Quy muội: Chinh hung, vô du lợi.
Quẻ Quy muội tượng trưng cho người con giá về nhà chồng, nếu có những hành vi không chính đáng mà tiến lên thì có hung hiểm, không có gì lợi cả.
Chú thích: Quy muội – tên quẻ, dưới quẻ Đoài; trên quẻ Chấn, tượng trưng cho người con gái về nhà chồng. Án, quy, chỉ người con gái về nhà chồng; muội, là em gái, cũng như nói ‘người con gái’. Lý Đỉnh Tộ trong Chu dịch tập giải dẫn Ngu Phiên giảng “Quy là gả con gái về nhà chồng”. Thời Chu, tồn tại cổ tục chị em gái lấy chung một chồng, tới thời Tiên Tần vẫn còn phong tục này.
Wilhelm dịch: “Người con gái đi lấy chồng. Công việc tiến hành đem lại xui xẻo. Không có lợi”.
Theo Bạch thư Chu dịch, Trương Lập Văn dịch: “Quẻ Quy muội, chinh phạt chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm, không việc gì có lợi” (Quy muội, chinh phạt tắc hữu họa ương, vô sở bất lợi).
Vương Bật giảng: “Muội là gọi người con gái, Đoài là thiếu âm, Chấn là trưởng dương; thiếu âm mà ‘thừa’ trưởng dương, là vui mà động, là tượng ‘giá muội’ vậy” (giá muội: đứa em gái về nhà chồng).
Chấn trên Đoài dưới là thiếu nữ theo trưởng nam. Trai động mà gái đẹp, lại lấy đẹp mà động là nghĩa trai đẹp lòng với gái, gái theo trai vậy. Cũng là quẻ nam nữ phối hợp, như bốn quẻ Hàm, Hằng, Tiệm, Quy muội. Quẻ Hàm là nam nữ tương cảm, trai ở dưới gái, hai khí cảm ứng mà đẹp lòng là tượng tình cảm trai gái. Quẻ Hằng là thường, trai trên gái dưới, thuận mà động là âm dương tương ứng ở chung một nhà, là đạo xướng tùy của vợ chồng vậy. Quẻ Tiệm là quẻ gái về nhà chồng mà được chính phối, trai dưới gái đều được chính ngôi, tĩnh mà nhún thuận, tiến mà có thứ tự không loạn, nam nữ phối hợp đều được đạo. Quẻ Quy muội là quẻ gái đi lấy chồng, trai trên gái dưới là gái theo trai, là có nghĩa đẹp lòng với thiếu nữ; lấy đẹp mà động, động để lấy đẹp, đều chẳng được chính, cho nên ngôi đều chẳng đáng. Hàm thì ngừng mà đẹp, Quy muội thì động mà đẹp. Quy muội là quẻ trên đầm có sấm – vật mà động chẳng gì bằng nước vậy.
Chinh hung, vô du lợi – câu này nêu rằng trong quẻ, từ hào Hai đến hào Năm đều không được ngôi, hào Ba đã không ở ngôi giữa, không được chính, lại là âm cưỡi dương, cho nên răn là ‘tiến lên thì xấu, không có gì lợi’. Ngu Phiên giải thích: “vô du lợi, là nói về hào Ba thất chính không ứng, lấy mềm cưỡi cứng”. Lục Hy Thanh nói: “Bốn hào mất chính, cho nên ‘quy muội, chinh hung”.
Lời quẻ nói hung, không phải là phủ định chuyện ‘quy muội’, mà là người làm Dịch ‘theo tượng quẻ mà có lời răn’, nói lên người thiếu nữ về nhà chồng phải ‘chính’, sau đó sẽ được cát. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Chinh hung, vô du lợi, là lời răn quy muội”.
Chỉ vì cái đẹp mà động là chẳng đáng hay sao? Cái đẹp quấn hút tạo nên sự động. Lấy đẹp mà động khi thật sự không đáng để động thì sẽ hung, chẳng những nữ qui, dẫu đi đâu cũng không lợi.
Thoán viết: Quy muội, thiên địa chi đại nghĩa dã. Thiên địa bất giao, nhi vạn vật bất hưng; quy muội, nhân chi chung thủy dã. Duyệt dĩ động, sở dĩ quy muội dã; “chinh hung”, vị bất đáng dã; “vô du lợi”, nhu thặng cương dã.
Thoán truyện nói: Người con gái về nhà chồng, thể hiện ý nghĩa lớn của trời đất. Thiên âm địa dương mà bất tương giao thì muôn vật không thể phồn thực hưng vượng; người con gái về nhà chồng, loài người có thể ‘chung’ rồi lại ‘phục thủy’, sinh sôi mãi không thôi. Do vui mà động nên người con gái về nhà chồng; “đi lên tất có hung hiểm”, nói lên ngôi vị không thỏa đáng; “không có lợi ích gì”, nói lên âm mềm sán đến cưỡi lên dương cứng.
