Đoài: hanh, lợi trinh.
Quẻ Đoài tượng trưng cho sự vui vẻ: hanh thông, lợi về sự giữ vững chính bền.
Chú thích: Đoài: tên quẻ, quẻ trên quẻ dưới đều là Đoài, tượng trưng cho sự vui vẻ. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Đoài là vui, tức “duyệt”, quẻ dưới cũng giống vậy”. Thuyết quái nói: “Sự vui vẻ ở muôn vật không gì vui vẻ bằng ở “đầm”. Với nghĩa Đoài là quẻ tượng trưng cho Đầm, là nên lấy Đoài làm tên”.
Hanh, lợi trinh – những câu này có nghĩa, khi người ta vui vẻ thì “hanh thông” thoáng đạt ; nhưng không thể “vui” mà vướng vào “tà”, cho nên lấy “lợi trinh” để răn.
Chu Hy nói: “Đầm là lấy sự nhuận sinh muôn vật, cho nên muôn vật đều vui ; liên hệ vào việc đời, cũng như Vua lấy ân huệ nuôi dân, thì dân không đâu là không vui. Ân huệ ban ra thì dân vui, cho nên là “hanh” ; lấy sự “vui” làm cho muôn vật vui, để uy hiếp bọn xiểm tà, thì sẽ lợi về “trinh chính”, cho nên nói: Đoài, hanh, lợi trinh”.
Khâu Kiến An nói: “Phàm quẻ tam Nữ, thánh nhân phần nhiều răn lấy “trinh”, như quẻ Ly nói “lợi hanh trinh”, quẻ Tốn nói “lợi, trinh”, còn quẻ Đoài nói “hanh, lợi trinh”, đều căn cứ lấy “chính” mà nói. Đối với quẻ tam Nam thì không nói “trinh”, như quẻ Chấn nói “hanh”, quẻ Khảm nói “tâm hanh”, quẻ Cấn chỉ nói “cấn kỳ bối” mà thôi. Do vì chất âm nhu, phần nhiều có bệnh “mất chính”, mà thể dương cương thì hay tự lập vậy.”
Thoán viết: Đoài, duyệt dã. Cương trung nhi nhu ngoại, duyệt dĩ lợi trinh. Thị dĩ thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân. Duyệt dĩ tiên dân, dân vong kì lao ; duyệt dĩ phạm nan, dân vong kỳ tử ; Duyệt chi đại, dân khuyến hỹ tai.”
Thoán truyện nói: “Đoài, nghĩa là vui vẻ. Ví như dương cứng ở ngôi giữa, giữ lòng thành tín mà “nhu hòa”, “tốn thuận” trong ứng nhân xử thế thì sẽ làm cho mọi vật vui tươi và “lợi” về sự giữ vững chính bền. Vì vậy, vui vẻ cho đúng mực, tức là đã phù hợp với lẽ trời mà ứng hợp với tình người. Người quân tử, bậc đại nhân bản thân mình vui vẻ, đi trước dân trong việc không từ gian khổ, thì dân tất nhiên cũng sẽ chựu đựng được sự mệt nhọc, quên được sự vất vả ; vui vẻ dấn thân vào nguy nan, không né tránh sự khó khăn nguy hiểm, thì dân tất nhiên sẽ cũng xả thân quên mình ; Ý nghĩa của sự “vui vẻ” thật lớn thay, nó khiến cho người dân tự khích lệ mình.”
Chú thích: – cương trung, chỉ hào Chín Hai và hào Chín Năm ở ngôi giữa ; nhu ngoại, chỉ hào Sáu Ba âm mềm ở quẻ trong và hào Sáu Trên âm mềm ở quẻ ngoài. Những câu này lấy tượng các hào Hai, Ba, Năm và hào Trên để giải thích lời quẻ: “Hanh, lợi trinh”, nói nên niềm vui không làm mất cứng ở bên trong, cứng chính không làm mất vui ở bên ngoài ; trong ngoài, cứng mềm giúp nhau, không xiểm nịnh, không làm điều xấu ; thể hiện ý ở thời “duyệt” mà hanh thông, giữ được chính.
Vương Bật chú: “Duyệt mà phạm vào cương thì là xiểm nịnh, “cương” mà phạm vào “duyệt” thì là thô bạo, cứng giữa mà mềm ngoài, cho nên “duyệt dĩ lợi trinh” vậy. Cương trung cho nên “lợi trinh” ; mềm ngoài cho nên “lợi hanh”.
