận, nội quân tử nhi ngoại tiểu nhân; quân tử đạo trưởng, tiểu nhân đạo tiêu dã.]
Giải:
Thiên địa giao nhi vạn vật thông – Hà Thỏa nói: “Ở đây nói rõ ý đạo trời là Thái. Nay đạo Thái, vốn lấy sự ‘thông’ mà sinh ra muôn vật. Nếu khí trời bốc lên, khí âm giáng xuống, mọi cái đều bế tắc, không thể giao hòa với nhau, tất muôn vật không thể từ mà sinh ra được. Nói rõ ý muôn vật sinh ra là do trời đất giao hòa với nhau”. Xét, trong hiện tượng tự nhiên, địa khí gặp nóng bốc lên thành mây, mây gặp lạnh rồi xuống thành mưa. Đối với con mắt người xưa, thì đây chính là cái lẽ ‘trời đất giao hòa’.
Thượng hạ giao nhi kỳ chí đồng – Hà Thỏa nói: “Ở đây nói rõ ý của quẻ Thái về sự đời, vua tôi giao cảm với nhau, do đó mà nuôi dưỡng được muôn dân vậy”. Lại nói: “Thuận mà âm ở ngoài, nên nói là ‘tiểu vãng’; ‘khỏe’ mà dương ở trong, nên nói là ‘đại lai”. Chu dịchtập giải dẫn lời Thôi Cảnh nói: “Dương là quân tử, ở trong khỏe để mà làm việc; Âm là tiểu nhân, ở ngoài thuận để nghe lệnh”.
Cửu gia dịch nói: “Nói dương ‘tức’ mà lên, nói âm ‘tiêu’ mà xuống vậy”.
Đại tượng nói: Trời đất giao nhau, tượng trưng cho ‘thông’ và ‘hòa’; bậc quân chủ nhân đó điều hành thúc đẩy để hoàn thành Đạo trời đất tương ‘giao’, tương ‘thông’, góp sức thực hiện việc trời đất hóa sinh muôn vật, và bảo trợ trăm họ trong thiên hạ.
[Tượng viết: Thiên địa giao, thái; hậu dĩ tài thành thiên địa chi đạo, phụ tướng thiên địa chi nghi, dĩ tả hữu dân.]
Giải: ‘Hậu’, theo Nhĩ nhã – Thích hỗ có nghĩa là Vua; ‘Tài’ theo Kinh điển thích văn – Lục Đức Minh dẫn lời Tuân Sảng cho rằng vốn là chữ ‘tài’ trong ‘tài bồi’. Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Trịnh Huyền trong Chu Dịch tập giải nêu nghĩa là ‘điều tiết’. Chu Hi giảng: “Tài, cũng như ‘tài’ trong ‘tài bồi’, có nghĩa là điều tiết, vun đắp”. Nghĩa của chữ “tài”, thì Lý Đỉnh Tộ dẫn chú thích của Ngu Phiên, nêu nghĩa là “tài dụng” (dùng tiền của), nêu rõ: “Giữ ngôi vị nhờ người, tập hợp người nhờ của, vì thế mới nói hoàn thành đạo của trời đất”, Huệ Đống phát huy thuyết của Ngu Phiên nói: “Nhà vua dựa vào việc sử dụng của cải để hoàn thành việc giáo hóa, hỗ trợ cho sự hóa sinh dưỡng dục của trời đất”. ‘Thiên địa chi nghi’ có nghĩa là ‘thiên địa hóa sinh chi nghi’ (sự thích nghi của việc trời đất hóa sinh); ‘Tả hữu’ có nghĩa như phù trợ, bảo trợ.
Thiên địa chi đạo – tức là đạo trời đất giao nhau. Đây là thời ‘thông’, tất phải giỏi trong việc sửa sang, điều tiết; không thể lạm dụng sự thông mà bỏ qua việc sửa sang, thì mới có thể khiến cho đạo ‘giao’ của trời đất có được sự ‘thành’. Ngu Phiên nói: “Bậc nhân quân, lấy tiền của để tập hợp dân, cho nên nói là ‘thành’ đạo của trời đất”. Huệ Đống phát triển ý nghĩa mà họ Ngu, đã nói: “Nói vua lấy của cải để thành sự giáo hóa, giúp cho sự hóa dục của trời đất”.