Chú thích: một âm một dương gọi là Đạo, âm dương giao cảm, nam nữ phối hợp là lẽ thường của trời đất. Trời đất chẳng giao thì muôn vật không sinh, có sinh thì đến trót cũng chẳng cùng, có trước thì có sau, có đầu thì có cuối, có “thủy” thì có “chung”, tối tiếp mãi không ngừng. Trai ở trên gái là âm theo dương, gái theo chồng, lấy làm tượng nữ quy.
Thiên âm địa dương, Thiên văn huấn viết: “Trời mà không tỏa ra khí âm, thì vạn vật không sống được; Đất mà không tỏa ra khí dương, thì vạn vật không hình thành. Trời tròn đất vuông, còn đạo thì ở giữa”. Đặc điểm mang tính quy luật của đạo Trời là tuần hoàn lặp đi lặp lại từ đầu. Đặc điểm mang tính quy luật của đạo Đất là ngay thẳng, không thiên lệch. Trời tròn Đất vuông là xuất phát từ tác dụng mang tính quy luật của Âm Dương.
Nhân chi chung thủy – nói lên loài người cứ đến ‘cuối – chung’ rồi ‘trở lại đầu – phục thủy’, sinh sôi mãi không thôi. Vương Bật nói: “Âm dương đã hợp, trưởng thiếu lại giao nhau, đó là nghĩa lớn của trời đất, là sự cuối đầu (chung thủy) của nhân luân”.
Duyệt dĩ động, sở dĩ quy muội dã – duyệt, chỉ quẻ Đoài dưới; động, chỉ quẻ Chấn trên, hai câu này lấy tượng quẻ trên dưới để giải thích tên quẻ Quy muội, nghĩa là trai gái tương cảm cái đẹp vui mà động là việc của thiếu nữ, cho nên lấy đẹp mà động làm ‘quy muội’. Nếu chẳng do đạo thường chính mà theo tình riêng, buông tuồng lòng dục chồng vợ khinh nhờn rối loạn, trai thì mê ở lòng dục mà mất cương, gái thì theo ở đẹp lòng mà mất thuận như quẻ Quy muội này, thì sẽ hung mà đi thì không lợi vậy.
Quẻ Tùy với quẻ Quy muội đều được cấu trúc từ hai quái Đoài và Chấn, nhưng vị trí thì đổi chỗ cho nhau, danh xưng thì đảo trước thành sau, sau thành trước – Trạch Lôi và Lôi Trạch. Động mà đẹp là quẻ Tùy, đó là dương xướng lên mà âm họa theo, trai đi mà gái theo là chính đạo, cho nên được nguyên hanh, lợi trinh. Đẹp để lấy động là quẻ Quy muội thì trái lại, âm xướng trước mà dượng họa sau, gái đi trước mà trai theo là mất chính đạo vậy.
Vị bất đáng, câu này là để giải thích lời ‘chinh hung’, chỉ các hào Hai, Ba, Bốn và hào Năm trong quẻ ngôi vị không thỏa đáng. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Ở đây, do vì hào Hai, hào Ba, hào Bốn, hào Năm ngôi vị không thỏa đáng được giải thích nghĩa là chinh hung”. Nhu chỉ về hào Ba và hào Năm, cương chỉ về hào Hai và hào Bốn. Nhu thặng cương, câu này giải thích lời ‘vô du lợi’, chỉ hào Sáu Ba trong quẻ là hào âm cưỡi lên trên dương.
Tượng viết: Trạch thượng hữu lôi, quy muội; quân tử dĩ vĩnh chung tri tệ.
Tượng truyện nói: Trên đầm lớn vang lên tiếng sấm (vui tươi mà động), tượng trưng cho “người con gái về nhà chồng”; người quân tử nhân vậy giữ gìn đạo vợ chồng lâu dài tới lúc cuối, đồng thời biết rõ rằng không thể lấy điều dâm dật mà làm cho đạo này bại hoại.
Lê Minh Anh dịch: “Trên hồ có sấm động, là hình tượng quẻ Quy muội. Quân tử theo đó hiểu được những nguyên nhân gây nên họa hại cùng sự xấu, qua đó tìm cách khắc phục để hưởng thọ lâu dài.