Thị dĩ thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân – câu này làm rõ ý nghĩa của sự “vui vẻ”, ứng hợp với lẽ trời và tình người ; trong kết cấu câu văn còn có tác dụng “tiếp trên – mở dưới”. Khổng Dĩnh Đạt chú: “Trời là đức cương mà có thể nhu, là cương mà không mất “duyệt”, nay “duyệt dĩ lợi trinh” là trên thuận với trời vậy ; lòng người vui vì ân trạch, lấy ân trạch mà làm vui được người, là dưới ứng với người vậy.”
Duyệt dĩ tiên dân, dân vong kỳ lao; duyệt dĩ phạm nan, dân vong kỳ tử – Bốn câu này phát triển thêm đạo “hân duyệt” (vui vẻ), nói nên quân tử và đại nhân, nếu bản thân vui vẻ mà đi trước dân trong việc chựu khó nhọc, lao vào hiểm nạn, thì dân tất cũng “vui vẻ” mà “quên mệt”, “quên mình”. Lã Tổ Khiêm chú: “Vào lúc vừa ý thoải mái mà vui, cũng như ở khi yên bình mà vui, thì đều không có gì là khó. Chỉ đương khi lao khổ, hoạn nạn mà vui, thì mới là cái vui chân chính. Thánh nhân nắm hiểu các điều đó mà đi trước dân, cho nên đã khiến cho dân chựu sự lao khổ mà không từ, đi vào hoạn nạn mà không sợ vậy.”
Duyệt chi đại, dân khuyến hỹ tai – ở đây là ý “tự gắng gỏi”, kết hợp với câu trước, hết lời tán dương ý nghĩa to lớn của sự “hân duyệt”. Thành Trai Dịch Truyện chú: “Khích lệ dân với dân tự gắng gỏi, ý khác nhau xa. Đó là thánh nhân nói “khuếch” lên: “duyệt chi đại, dân khuyến hỹ tai mà vậy !”.
Tượng viết: Lệ trạch, đoài ; quân tử dĩ bằng hữu giảng tập.
Tượng truyện nói: Hai đầm liền sát (nhuần thấm vào nhau), tượng trưng cho sự “vui vẻ” ; người quân tử nhân vậy, vui với bạn hiền, cùng nhau giảng giải đạo nghĩa, rèn tập học nghiệp.
Chú thích: Vương Bật chú: Lệ trạch, đoài – như nói là liền nhau, nghĩa là sát liền”. Câu này giải thích tượng quẻ trên và quẻ dưới đều là “đầm”. Trình Di chú: “Lệ trạch có nghĩa là hai đầm phụ bám vào nhau. Hai đầm bám vào nhau là tượng nhuần thấm vào nhau, đắp đổi, giúp ích cho nhau”. Giảng tập , chỉ về đạo “học vấn”, tức là giảng giải những gì còn chưa rõ, rèn tập những gì còn chưa thành thục. Nói lên người “quân tử” noi theo tượng hai đầm liền kề nhau cùng vui vẻ của quẻ Đoài, mà cùng vui với bạn bè trong việc “giảng tập” cho nhau. Khổng Dĩnh Đạt chú: “Đồng môn (cùng một cửa nhà thầy) gọi là “bằng” ; “đồng chí” (cùng một chí hướng) thì gọi là “hữu” ; bằng hữu tụ tập một chỗ, giảng tập đạo nghĩa, thịnh mà cùng vui, không có gì là quá ở đó vậy.”
Từ Tiến Trai nói “Sự đẹp trong thiên hạ, không gì bằng cùng bè bạn mà giảng tập, đẹp là cái hoàn thiện vậy. Giảng mà chẳng tập thì lời không rõ, cứu xét không được ắt phải thong thả bàn luận. Trước lấy “giảng” thì được thiết thực thể nghiệm, rồi sau “tập” thì tâm và lý cùng hàm thụ, thì cái đã biết càng thêm tinh, thân mình và sự vật đều yên, thì cái tài năng càng bền, đó mới là thực giúp mà đẹp ở chính ta mà thôi.”
Thuyết minh: Đại tương truyện lấy “bằng hữu giảng tập” để suy rộng thêm ý nghĩa của sự “hân duyệt” (vui vẻ), chính là lấy việc “trị học” để ví. Tứ Thư – Luận ngữ – Học nhi viết: “Kẻ học mà thường ngày luyện tập cho tinh thông, há không lấy đó làm vui sao? Có những bạn bè chẳng ngại đường xa đến thăm, há không lấy đó làm vui sao? “, dường như hợp với ý “bằng hữu giảng tập” của Đại tượng quẻ Đoài. Du Viêm nói” “Nếu chỉ một mình học không bạn, thì cô lậu mà ít biết. Cho nên Luận Ngữ lấy việc “học nhi bất giảng” (học mà không giảng giải cho nhau) làm “lo”, lấy việc “học nhi thời tập” (học mà thường ngày luyện tập) làm “vui”, cũng như lấy việc “hữu bằng tự viễn phương lai” (có bạn từ xa đến thăm) làm “vui” vậy”.