Toàn văn Lời đại tượng, trước hết nêu rõ tượng hạ quái là Càn là trời, thượng quái Khôn là đất, để nói rằng trời đất trên dưới tương ‘giao’, tương ‘thông’, đó chính là tượng trưng của sự ‘thông thuận thái hòa’. Sau đó mở rộng ra, nêu việc người quân tử, xem tượng quẻ Thái, không thể an nhàn không làm gì, mà cần phải thúc đẩy, hoàn thành đạo của trời đất, hỗ trợ sự thích nghi của trời đất, khiến cho trên dưới tương giao hòa hợp, bình trị đất nước, bảo vệ nhân dân, thì mới mong được hưởng cảnh ‘thông thuận thái hòa’ lâu dài. Chu dịch tập giải dẫn lời Tuân Sảng nói: “Khí Khôn dâng lên để thành đạo trời; Khí Càn giáng xuống để thành đạo đất. Hai khí trời đất này, nếu khi nào đó không tương ‘giao’ mà mất đi sự ‘hòa hợp’, thì sẽ sinh bế tắc; nay đã tương giao hòa hợp thì sẽ thông thuận mà được thái hòa”.
Vương Bật chú giảng: “Thái là thời muôn vật đại thông. Trên dưới đại thông thì sẽ mất cân đối nhịp nhàng, mất đi sự ràng buộc lẫn nhau, cho nên ‘tài thành’ mà ‘phụ tướng’, vì thế mà cần phải thúc đẩy, điều hòa, giúp đỡ để bảo trợ muôn dân”. Tiên thiên quẻ Thái tới quẻ Bĩ được số là 32, đây là số chỉ sự ‘đối’. Gần đây, Hoàng Nguyên Bính trong Dịch học thám nguyên – Kinh truyện giải cũng cho rằng: “Con người ta dựa vào của cải để tương thông tương giao, vậy là hoàn thành đạo tương giao tương ứng của trời đất”. Những thuyết này nên tham khảo.
Hình quẻ Thái đặt trời ở dưới đất ở trên, như vậy dường như đã đảo ngược vị trí của trời đất, nhưng chính điều đó đã nhấn mạnh ý nghĩa “có giao thì sau mới thông thuận thái hòa”. Khâu Phú Quốc nói: “Hình thể của trời đất không thể tương ‘giao’, nhưng Khí thì có thể tương giao; Khí tương giao muôn vật tương thông, đó là sự hanh thông thái hòa của trời đất. Trên dưới có ‘phân’ có ‘biệt’, không thể tương giao, nhưng Tâm thì có thể tương giao, cho nên tư tưởng ý thức tương đồng, đó là sự hanh thông thái hòa của việc người vậy”. Nhưng, giữa thời hanh thông thái hòa, hưng thịnh phát triển muôn vật, lại cần phải khéo xử lý, điều tiết, thì mới không đến nỗi chuyển Thái thành Bĩ. Những điều ‘tài thành’, ‘phụ tướng’, ‘tả hữu’ dân (điều tiết, thúc đẩy sự hoàn thành, giúp đỡ bảo trợ dân), nói trong đại tượng truyện là nhằm nhấn mạnh vào ý nghĩa giữ gìn sao cho sự hanh thông thái hòa được vững bền.
Lời hào Sơ cửu: Nhổ cỏ mao, được cả khóm rễ, như vậy là cùng chất cùng loại mà ra, tiến tới thì được tốt lành.
[Sơ Cửu, bạt mao nhự, dĩ kỳ vựng, chinh cát.]
Giải: “mao” là cỏ mao; Thuyết văn giải tự – Hứa Thận nói: “Mao, là cỏ ranh, nhự là rễ quất quýt nhau thành búi”; Kinh điển thích văn – Lục Đức Minh nói: “Nhự, là liên quan, liên kết với nhau, vựng được giải thích là cùng chất tụ hợp lại với nhau”.
Đây lấy việc nhổ cỏ mao, được cả khóm rễ quấn quýt lấy nhau làm thí dụ để thuyết minh hào Sơ cửu, ở vào thời “thái”, dương cương ở dưới, có mối liên quan ngoại ứng với hai hào dương Cửu nhị và Cửu tam, chí hướng muốn vươn lên trên, vì thế cho nên một hào dương động thì cả ba hào dương cùng động theo, cứ thế mà tiến tời thì sẽ thông đạt, và được gọi là “chinh cát”. Vương Bật nói: “Cỏ mao là vật nhổ rễ thì cả túm rễ bật theo. Nhự có nghĩa là túm tụm quấn quýt lấy nhau. Cả ba hào dương đều chung tâm chí hướng ra ngoài; hào Sơ là đứng đầu loại, đã xướng lên thì tất cả đều theo, như túm rễ cỏ mao vậy. Trên thuận mà ứng, không có gì ngăn trở xa cách, tiến lên đều đắc chí, vì thế mà cả loại được chinh cát”.