Chú thích: vĩnh, như nói “giữ gìn lâu dài”, câu này nói lên người ở trong hoàn cảnh này, coi tượng quẻ Quy muội, đã rõ đạo vợ chồng phải nên “giữ cho tới lúc cuối”, lại biết nên phòng ngừa sự dâm dật, không thể làm bại hoại đạo này. Tệ hoại tức là hiềm khích chia lìa, thiên hạ trở mặt với nhau là vì chẳng giữ được ‘vĩnh chung’. Chẳng những đạo vợ chồng, cả đến việc thiên hạ, chẳng có việc gì mà chẳng có tệ ở trót, chẳng có việc gì là chẳng có đạo nối tiếp lâu dài, coi quẻ Quy muội thì nghĩ đến lời răn ‘vĩnh chung’ vậy. Chu Hy nói: “Người quân tử coi cái hợp bất chính thì biết sau ắt có tệ, suy ra sự vật đều như vậy”.
Trình Di nói: “Sấm Chấn ở trên, đầm theo mà động; dương động ở trên, âm vui mà theo, là tượng nữ theo nam, cho nên là quy muội”.
Đinh Án nói: “Vĩnh là đạo vợ chồng lâu dài, ‘vĩnh’ thì sẽ có ‘chung’; ‘tệ’ là hành vi dâm dật của nam nữ; ‘tệ’ thì tất không thể ‘vĩnh’, đó là cái lý tự nhiên vậy. Nghĩ đến ‘vĩnh’ mà phòng sự ‘tệ’, là phòng răn của người ‘quân tử’ vậy”.
Khâu Kiến An nói: “Đạo hôn nhân muốn được lâu dài hay không, thì nên xét tới bởi tại lấy đẹp mà động hay không, để mà theo người là thất thân bại đức thì phần nhiều không được vĩnh chung”.
Lời quẻ nói ‘trinh hung, vô du lợi’, Đại tượng truyện nói ‘tri tệ’, hai lời này đều ngụ nghĩa răn, có thể đối chiếu với nhau.
Sơ Cửu, quy muội dĩ đệ, phả năng lý, chinh cát.
Hào Chín Đầu, người con gái về nhà chồng làm vợ lẽ, chân thọt mà cố gắng đi được, tiến lên thì được tốt lành.
Chú thích: đệ, thời xưa, em gái đưa chị về nhà chồng, rồi cùng lấy người chồng đó, người em gái đó gọi là ‘đệ’, tức là vợ lẽ. Câu này nói lên hào Chín Đầu ở thời quy muội, ở ngôi dưới cùng, trên không có chính ứng, cũng như theo chị xuất giá mà làm vợ lẽ, nhưng có người hiền dương cứng, có thể lấy ‘thiên’ giúp ‘chính’, cũng như ‘chân thọt mà đi được’, cho nên ‘trinh’ mà được ‘cát’. Dẫu có đức hiền thì làm được những gì, chẳng qua chỉ kheo ở mình để vang giúp vua mà thôi, như người què hay ‘xéo’ ý nói chẳng đi xa được, nhưng bổn phận là phải làm việc thiện.
Trình Di nói: “Dương cứng với phụ nữ là đức hiền trinh”.
Khổng Dĩnh Đạt nói: “Em gái đi theo chị làm ‘đệ’, tuy không phải là chính phối, nhưng không làm mất đạo thường, ví như chân người thọt, tuy không ngay ngắn, nhưng không phải là người bỏ đi, mà vẫn có thể đi được, cho nên nói ‘phả năng lý’ vậy. ‘Chinh cát’, ‘thiếu trưởng’ không phải là phối ngẫu, là vợ mà ‘hành’ thì hung, là ‘đệ’ mà ‘hành’ thì cát”.
Hồ Vân Phong nói: “Lời quẻ nói ‘đi thì hung’, mà lời hào Đầu nói ‘đi thì cát’, sao vậy? Lấy một quẻ mà bàn, do lấy đẹp mà động, cho nên đi thì hung. Lấy một hào mà nói, thì hào Đầu là cương ở ngôi cương, ấy là tượng con gái có đức hiền chính, cho nên đi thì cát. Con gái, lại ở dưới, không có ứng, chỉ là người đi hầu cô dâu, cho nên dẫu có đức hiền, cũng chỉ vâng giúp việc mà thôi, chẳng làm được việc lớn, nên có tượng quẻ hay xéo”.
Bạch thư Chu dịch chép: “Quy muội dĩ đệ, phả năng lợi, chính cát”.
Tượng viết: “Quy muội dĩ đệ”, dĩ hằng dã; “phả năng lý”, cát tương thừa dã.
Tượng truyện nói: “Người con gái về nhà chồng làm vợ lẽ”, đây là lẽ thường của việc hôn thú; “chân thọt mà cố gắng đi được”, nói lên sự tốt lành của hào Đầu là ở chỗ giúp đỡ người vợ cả chăm sóc chồng.