Sơ Cửu, hòa duyệt, cát.
Hào Chín Đầu, dựu dàng, vui vẻ với người, tốt lành.
Chú thích: Hòa duyệt, cát – câu này nói lên hào Chín Đầu ở vào thời “duyệt”, thời “vui”, lấy chất dương ở ngôi dưới, không ứng với hào Bốn, có tượng “hào duyệt”, chan hòa với mọi người ; hơn nữa lại có chất cứng khỏe, hành vi không “tà”, mọi người không có gì phải nghi ngại, cho nên “cát”.
Hào Đầu tuy là hào dương nhưng ở vị trí rất thấp, đó là ty hạ lấy “hòa thuận” làm cái đẹp. Dương cương thì chẳng hèn ở dưới cho nên hay nhún, ở nơi “vui” thì hay “hòa”.
Hồ Vân Phong nói “Người quân tử hòa mà chẳng đồng. Đồng với hòa có chỗ khác nhau, ở thể “vui” dương cương chính đó là đẹp mà chẳng theo “tà”, cho nên có tượng làm “hòa” mà lời chiêm theo nghĩa làm cát.”
Vương Bật chú: “Ở ngôi đầu quẻ Đoài, không ứng với hào nào, không bè phái gì hết, gọi là “hòa duyệt” vậy. Duyệt không ở sự xiểm nịnh, “xéo” nó mà đi, không người nghi hoặc, thế là “cát” đó.”
Tượng viết: Hòa duyệt chi cát, hành vị nghi dã.
Tượng truyện nói: Sự tốt lành của thái độ dựu dàng, vui vẻ với mọi người, nói lên hành vi của hào Chín Đầu đứng đắn mà không bị người ta nghi kị.
Thuyết minh: Hào này ở ngôi đầu, về thể thì vốn là dương cứng hòa duyệt đoan chính, nên được tốt lành. “Chiết trung” dẫn lời Sái Uyên nói “Ngôi và hào đều cứng, không “tị” với hào mềm, được vui mà chính, hòa mà bất lưu vậy.”
Có cầu mới hòa, thì vượt qua được sự gian nịnh. Hào Đầu tùy thời ở thuận lòng không hệ lụy, chỉ cầu lấy “hòa” mà thôi. Tượng quẻ hào Đầu bất trung, nên nói làm chưa ngờ vậy. Việc làm chưa đáng “ngờ” là chưa thấy có lỗi. Từ Tiến Trai nói “Không nghi nhưng có ngờ, ngờ là ngờ ở âm. Trong quẻ hào Bốn là dương, tuy có sơ với âm không hệ lụy cho nên chưa ngờ. Duy có hào Ba ngờ với hào Hai, hào năm ngờ với hào Trên vậy”.
Cửu Nhị, phu đoài, cát, hối vong.
Hào Chín Hai, thành tín mà vui vẻ với mọi người, tốt lành, hối hận mất hết.
Chú thích: hào Chín Hai ở thời “đoài”, lấy chất dương ở ngôi âm, tuy có “hối” vì “thất vị”, nhưng cứng giữa nên tin được ; thành tín mà vui vẻ được với mọi người, cho nên “cát” mà “hối vong”. Hào Hai liền với âm nhu là kẻ tiểu nhân mà đẹp lòng với nó thì có ăn năn, dẫu có “đội” hào Ba mà “tự giữ được mình” thì không lỗi. Đó là quân tử hòa mà chẳng đồng, đẹp lòng mà chẳng lỗi.
Hồ Vân Phong chú “hào Hai tin hào Năm, đó là lấy dương ở ngôi âm vốn sẵn đã có hối, mà tín với hào Năm thì cát mà “hối vong”. Hào Hai thì “hối vong” hào năm thì có nguy là nghĩa sao ? – Vì hào Ba làm chủ thể Đoài quẻ trong, cái đẹp lòng chưa tới cực. Hào Trên âm nhu làm chủ thể Đoài quẻ ngoài đã thành mà ở cực Đoài ; hào Hai liền với hào Ba mà chẳng tin hào Ba, lại đi tin hào Năm, cho nên cát. Hào Năm là Vua liền với hào Trên, lại chẳng tin hào Hai mà đi tin hào Trên âm nhu, cho nên có nguy vậy.”