Xét, “thời hanh thông thái hòa”, dương cương thịnh trưởng; ở lúc bắt đầu, một hào dương “đắc thái”, thì tất cả các hào dương khác đều “đắc thái” theo. Hào Sơ cửu quẻ Thái lấy tượng “nhổ cỏ mao”, tỏ rõ thời này rất nên tiến thủ, chinh (tiến tới) tất sẽ được cát (may mắn tốt lành).
Tiểu tượng nói: “Nhổ cỏ mao, tiến tới sẽ được tốt lành”, nói rõ tâm chí của hào Sơ cửu là hướng ra ngoài mà tiến thủ vậy.
[Tượng viết: “Bạt mao chinh cát”, chí tại ngoại dã.]
Giải: Khổng Dĩnh Đạt nói: “Vì ba hào đều là dương cả, ý chí đều ở ngoài, hành động thì có người theo, như nhổ cỏ mao thì được cả một búi, tiến tới thì được tốt lành”. Trình Di nói: “Thời sắp thái nên các bậc hiền nhân đều muốn tiến tới, chí của cả ba hào dương đều muốn tiến tới là giống nhau, cho nên lấy tượng nhổ cỏ mao được cả một búi. Chí ở ngoài, có nghĩa là tiến lên”.
Lời hào Cửu nhị: Có tấm lòng bao dung rộng rãi có thể tiếp nhận mọi nguồn nước lớn, có thể lội qua sông rộng, người hiền ở chốn xa xôi cũng không bỏ xót; đồng thời lại không kéo bè kéo cánh, có thể phò tá bậc quân chủ, giữ được đạo trung chính.
[Cửu nhị, Bao hoang, dụng bằng hà, bất hà di, bằng vong, đắc thượng vu trung hành.]
Giải: “bao” có nghĩa như bao quát, bao gồm, bao dung; Lý Đỉnh Tộ dẫn Chu dịch tập giải: “Hoang, là dòng nước lớn, suối lớn”; Thuyết văn giải tự – Hứa Thận nói: “Bằng, là qua sông không cần thuyền bè”, Nhĩ nhã – Thích huấn nói: “Bằng hà, là lội qua sông”. “Bất hà di” là hình thức đảo trang của “bất di hà”; “bằng” là bè cánh” “vong” là vô, “bằng vong” có nghĩa như không kết bè kéo cánh. Vương Dẫn Chi căn cứ vào Nhĩ nhã – Thích hỗ chú: “thượng, là phò tá, trợ giúp”; “trung hành” chỉ hào Lục ngũ quẻ Thái ở ngôi vị tôn quý và giữ được đức trung.
Hào Cửu nhị ở vào thời “hanh thông thuận lợi”, có tấm lòng bao dung rộng rãi, nhờ đức đó mà nó có thể lội qua sông rộng mà không gặp trở ngại, lại có thể tiếp nhận các hiền nhân từ nơi xa đến, không bỏ xót ai, phẩm chất lại trong sáng, không kéo bè kéo cánh, vì thế mà có tượng “bao hoang” (tiếp nhận các nguồn nước lớn), “bằng hà” (lội sông), “bất hà di” (không bỏ xót ai), “bằng vong” (không kéo bè kéo cánh). Ở vào thời này, hào Cửu nhị lại lấy đức cương trung mà ứng với ngôi vị tôn quý của hào Lục ngũ ở trên vốn có đức nhu trung, cũng có nghĩa như đem tấm lòng rộng rãi vô tư , phò tá bậc quân chủ giữ vững đức trung, giúp đời được thịnh trị, giữ gìn sự hanh thông thuận lợi, vì thế mới nói “đắc thượng vu trung hành”.
Vương Bật nói: “Thể kiện cư trung, vận dụng trong thời Thái, có thể bao dung những cái cũ xấu, thu nạp cả những kẻ táo tợn, bạo hổ bằng hà, tấm lòng rộng mở, không bỏ xót một ai, cho nên nói “bất hà di”. Không riêng tư, không thiên lệch, tâm địa quang minh chính đại, cho nên nói “bằng vong”. Như vậy mới có thể “đắc thượng vu trung hành”; “thượng” có nghĩa như phối (hợp), “trung hành” đó là nói về hào Ngũ”. Xét, Vương Bật giải thích “bao hoang” là bao dung cả cái cũ cái xấu, giải thích “thượng” là phối cũng là một thuyết để tham khảo.
Trình Di nói: “Hào Nhị tuy ở vào địa vị bề tôi, nhưng chủ sự hanh thông thuận lợi”.