Thuyết minh: hằng, là thường; cát tương thừa dã theo Chu Dịch tập thuyết viết: “Tương thừa là giúp đỡ người vợ cả gần gũi, chăm sóc chồng”. Dụ tượng của hào Đầu ‘phả năng lý’ thật sinh động, hào này được dương cương có đức hiền chính, phận nhỏ thấp, là đệ mà về nhà chồng, thế là lẽ thường. Hồ Ái giải thích: “Có thể làm hết lẽ đạo để phối ngẫu với người quân tử, mà rộng việc nối dõi để thành được việc nhà; cũng như chân tuy lệch nhưng có thể dẫm đất mà đi, không đến nỗi tàn phế”.
Cửu Nhị, diểu năng thị, lợi u nhân chi trinh.
Hào Chín Hai, chột mà cố gắng nhìn được, lợi về sự giữ vững chính bền của bậc u tĩnh điềm đạm.
Chú Thích: diểu, theo Thuyết văn là một mắt nhỏ, ở đây chỉ người chột; năng, là liên từ như ‘nhi’ với hàm nghĩa chuyển ý (nghĩa từ giống với hào Ba quẻ Lý). Câu này ví với hào Chín Hai, nó phải gả cho người chồng bất lương, cố gắng theo chồng; u nhân là người điềm đạm u tĩnh, cũng giống với hào Hai quẻ Lý.
Hào Chín Hai ở thời quy muội, dương cứng ở ngôi giữa, có tượng nữ hiền; nhưng ứng trên với hào Sáu Năm âm nhu không chính, cho nên lấy câu ‘diểu năng thị’ để ví, hào Năm tuy bất chính mà hào Hai tự giữ u tĩnh thì có lợi.
Chu Hy nói: “Hào Chín Hai dương cứng mà được giữa, là người con gái hiền đức; trên có chính ứng, mà lại là chất âm mềm không chính. Đó là gái hiền mà lấy phải chồng bất lương, không thể hoàn thành công việc nội chợ, cho nên là tượng ‘diểu năng thị’; mà chiêm thì là ‘lợi u nhân chi trinh’. U nhân cũng là người ôm đạo, giữ chính mà không gặp thời”.
Trương Lập Văn theo Bạch thư Chu dịch dịch: “Mắt đau đã bớt nên có thể nhìn thấy mọi sự, giống như bói được quẻ người ở tù ra khỏi ngục thì có lợi”. Từ Tử Hùng giảng diểu (mắt mù) là điềm tượng thấy trong mộng của người bói quẻ, thể hiện người sắp thoát cảnh tù tội, thấy lại ánh sáng mặt trời, ông giảng u nhân tức là tù đồ.
Hồ Vân Phong nói: “Nhị thì cương trung, ứng với Ngũ là âm nhu, bất chính đó là gái hiền mà chẳng gặp được chồng. Như hào Sáu Hai quẻ Phong có đức văn sáng mà ứng với Lục Ngũ nhu ám, đó là hiền thần chẳng gặp được vua, cho nên ở quẻ Phong nói ‘giữa ngày thấy sao Đẩu’, ở quẻ Quy muội này nói ‘chột lại hay ngó’. Cửu Nhị quẻ Lý nói ‘u nhân trinh cát’, quẻ Quy muội nói ‘lợi u nhân chi trinh’, đều lấy cớ gần hào Ba vậy. Hào Ba quẻ Lý là kẻ vũ phu mà làm đại quân là không trinh, còn hào Hai Quy muội làm cái u trinh của con gái”.
Tượng viết: “Lợi u nhân chi trinh”, vị biến thường dã.
Tượng truyện nói: “Lợi về sự giữ vững chính bền của bậc u tĩnh điềm đạm”, nói lên hào Chín Hai chưa từng thay đổi đạo thường hằng của sự nghiêm giữ tiết tháo.
Thuyết minh: vị biến thường, Lai Tri Đức giảng: “Một đời cùng với người ấy, suốt đời không đổi, đây là điều hằng thường của đạo đức người phụ nữ, Nay có thể giữ sự trinh của bậc u nhân, thì không thể đổi lẽ thường”.
Người đời thường lấy sự quen nhờn làm thường, cho nên lấy trinh tĩnh làm biến thường, mà chẳng cần biết đó là đạo thường lâu, cũng như giữ được u trinh là chưa mất đạo thường chính vậy. Hào Đầu thì nói cát, hào Hai thì nói lợi; em theo chị, què hay xéo chẳng được cùng hàng, thì hiềm về sự trở mặt của vợ lớn vợ nhỏ làm rối loạn kỉ phận vì cái lợi lớn lợi nhỏ vậy.