Khổng Dĩnh Đạt chú “Hào Chín Hai vui không mất “trung” là kẻ có lòng thành tín ; vui mà tin được thì “cát” theo nó, cho nên nói “phu đoài, cát” vậy. Nhưng “xéo” mà mất ngôi, có lòng thành tín mà cát, do vậy mà hối mất.”
Tượng viết: “Phu đoài chi cát”, tín chí dã.
Tượng truyện nói: “Thành tín mà vui vẻ với mọi người, nên được tốt lành”, ý nói lên hào Chín Hai chí nằm ở sự thành tín trung thực.
Chú thích tín chí – ví như nói “chí của nó, tín đấy”, có nghĩa là “có lòng thành tín”. Chí còn thành tín thì sao có thể đi đẹp với tiểu nhân mà tự làm mất. Trình truyện viết “Cái để trong lòng là chí, hào Hai cứng đặc ở giữa, tức là sự thành tín để ở bên trong vậy”.
Sự “cát” của hào Chín Hai là ở chỗ “cương trung”, là đã vui vẻ với mọi người, lại có tượng trong lòng thành tín trung thực. Cung Hoán nói “Bản thân lấy lòng thành tín mà vui, ở người ta vì không có lòng thành tín mà vui càn bậy, cho nên nó được cát vậy.”
Lục Tam, lai đoài, hung.
Hào Sáu Ba, (quay) lại để cầu vui, có hung hiểm. (lai – quay lại, đến)
Chú thích lai ví như nói “quay lại để cầu”. Câu này có nghĩa, hào Sáu Ba ở ngôi cuối quẻ Đoài thể dưới, ngôi không chính, với trên không ứng, nên (quay) lại cầu hợp với hai hào dương, là hào Hai hào Đầu để được vui. Trong hoàn cảnh ở quẻ Đoài như vậy là tượng “tà nịnh” cho nên “hung”. Hào Ba chất âm nhu ở ngôi bất chính là tượng đẹp mà chẳng theo đạo, lại vì đẹp mà cầu xin đẹp. Không ngay thẳng là chẳng phải đạo, đi vào trong làm lại, trên dưới đều hào dương, một mình đi vào trong là lấy “đồng thể trong quẻ dưới”, tính âm thì đi xuống, đi xuống là thất đạo vậy.
Hồ Vân Phong nói “Là âm nhu không trung chính đi cầu đẹp ở cương, hào Đầu thì cương mà chính, hào Hai thì cương mà trung, ắt chẳng hào nào theo, cho nên hung vậy.”
Vương Bật chú “Lấy chất âm mềm “xéo” không phải ngôi, đến để cầu vui ; bất chính mà cầu vui là kẻ tà nịnh, bất trung mà cầu vui thì có hung hiểm vậy.”
Tượng viết: “Lai đoài chi hung”, vị bất đáng dã.
Tượng truyện nói: “(Quay) lại để cầu vui mà gặp hung hiểm”, nói lên ngôi hào Sáu Ba không chính đáng.
Thuyết minh sự “hung” của hào Sáu Ba là ở chỗ âm ở ngôi dương, lòng tha thiết cầu vui. Đi cầu mà không có ai “đồng thể” cùng, làm bậy mà lại đi cầu đẹp cho nên hung.
Khâu Kiến An nói “Hào Ba là nhu mà bất trung, quay lại cầu hào dương ở dưới, mới có cái hung là đẹp càn bậy. Lấy chất nhu ở ngôi cương mà chẳng đáng ngôi, đến là trở lại đi vào trong vậy.”
Lý Đỉnh Tộ nói ” Lấy chất âm ở ngôi dương, nên ngôi không thỏa đáng ; xiểm ta mà cầu vui, bởi thế nên tất phải hung.” (Tập giải)
Cửu Tứ, thương đoài vị ninh, giới tật hữu hỷ.
Hào Chín Bốn, cân nhắc về sự vui nhưng trong lòng chưa yên, nếu cắt đứt hẳn với sự “tà tật” của bạn xiểm nịnh thì thật đáng mừng.
Chú thích thương là cân nhắc, Vương Bật chú “thương là thương lượng, giới là cắt đứt” ; giới là cắt đứt, tật dụ ý chỉ tật xiểm tà của hào Ba. Câu này nói lên hào Chín Bốn dương cứng, mất chính, dưới thân kề với hào Sáu Ba nịnh bợ, âm nhu là cái dương sở thích, trên đội hào Chín Năm tôn quý, vâng theo trung chính, cho nên đắn đo về sự “vui”, trong lòng chưa yên, còn so sánh bàn bạc ở chỗ theo mà chưa quyết, thật là lãng phí thời gian !