Nghĩa lý của lời hào Cửu nhị quẻ Thái bao hàm thế đạo hanh thông yên bình, thường thể hiện ra ở các bề tôi trong thời thịnh trị, có tấm lòng rộng mở, chí công vô tư, không kết bè kéo cánh, tức như điều mà Chu Hi nói: “Không để xót người hiền tài ở xa, lại không kéo bè kéo cánh”.
Tiểu tượng nói: “Có tấm lòng rộng mở như có thể đón nhận những nguồn nước lớn, lại có thể phò tá bậc quân chủ biết thừa hành đạo chính trung”, chứng tỏ hào Cửu nhị có đạo đức quang minh chính đại.
[Tượng viết: “Bao hoang, đắc thượng vu trung hành”, dĩ quang đại dã.]
Giải: Khổng Dĩnh Đạt nói: “Sở dĩ nói là “bao hoang”, vì hào Cửu nhị phối hợp được với đức trung chính của hai hào Ngũ Lục, dựa vào tính vô tư không thiên vị mà giữ được quang minh chính đại”.
Chu dịch chiết trung: “Truyện chỉ nêu hai chữ “bao hoang”, không phải là lược bớt những câu dưới cho gọn, mà vẫn bao hàm ý của những câu dưới, có lẽ chính là vì “bao hoang” là gốc của đạo trị nước. Nhưng, “bao hoang” mà vẫn giữ được đạo trung chính, đó là nhờ sự quang minh chính đại, sáng suốt vô tư”.
Lời hào Cửu tam: Đất bằng không có nơi nào lại không có thể hóa thành bờ dốc; sự vật cũng không có cái gì lại cứ đi mãi mà không quay trở lại. Chỉ cần chẳng quên gian nan, giữ vững chính đạo thì sẽ không có cữu hại, không lo không được người tín nhiệm, hưởng phúc lộc vui vẻ.
[Cửu tam, vô bình bất bi, vô vãng bất phục, gian trinh vô cữu, vật tuất kỳ phu, vô thực hữu phúc.]
Giải: “bi” là bờ dốc của sông núi; Thuyết văn giải tự – Hứa Thân nói: “Bi, có thuyết cho là trì (ao)”; Đoàn Ngọc Tài chú thích: “Bi, có thể được chú giải là trì (ao), đó là nói về phía ngoài bờ dốc”; Chu dịch tập giải – Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Ngu Phiên nói: “Tuất, là lo lắng”; Phu, là tin tưởng, ở đây có nghĩa được người tín nhiệm”; Trịnh Huyền chú thích: “Thực, có nghĩa là bổng lộc, được hưởng bộc lộc”.
Toàn văn lời hào nói về hào Cửu tam ở vào thời “hanh thông thuận lợi”, ở vào cuối nội quái của quẻ Thái, là điểm chuyển biến của hai quẻ Thượng – Hạ, cần phải để phòng “hanh thông thuận lợi” chuyển thành “bế tức khó khăn”, vì thế mà lấy tượng “vô bình bất bi, vô vãng bất phục” để nhắc nhở cảnh tỉnh. Đồng thời cũng lại khuyên rằng, ở vào cảnh hanh thông thuận lợi, chớ nên quên lo nghĩ, cần ghi nhớ những lúc gian nan, giữ vững ngay chính thì sẽ được vô cữu, lại có thể được người tín nhiệm, hưởng bộc lộc lâu dài mãi mãi.
Trình Di nói: “Hào Tam ở giữa quẻ Thái, ở trên mọi hào dương khác, như vậy là rất mực hanh thông thuận lợi rồi. Nhưng, lý của sự vật là tuần hoàn, ở dưới tất thăng lên trên, ở trên tất giáng xuống dưới. “Thái” lâu tất sẽ “Bĩ”. Vì thế cho nên giữa lúc hanh thông thuận lợi đang thịnh, chất dương đang tiến, cần phải nhắc nhở cảnh tỉnh một điều là: không có gì bằng phẳng mãi mà không nghiêng ngả, không có “hanh thông” mãi mà không bĩ bế, không có cái gì cứ đi mãi mà không quay lại. Đây là nói sự quay lại của dương. Bằng phẳng trở thành nghiêng ngả, đi tới rồi quay lui, như vậy là ở vào thế “bĩ” rồi. Cần phải biết lẽ trời tất nhiên là như vậy. Ở vào thời “hanh thông thuận lợi” không giám an nhàn, phải chăm chăm lao tâm khổ tứ, hành động phải giữ vững chính đạo, như vậy sẽ được vô cữu. Ở vào cảnh “hanh thông thuận lợi” mà vẫn giữ vững chính đạo, không quên gian khổ, thì sẽ có thể bảo toàn được phúc lộc lâu dài, không phải lo phiền, cầu sẽ được, mong sẽ đến. Tin tưởng như thế, được tín nhiệm như thế, phúc lộc sẽ tăng thêm mãi. Sự vật phát triển thường chứa đựng sự chuyển hóa của hai mặt “chính” và “phản”, hào Cửu tam quẻ Thái ở vào giai đoạn đặc thù của sự chuyển tiếp giữa Thái (hanh thông) và Bĩ (bế tắc)”.