Lục Tam, quy muội dĩ tu, phản quy dĩ đệ.
Hào Sáu Ba, người con gái sau khi đi lấy chồng mỏi cổ mong được thành vợ cả, nên quay về đợi thời, làm vợ lẽ.
Chú thích: hào Sáu Ba mất chính, cưỡi dương, có tượng mong muốn làm ‘chủ nhà’ (chính thất – vợ cả) cho nên chờ đợi; nhưng không được ngôi ấy, cũng không thể mạo hiểm chờ mãi được, nên đành quay lại chờ thời làm vợ lẽ.
Hào Ba ở trên hạ thể, làm chủ thể ‘duyệt’ vốn chẳng phải hèn, vì thất đức mà không chính ứng nên không có người ưng chựu, nên muốn lấy chồng mà chưa được. Tu là đợi, phải chờ đợi vì chưa đạt được sở thích của bản thân, hào Ba ở chẳng đáng ngôi, đức chẳng chính, nhu ở trên cương thì đi chẳng thuận, cầu lấy chồng mà động lại theo đúng ‘lễ’, trái với đạo ‘quy’, cho nên có tượng ‘phản’, chỉ cầu là con hầu mà quên mất thân phận của mình.
Vương Bật nói: “Chủ nhà hãy còn mà cầu tiến ở đó, tiến không đúng thời cho nên phải đợi; không thể tiến được nên quay lại đợi, làm ‘đệ’ mà đi”. Đi lần đầu giả tượng ‘chính thất’, phản lại đi lần sau nhập vai làm ‘đệ’.
Tượng viết: “Quy muội dĩ tu”, vị đáng dã.
Tượng truyện nói: “Con gái đi lấy chồng cầu mong được làm vợ cả”, nói lên hành vi của hào Ba không thỏa đáng.
Thuyết minh: về nghĩa chữ tu (chờ) các Dịch gia có những giải thích khác nhau. Tham khảo ba thuyết: 1. Thích văn viết: “Họ Tuân, viết là ‘nhu’, họ Lục viết ‘là người thiếp’, nay tra Bạch thư Chu dịch cũng viết là ‘nhu’; 2. Chu Hy đưa ra một thuyết khác, giải thích tu là tiện nữ, ông nói: “tu là người con gái có địa vị thấp kém, tu nữ là tiện thiếp – người đàn bà có danh vị thấp”; 3. Thượng Bỉnh Hòa căn cứ vào tư liệu Dịch Lâm cho rằng “Tu thường được chú thích là ‘râu’, chỉ mặt hào Sáu Ba có nhiều râu, hình dung đáng sợ, cho nên phải gả làm đệ”.
Đi lấy chồng mà phải đợi, vì chưa xứng đáng, chưa đáng là về đạo cư xử, về đức, về cầu quy đều chẳng đáng. Khâu Kiến An nói: “Không có người chịu lấy cho nên hào Ba đợi mà theo hào Hai. Nhưng hào Hai cương trung đã chính ứng với hào Năm, vậy mà hào Ba dám ‘cưỡi’ lên hào Hai, như vậy là hạng tỳ thiếp ti tiện, kiêu mà lấn trên, ắt hào Hai phải bỏ hào Ba. Hào Ba đành trở về dưới như hào Đầu làm ‘đệ’, mà tâm địa còn lo sợ về kiêu lấn. Chẳng đáng nhu cưỡi lên cương, tiện lấn quý vậy”.
Cửu Tứ, quy muội khiên kì, trì quy hữu thời.
Hào Chín Bốn, người con gái đi lấy chồng bị lỡ thời, dềnh dàng chưa vội, yên đợi thời cơ.
Chú thích: khiên nghĩa là vượt quá. Câu này nói lên hào Chín Bốn cứng ở ngôi mềm, dưới không ứng, ví như hiền nữ lỡ thì chưa đi lấy chồng, yên đợi người chống tốt.
Dương cương ở con gái là tượng chính đức hiền minh. Thượng thể là nơi cao, dưới không ứng là chưa lấy được chồng, đã quá thời mà chưa có chồng, đó gọi là khiên kì, sai kì hạn, trễ kì hạn. Con gái ở đất cao quý (ngôi đại thần), có tư chất hiền minh, thì nhân tình đều muốn lấy, mà phải quá lứa là vì còn đợi, đợi được người chính phối thì mới chựu đi. Dương cương ở ngôi âm, dẫu chẳng đáng ngôi, nhưng ở ngôi nhu là đạo đàn bà vậy. Lấy không ứng làm lỡ thời, mà thánh nhân suy ra lẽ lấy hiền nữ chịu lỡ thời làm nghĩa ‘chờ đợi’. Lạ thật !
Chu Hy nói: “Hào Chín Bốn lấy chất dương ở thể trên, không chính ứng, là tượng ‘hiền nữ’ không nhẹ dạ theo người, mà chịu lỡ thì để đợi ngày đi lấy chồng. Chính là tương phản với hào Sáu Ba vậy”.
Tượng viết: “Khiên kì chi chí”, hữu đãi nhi hành dã.
Tượng truyện nói: “Có tâm chí chịu lỡ thì”, nói lên sự yên đợi của hào Bốn sẽ có dịp rồi sau đi lấy chồng.
Thuyết minh: Du Viêm nói: “Lời hào nói khiên kì, mà hào truyện lại nói trực tiếp về ‘chí’, thể hiện ý ‘khiên kì’ là ở ta, chứ không phải nhẹ dạ theo người. Do đó ‘hữu đại nhi hành’, không phải là bị người bỏ vậy. ‘Hành’ theo nghĩa là xuất giá, là đi lấy chồng. ‘Thi – Tuyền thủy’ nói ‘nữ tử hữu hành’ là nghĩa đó vậy”.
Chí để lỡ thời là do để đợi mà đi, sao lại phải để quá thời? phải chăng vì tự cho rằng ta là hiền minh ở nơi cao, đưa ra những tiêu chuẩn kén chọn để đánh đổi lấy thời người con gái chăng. Hồ Vân Phong nói: “Tam và Tứ đều thất vị và không ứng. Tam thì gấp vội ở theo người mà phải làm em. Tứ thì chẳng cần theo người mới phải quá thời. Vì Tam âm nhu không trung chính, chịu làm nghĩa không có nữ đức. Tứ cương kiện chịu làm nghĩa con gái có đức hiền minh. Kẻ sỹ tự mình làm cho hèn hay quý cũng như vậy”.
Lục Ngũ, Đế Ất quy muội, kì quân chi duệ, bất như kì đệ chi duệ lương; nguyệt cơ vọng, cát.
Hào Sáu Năm, Đế Ất cho em gái về nhà chồng, y phục của người vợ chính không đẹp bằng người vợ lẽ; (đức hạnh rất cao, ví như) trăng đến ngày sắp tròn mà chưa đầy, tốt lành.
Chú thích: Đế Ất quy muội, ví như hào Sáu Năm ở ngôi cao mà lấy người thấp kém – hào Năm quẻ Thái cũng có câu Đế Ất quy muội. Đế Ất là vua đời Thương, trong Tử Hạ truyện, thì Kinh Phòng và Tuân Sảng cho là vua Thành Thang đời Thương, còn Ngu Phiên cho là cha của vua Trụ đời Thương; Quy, tức là con gái về nhà chồng, Thuyết văn chép: “quy là con gái”; Mao truyện chép: “Con gái đẻ sau gọi là muội”; quân, theo Chính tự thông thì “Chồng gọi vợ là quân”, ở đây chỉ hào Sáu Năm được gả làm chính thất (vợ cả); duệ, theo Vương Bật giảng là ống tay áo, Câu này nói lên, hào Sáu Năm ở cao ngôi tôn quý, ứng dưới với hào Chín Hai, như vua Đế Ất cho em gái đi lấy chồng; ở địa vị cao quý lấy chồng ở địa vị thấp, đức chuộng khiêm tốn, cho nên tuy ‘chính thất’ mà y phục lại giản dị, tiết ước, không đẹp như của cô vợ lẽ.
Âm ở ngôi tôn, tức là âm ở ngôi hào Năm, thường có tư tưởng ỷ mình là cao là quý mà sinh ra kiêu hãnh; cho nên lập nghĩa của hào này cũng có ý chính đính lại lẽ hôn nhân, để rõ phận trai gái, dẫu là cao quý cũng không được mất đạo nhu thuận. Nghi thức từ xưa như vậy, ống tay áo thường chuộng chứa đồ trang sức, để hình dung cho đẹp lòng người ở nơi tôn quý: đó là ‘lễ’ và đồ trang sức.
Trăng đến ngày thì đầy (tròn đầy vào ngày rằm, ngày âm 15 ~ 16 hàng tháng ), trăng là âm, ‘cơ vọng’ là chưa được đầy, từ ngày ‘sóc’ đến ngày ‘vọng’, chưa đến ngày thì nên bổ thêm vào để cho đầy; đầy thì tràn, đã qua ngày ‘vọng’ thì nên bớt đi. Trăng đầy thì âm địch lại với dương, hào Năm ngôi cao quý mà chưa đầy, đó là tượng không thái quá (với chồng), cho nên được cát. Đây là sự thủ tượng đặc biệt, nói lên ở thời ‘quy muội’, ở ngôi tôn quý mà lại khiêm, đức đẹp thịnh mà chưa tới đầy, ắt là cát.