Chính vì vậy, Chu Hi nói: “Sắp vượt quá mức trung, “thái” đạt tới mức cực điểm thì sẽ đến thời “bĩ”. Nhưng, nếu ở vào thời Thái mà lo đến lúc Bĩ thì cũng có thể tránh được nguy hại. Đó là nội dung câu “gian trinh vô cữu” trong lời hào Cửu tam vậy”.
Tiểu tượng nói: “Không có cái gì đã đi mà không quay trở lại”, chứng tỏ hào Cửu tam ở chỗ giáp ranh của sự “giao tiếp” giữa trời và đất.
[Tượng viết: “Vô vãng bất phục”, thiên địa tế dã.]
Giải: “tế” là biên tế, chỗ giáp giới giáp ranh; Quảng vận chú: “Biên là bờ”; Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Tống Trung nói: “Vị trí ở tận cùng quẻ Càn, ứng với vị trí tận cùng quẻ Khôn”, nghĩa là: hào Cửu tam ở vào vị trí chung cực của hạ quái Càn, ứng với hào Thượng lục ở vào vị trí chung cực của Thượng quái Khôn (hào 3 Càn ứng hào 6 Khôn), hai cực này là biên tế của trời đất, chứa đựng sự nguy hiểm “Thái” sắp chuyển sang “Bĩ”, vì vậy mà lời hào răn rằng “vô vãng bất phục”.
Lời hào Lục tứ: Bay lượn lẹ làng, thanh cảnh, không giầu có, cùng xóm giềng chẳng cần nhắc nhở mà vẫn tin nhau.
[Lục tứ, Phiên phiên, bất phú, dĩ kỳ lân, bất giới dĩ phu.]
Giải: “phiên phiên” là bay lượn nhẹ nhàng, bay lên xà xuống; Thi kinh – Tiểu nhã – Hạng Bá viết: “Tập tập phiên phiên” (dập dìu bay lượn), Mao truyện giảng là “trạng thái bay đi lượn lại”; Thuyết văn giải tự – Hứa Thận chú: “Phiên là bay nhanh”. Chu dịch tập giải – Du Diễm nói: “Bất phú, dịch coi âm hư là bất phú (không giầu có)”, hào Lục tứ là hào âm nên nói “bất phú”; “dĩ kỳ lân” thì chữ “dĩ” ở đây giống như chữ “dữ” (cùng với), Quảng nhã – Thích hỗ tam nói: “dĩ nghĩa là dữ (cùng với)”; “lân” chỉ hào Tứ liền kề với hai hào âm Ngũ và Thượng.
Đây thuyết minh về lời hào Lục tứ, chất âm ở vào ngôi vị mở đầu thượng quái của quẻ Thái, ở vào thời thượng hạ giao thái, cùng với hai hào âm Lục ngũ và Thượng lục như đang dập dìu bay lượn, sà xuống tiếp ứng với hào dương ở hạ quái, để tạo thành cảnh tượng hanh thông thuận lợi. Hào Lục tứ khiêm hư hạ cố tiếp ứng hào Sơ có chất dương, cho nên có tượng “bất phú”, có nghĩa là không giầu có nhưng lại muốn góp sức làm giầu cho hào dương, đó cũng là điều mà Lý Giản trong Học dịch ký đã nói: “Bề trên lấy đức khiêm hư ứng tiếp kẻ dưới”. Thời này đã là “thượng hạ giao thái”, cho nên hào Lục tứ cùng hai hào âm liền kề đều chẳng cần nhắc nhủ nhau, mà vẫn có tấm lòng chân thành tin tưởng, cùng muốn ứng tiếp với các hào có chất dương cương bên dưới, cho nên nói “dĩ kỳ lân, bất giới dĩ phu”.
Cổ chu dịch đính hỗ – Hà Khải nói: “Đây đúng thực là hào âm dương giao thái. Lân chỉ các hào Lục ngũ và Thượng lục; Lục tứ tuy “bất phú”, nhưng lại có thể cùng dắt díu nhau tìm xuống cầu gặp hào dương, chẳng cần phải nhắc nhủ nhau, mà đều có lòng tin ở hào dương rồi vậy”.