Chu Hy nói: “Hào Sáu Năm mềm giữa, ở ngôi tôn, dưới ứng với hào Chín Hai, chuộng đức mà không chuộng sự trang sức, cho nên là tượng con gái vua đi lấy chồng mà đồ mặc không choáng lộn”.
Trình Di nói: “Mặt trăng đến ngày vọng là âm đã đầy, đầy thì đối địch đối với dương; sắp đến ngày vọng tức là chưa đến lúc đầy. Hào Năm cao sang tôn quý, thường không đến mức cực đầy, thì không quá chớn với chồng, như thế mới là tốt. Như thế là người nữ cư xử đúng với đạo cao sang tôn quý vậy”.
Bạch thư Chu Dịch chép: “Đế Ất quy muội, kì quân chi duệ, bất nhược kì đệ chí khoái lương. Nhật nguyệt kì vọng, cát”. Chi duệ theo Trương Lập Văn giảng là “người mà vua Đế Ất sủng ái”, ông dịch: “Đế Ất gả con gái cho Văn Vương, sự sủng ái đối với vợ Văn Vương không bằng sự sủng ái đối với các cô em gái; Ngày xuất giá vu quy là kì hạn của ngày trăng tròn”.
Tượng viết: “Đế Ất quy muội, bất như kì đệ chi dụy lương” dã; kì vị tại trung dĩ quý hành dã.
Tượng truyện nói: “Đế Ất cho em gái về nhà chồng, y phục của vợ chính lại không đẹp bằng y phục của vợ lẽ”, nói lên hào Sáu Năm ngôi cao mà giữ giữa không lệch, tuy cao quý mà lại giữ đạo khiêm kiệm.
Thuyết minh: Lấy việc gái về nhà chồng, lấy đạo của Vua để trình bầy về nghi thức, đều tôn chỉ quý ở việc làm, đây là đạo nhu thuận giáng khuất ở ngôi tôn lấy nhu trung làm quý, cách thức chọn lựa giữa nội dung và hình thức, đề cao lễ trước rồi tới của hồi môn đồ trang sức sau.
Sự ‘cát’ của hào Sáu Năm, là về sự khiêm nhu mà ở giữa, ở ngôi trên mà xuống với người dưới. Cho nên, lời hào nói ‘nguyệt cơ vọng’, ‘duệ’ không đẹp như của vợ lẽ, mà Tượng truyện đặc biệt nói là ‘trung’, ‘dĩ quý hành’.
Hồ Vân Phong nói: “Hào Thượng ở quẻ Tiệm lấy không ứng làm người hiền cao thượng. Hào Đầu ở quẻ Quy muội lấy không ứng làm em dâu hiền chính. Hào Hai ở quẻ Tiệm lấy chí thần chẳng ở ấm no, hào Năm ở Quy muội lấy đức vua chẳng ở trang sức, đó là vì hào Hai có đức thường lâu, còn hào Năm thì có trung đức”.
Thượng Lục, nữ thừa khuông, vô thực; sĩ khuê dương, vô huyết, vô du lợi.
Hào Sáu Trên, người con gái tay xách giỏ tre, không có gì ở trong; người con trai cầm dao giết dê, không có máu, (vợ chồng làm lễ không thành) không có gì lợi.
Chú thích: khuông, là giỏ tre; khuê là chém bằng dao, như nói ‘làm thịt’; khuê dương, là đâm dê, ở đây chỉ việc ‘vợ chồng cúng tế’. Thời xưa, giới quý tộc có tập tục hiến tế trong tông miếu, vợ chồng tế tự tổ tiên. Lễ kí – Hôn nghĩa chép: “Hôn lễ là sự hòa hiếu giữa hai họ; trên, phục sự tông miếu; dưới, có sự kế tục đời sau”. Trịnh Huyền nói: “Lễ tông miếu, bà chủ nhà dâng giỏ gạo”. Lễ kí viết: “Huyết tế thịnh khí vậy”, tục lệ của đời xưa lấy huyết để tế tự.
Hào Sáu Trên ở ngôi cuối quẻ Quy muội, ngôi cùng không nơi đi, dưới lại không ứng với hào Sáu Ba, ví như người con gái xách giỏ không đựng gì, cũng như người con trai cầm dao giết dê mà không có máu. Vợ để giữ việc thừa cúng tiên tổ, chẳng thừa cúng được thì chẳng phải vợ, việc thờ cúng mà giỏ đựng không có gì ở trong, thì lấy gì mà thờ cúng, đồng nghĩa với việc người vợ chẳng biết có trên, đã không có tôn ti trên dưới, thì đạo vợ chồng có đầu mà chẳng có cuối. Đã không có nghĩa thủy chung, thì đi được đâu để có lợi !
Lai Tri Đức nói: “Phàm vợ chồng khi tế tự, dâng giỏ mà hái rau tần, đó là việc của vợ; cắt cổ dê (lấy máu) mà để trong vạc trong mâm, đó là việc của chồng. Nay ứng với hào Ba, ở trên lại là hào âm (chính mình), không thành được vợ chồng thì không thể cung hiến đồ tế tự. ‘Vô du lợi’, nhân luân đã phế, hậu tự đã tuyệt, có lợi gì nữa? Khuê là làm thịt vậy”.
Hồ Vân Phong nói: “Chấn có tượng giỏ hư, Đoài có tượng con dê. Hào Trên và hào Ba đều là âm hư, cho nên có tượng mang giỏ không thực, cắt dê không huyết”.
Trình Di nói: “Lấy làm nữ quy, chỉ vô chung vậy”.
Tượng viết: “Thượng Lục vô thực”, thừa hư khuông dã.
Tượng truyện nói: “Hào Âm Sáu Trên giữa rỗng không đặc”, ý chỉ về tượng xách giỏ tre rỗng không.
Thuyết minh: hào Sáu Trên ở ngôi cùng cực, ví như em gái ở ngôi quá cao, không kẻ nào đi theo được. Cho nên lời hào đưa ra ý ‘vật cực tắc phản’ để răn ‘quy muội’. Giỏ không có gì ở trong, là nói không cúng tế vậy. Con gái mà không thờ cúng tổ tiên (trời trên đất dưới), thì ly tuyệt mà thôi, đây là hiện tượng người phụ nữ lấy chồng không trọn vậy.
Lý Đạo Bình nói: “Rằng ‘nữ’ rằng ‘sĩ’, lời hào thể hiện ý chưa thành được vợ chồng; trước ‘nữ’ sau ‘sĩ’, lỗi là ở vợ, cho nên lời chiêm là ‘vô du lợi’, giống với Thoán đó”.
LỜI BÀN
“Giá xuất thiếu nữ”, làm nghĩa chính của quẻ Quy muội, nói lên trai lấy vợ gái gả chồng, là nhân tố cơ bản để loài người sinh sôi nảy nở. Theo lời của Lễ kí – Giao đặc tính viết: “Trời đất hợp, sau đó muôn vật mới sinh; hôn lễ là khởi đầu của muôn vật”. Vậy mà, lời quẻ lại nói “Quy muội, chinh hung, vô du lợi”, thế là nghĩa làm sao ? Đây là lời quẻ phản ánh tính chất ràng buộc của lễ giáo thời xưa đối với người con gái nói riêng, người phụ nữ nói chung.
Người soạn Dịch đã lấy sự ‘đi lấy chồng’ của ‘em gái’ mà đưa ra lời răn, tức nhấn mạnh người con gái đi lấy chồng phải nghiêm giữ ‘chính’ đạo, lấy nhu thuận làm gốc, để làm tốt việc nội trợ (trợ giúp cái bên trong); còn nếu làm ngược lại thì tất là điềm hung.
Ý nghĩa của sáu hào đều phản ánh xoay quanh ý nghĩa của lời quẻ. Hào Đầu yên phận ngôi vợ lẽ thấp kém. Hào Hai lấy phải người chồng bất lương mà chịu ‘thủ trinh’. Hào Bốn ‘khiên kì’ chờ đợi ngày đi lấy chồng. Hào Năm ‘quý nữ’ khiêm tốn lấy chồng có địa vị thấp, được thuần ‘cát,. Bốn hào này tuy địa vị khác nhau, nhưng đều hợp với ‘phụ đức’, cho nên không ‘hung’ mà ‘cát’. Tiếp đến hào Ba và hào Trên, hào thì chịu phận kém, hào thì ở nơi cao nhất, cho nên một hào thì ‘hung’, một hào thì ‘vô du lợi’.
Ý chính của quẻ Quy muội, không chỉ gói gọn trong một việc ‘xuất giá thiếu nữ’; mà quẻ Quy muội còn đi sâu phân tích lẽ ‘thường hằng không đổi’ của Trời Đất âm dương. Chỉ rõ rằng: âm phải lấy dương làm nơi quy tụ, như vậy thì trời đất hòa hợp, muôn vật theo đó mà sinh sôi nảy nở.
(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)