Chu dịch thượng thị học – Thượng Bỉnh Hòa nói: “Câu “dĩ kỳ lân, bất giới dĩ phu” là nói về các hào Lục ngũ và Thượng lục đều muốn ứng tiếp, tin tưởng vào các hào dương bên dưới, Âm có được sự ứng tiếp của dương, tất sẽ tốt lành may mắn, cho nên nói “bất giới dĩ phu”. Giới có nghĩa là nhắc nhủ”. Xét, cách ngắt câu của lời hào được nêu ở đây vốn là theo Chu dịch thượng thị học của Thượng Bỉnh Hòa, nhưng ngày trước thường ngắt câu như sau: “Phiên phiên, bất phú dĩ kỳ lân, bất giới dĩ phu”, là theo Chu dịch chính nghĩa của Khổng Dĩnh Đạt, và Chu dịch tập giải Lý Đỉnh Tộ, thuyết này đều có thể tham khảo.
Quẻ Thái, nội dung chủ yếu là ở “giao thái” (giao hòa để đi đến chỗ hanh thông), vì thế mà hào dương thể thực có thể ứng tiếp với trên, hào âm thể hư có thể khiêm nhường ứng tiếp với dưới, âm dương trên dưới tương giao, hiện ra cảnh tượng “giao thái hanh thông”. Hai chữ “phiên phiên” trong lời hào Tứ và hai chữ “bạt mao” trong lời hào Sơ, thể hiện thành hai tượng có thể trên dưới hô ứng (kẻ gọi người thưa).
Tiểu tượng nói: “Dập dìu bay lượn xà xuống, trong lòng trống rỗng không phú thực”, đây là thuyết minh các hào âm của thượng quái đều không muốn mình phú thực; “không cần phải bảo ban khuyến cáo mà tâm đã đều thành tín”, thuyết minh nội tâm các hào âm đều có nguyện vọng muốn ứng hợp với các hào dương.
[Tượng viết: “Phiên phiên bất phú”, giai thất thực dã; “bất giới dĩ phu”, trung tâm nguyện dã.]
Giải: “thất thực”, là nói về âm hư, tức là nghĩa của hai chữ “bất phú” trong lời hào. Ở vào thời “trên dưới giao thái”, ba hào âm của thượng quái đều lấy việc giao tiếp với ba hào dương ở dưới làm mục đích, đường lối rõ ràng, vì thế cho nên “bất phú”, “thất thực” đều là nguyện vọng trong tâm của chúng. Cổ chu dịch đính hỗ – Hà Khải nói: “Bất phú mà các hào âm lân cận đều muốn theo, đó chính là vì cả ba hào âm ấy đều là “bất phú”, nhưng lại muốn giúp cho các hào dương được “phú thực”. Chu dịch chiết chung dẫn lời Du Diễm: “Nguyện là trên dưới giao tiếp, mà ý thức tư tưởng giống nhau. Vào thời quẻ Thái, trên dưới không nghi kỵ nhau, như vậy là từ bản tâm mà ra, cho nên nói “ý nguyện tự trong lòng”.
Lời hào Lục ngũ: Đế Ất cho em gái về nhà chồng, nhờ đó được phúc trạch, được cực kỳ tốt lành.
[Lục ngũ, Đế Ất quy muội, dĩ chỉ, nguyên cát.]
Giải: Đế Ất là vị đế vương thời Thương, Tử hạ dịch truyện thì Kinh Phòng và Tuân Sảng cho rằng đó là vua Thành Thang nhà Thương; “quy” là con gái về nhà chồng; Thuyết văn giải tự – Hứa Thận giải thích là: “muội, là nữ đệ tử”; Đoàn Ngọc Tài dẫn Mao truyện chú thích: “Nữ tử hậu sinh viết muội” (con gái sinh sau gọi là muội); “chỉ” là phúc, được dùng như động từ.
Lời hào Lục ngũ mượn chuyện em gái nhà vua thời cổ về nhà chồng làm thí dụ, để thuyết minh hào Lục ngũ ở vào thời “hanh thông thuận lợi, chất âm ở ngôi vị tôn quý, dưới ứng với hào Cửu nhị, như Đế Ất hạ cố cho em gái vốn dòng tôn quý lấy người hiền tài ở bên dưới, nhờ đó mà được phúc. Đó chính là tượng của lý trên dưới tương giao tương thông, âm dương giao hòa cực kỳ đẹp đẽ tốt lành, cho nên nói là “nguyên cát”.
Chu dịch nghĩa hải toát yếu – Lý Hành dẫn lời Lục Hy Thành nói: “Hào Ngũ là hào âm nhu ở ngôi vị trên, đó là tượng con gái bậc đế vương, phối hợp với hào Nhị ở dưới, đó là tượng hạ cố lấy chồng ở địa vị dưới”.
Thượng Bỉnh Hòa nói: “Bốn chữ “dĩ chỉ nguyên cát”, là nói hào Nhị thăng lên hào Ngũ, hào Ngũ phối hợp với hào Nhị, tất cả đều đúng ngôi vị, vĩnh viễn là sự kết hợp tốt đẹp, vì thế mới nói là “nguyên cát”.
Xét, ở địa vị tôn quý, mà hạ cố kết hợp với bên dưới, đó là điều rất đáng quý. Hào Ngũ quẻ Thái được coi là Nguyên cát, đó chính là nó bao hàm ý nghĩa tượng trưng ” hanh thông thuận lợi”, đại thành công. Trình Di nói: “Nguyên cát là đại cát, rất mực tốt đẹp. Đó là nói về công lao thành tích làm cho tất cả đều được hanh thông, thuận lợi”.
Tiểu tượng nói: “Nhờ vào đây mà được ân phúc, rất mực tốt lành”, thuyết minh hào Lục ngũ ở ngôi giữa, không thiên lệch, có tâm nguyện chiếu ứng với bên dưới.
[Tượng viết: “Dĩ chỉ nguyên cát”, trung dĩ hành nguyên dã.]
Giải: Trình Di nói: “Sở dĩ được hưởng phúc trạch tốt lành, là do dựa vào trung đạo mà thực hành chí nguyện. Có đức trung cho nên có thể tín nhiệm giao việc cho những người hiền tài cương trung, vì vậy mà những người đi theo đều là tình nguyện cả”. Thượng Bỉnh Hòa giảng: “Ý nói hào Ngũ có chí nguyện hướng về hào Cửu nhị”.
Lời hào Thượng lục: Tường thành đổ xuống hào cạn, không được xuất bình chinh chiến, cần giảm bớt huấn cáo chính lệnh, giữ vững trinh chính để khỏi phải ân hận.
[Thượng lục, Thành phục vu hoàng, vật dụng sư, tự ấp cáo mệnh, trinh lận.]
Giải:Chu dịch tập giải – Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Ngu Phiên giảng: “Hoàng, là hào ngoài chân thành; có nước gọi là trì, khô cạn gọi là hoàng”; “ấp” ở đây có nghĩa là giảm bớt; “cáo mệnh” có nghĩa là huấn cáo chính lệnh.
Toàn văn lời hào thuyết minh về hào Thượng lục ở ngôi vị cuối cùng của quẻ Thái, con đường hanh thông thuận lợi sắp đến chỗ cùng tận, vì vậy lấy tượng “thành đổ xuống hào cạn”, để nói rõ cái lý “thái cực bĩ lai”. Hào Thượng ở vào thời này, vị thế cao sang tôn quý, vì thế không được liều lĩnh xuất binh, nên tự gắng sức sửa đổi chính lệnh rắc rối rường rà, để cầu sao cho qua thời kỳ nguy nan. Nhưng hào Thượng lục ở vào thế “hanh thông thuận lợi” chuyển thành “bế tắc”, thực là do thời cùng đẩy tới, mong nó hãy nên giữ vững chính đạo thì cũng có thể tránh được nguy hại, khỏi phải hối hận, cho nên mới đặc biệt cảnh tỉnh nhắc nhủ bàng hai chữ “trinh lận”,
Vương Bật nói: “Ở vào ngôi vị trên cùng của quẻ Thái rồi, thì tất sẽ ứng với sự quay ngược lại. Đạo “hanh thông thuận lợi” sắp chấm dứt, trên dưới không tương giao, dưới không thừa tiếp trên, trên không ban phát xuống, vì vậy mà “thành đổ xuống hào cạn”, đạo trên dưới tôn ti suy sụp vậy”.
Thượng Bỉnh Hòa kế thừa thuyết của Ngô Nhữ Luân trong Dịch thuyết rằng: “Ấp là viết tắt của chữ ấp trong “ấp tổn”. Ý muốn nói giảm bớt huấn cáo mệnh lệnh, như đời sau xuống chiếu tự vạch tội mình vậy. Nói việc ở vào thời của hào Thượng quẻ Thái, thì hãy nên lui về “không hành động” (vật dụng)”.
Xét, Khổng Dĩnh Đạt đã giải thích mấy chữ “tự ấp cáo mệnh” như sau: “Chỉ ra mệnh lệnh huấn cáo trong phạm vi ấp của mình mà thôi”. Chu Hi kế thừa thuyết của Trình Di, giải thích hai chữ “trinh lận” là: “Tuy được chính mà vẫn không tránh khỏi ân hận ngượng ngùng”, những thuyết này đều có thể tham khảo.
Hào Thượng lục quẻ Thái ở vào ngôi vị chung cục của quẻ, có thời “hanh thông thuận lợi” đến cùng cực tất phải quay ngược trở lại. Vì thế Chu Hi nói: “Đó cũng là lẽ tất nhiên của thế sự. Trị lâu tất sẽ loạn; loạn lâu tất sẽ trị. Trong thiên hạ không hề có cái lý lâu mà không biến đổi”.
Tiểu tượng nói: “Tường thành đổ ụp xuống hào cạn”, nói rõ xu hướng phát triển của hào Thượng lục đã chuyển hóa về phía rối loạn vậy.
[Tượng viết: “Thành phục vu hoàng”, kỳ mệnh loạn dã.]
Giải: Mệnh là vận mệnh, cũng có nghĩa như xu hướng phát triển. Thượng Bỉnh Hòa nói: “Thái đến cùng cực thì chuyển thành Bĩ, đó là vận mệnh của trời đất tự nhiên, không thể né tránh được”.
LỜI BÀN
Tượng quẻ Thái là trời ở dưới đất ở trên. Thoán truyện nói: “Trên dưới giao nhau mà chí thì đồng”, như vậy đã nêu một cách minh xác ý nghĩa của quẻ Thái.
Sơ học ký – Ngụy văn đế tập – Tào Phi bàn rằng: “Âm dương giao hòa thì muôn vật thành tựu; quân thần giao hòa thì đất nước thịnh trị; sỹ thứ giao hòa thì đức hạnh sáng láng; cùng lo cùng vui, cùng chung hưởng phú quý, đạo bạn bè nhờ đó được đầy đủ vậy. Dịch có câu: “Trên dưới giao hòa mà chí hướng cùng nhau, qua đó đủ biết giao hòa là gốc của nhân luân, là nghĩa lớn của vương đạo, chứ không riêng gì chí hướng của kẻ sỹ, là nội dung của đạo kết giao bạn bè”. Thuyết của Tào Phi đã trình bầy rõ đạo lý muôn vật “giao hòa” thì “thái” (hanh thông thuận lợi).
Sáu hào của quẻ Thái, không hào nào không có nội dung “giao hòa thông thuận”, Chu dịch chiết trung dẫn lời Lưu Định Chi nói: “Trong sáu hào, nghĩa tương giao là quan trọng; hào Sơ tương giao với hào Tứ, đó là khởi đầu của quẻ Thái, và thế mà khởi đầu đã nói: “Dĩ kỳ vựng” (được cả khóm như cỏ tranh liền rễ), hào Tứ nói: “Dĩ kỳ lân” (thành một xóm), như chim liền cánh tung bay dập dìu; hào Nhị hào Ngũ tương giao với nhau, đó là phần giữa của quẻ Thái, vì vậy mà hào Ngũ đã nói về nhà Vua, là bạc tôn quý hạ cố kết duyên với bề tôi, hào Nhị nói về đại thần làm hết chức trách phận sự để báo đáp ơn vua; hào Tam với hào Thượng tương giao với nhau, đó là phần kết thúc của quẻ Thái, vì thế hào Tam nói: “bằng phẳng biến thành nghiêng ngả”, hào Thượng nói: “thành đổ vào hào cạn”. Nhưng trong cả sáu hào, ý răn giới sâu sắc nhất thuộc về triết lý “thái cực bĩ lai” (hanh thông đến cùng cực thì sự bế tắc sẽ tới) được thể hiện trong hào Tam và hào Thượng. Hào Tam là mầm chuyển hóa, lấy câu “không cái gì bằng phẳng mãi mà không nghiêng đổ, không cái gì cứ đi mãi mà không trở lại” (vô bình bất vi, vô vãng bất phục) để cảnh giác. Hào Thượng là chung cục (kết thúc) của sự chuyển hóa, câu “thành đổ xuống hào cạn” (thành phục vu hoàng) đã nói rõ ý nghĩa đó. Kinh thi – Tiểu nhã – Thập nguyệt chi giao: “Cao ngạn vi cốc, thâm cốc vi lăng” (bờ cao thành hang, hang sâu thành gò); Luận ngữ – Tử Lộ: “Người quân tử ở vào cảnh hanh thông mà không kiêu căng”, những câu này dùng để minh chứng cho ý nghĩa khuyên răn “Ở vào hoàn cảnh hanh thông yên vui, nhưng phải lo lúc gặp bế tắc” (xử thái lự bĩ) ngụ ý trong quẻ Thái.
(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)