Hai nơi giáp nhau gọi là “giới” như giới hạn, địa giới, người xưa giữ được tiết tháo thì cũng gọi là “giới”. “Giới” như vậy là giữ được chính mà xa được tà ác thì đáng mừng. Theo hào Năm ư ! đẹp với hào Ba ư ! Ngõ hầu được vua chưng dụng để hành đạo thì có phúc khánh đến cả với vật ; sự được mất của hào Bốn chưa định còn can hệ ở chỗ “theo”.
Từ Tiến Trai nói “Cái lẽ trong thiên hạ, thị phi không cùng đứng, cả hai công tư không cùng đi, ưa thiện thì ghét ác, theo chính thì xa tà, đó là sự phân biệt hành vi giữa quân tử với tiểu nhân. Nhưng trong lòng đã nghĩ tới tà, chưa biết là đã bỏ được, nếu chẳng tự mình tự “giới” để giữ lấy cương, thì rất ít có người, chẳng vì nhu tà làm lay chuyển. Một khi đã ràng buộc vào âm nhu thì thường chìm đắm ; huống hồ có tài dương cương ở gần vua, có quyền bính vậy, mà đi chạy chọt phục dịch làm thân ở kẻ dưới để cầu đẹp vậy !”.
Chu Hy chú “Hào Bốn trên thì “thừa” Chín Năm là hào trung chính, mà dưới thì “tị” với hào Sáu Ba là hào âm tà ; cho nên không thể quyết đoán mà cân nhắc chỗ nào “vui”, do đó chưa thể quyết định được ; nhưng bản thân nó vốn là dương cứng, cho nên có thể cương quyết giữ chính mà ghét bỏ kẻ nhu tà, như thế thì đáng mừng vậy.” Án, lời này của Chu Tử giải thích “tật” là “ghét bỏ”, về nghĩa cũng thông.
Tượng viết: Cửu Tứ chi hỷ, hữu khánh dã.
Tượng truyện nói: điềm mừng của hào Chín Bốn, là vì có tượng đáng chúc mừng vậy.
Thuyết minh: gọi là mừng, đó là chỉ khi giữ được chính, mà lại có vua đẹp lòng, thì mới có thể thực thi được đạo dương cương, rồi mới tới lượt phúc khánh đến cả với vật.
Trương Trung Khê nói “Hào Bốn chất cương, nếu biết “giới” tự giữ thì được thích nghi, vâng theo mệnh lệnh của hào Năm “cửu ngũ chi tôn”, vua tôi được đạo đồng cùng đẹp lòng. Hào Ba là cái bệnh nặng trong lòng vua, hào Bốn thực thi chữa bệnh, đây là việc đáng mừng vậy.”
Dương Giản cho rằng: hào Bốn lấy chất cứng ở ngôi mềm, “tị” gần hào Sáu Ba là kẻ tiểu nhân xu nịnh, trong lòng biết nó sai, mà thực lại thích nó nhu mị, cho nên đắn đo về sự vui, trong lòng tự đấu tranh không yên. Do vậy, mà thánh nhân khích lệ nó “cương quyết ghét bỏ kẻ tiểu nhân thì đáng mừng.”
Cửu Ngũ, phu vu bác, hữu lệ.
Hào Chín Năm, tin kẻ tiểu nhân âm mềm mà tiêu mòn hết đức dương cứng, (bị nó lôi kéo mà cùng vui) có nguy hiểm.
Chú thích bác là tiêu mòn, tức là theo nghĩa của câu “tiểu nhân đạo trưởng, quân tử đạo tiêu”, ở trường hợp này ví hào Sáu Trên âm nhu là kẻ tiểu nhân “bác” người quân tử là hào Chín Năm. Câu này nói lên hào Chín Năm tuy dương cứng trung chính, ở ngôi “cửu ngũ chi tôn”, nhưng lại thân kề đội hào âm Sáu Trên, bị nó lôi kéo, do đó tin kẻ tiểu nhân, rồi cùng vui với nó, cho nên “có nguy”. Sự uyên thâm trong ngôn ngữ, xảo ngôn lệch sắc của Sáu Trên thường đưa tới sự u mê, mắc vào mê hoặc giữa giả thiện và thực thiện, giữa công dân và tư dân.
Vương Bật nói: “Tị với Sáu Trên, tương đắc với nó; ở ngôi tôn, chính, không vui mà tin theo dương, lại vui mà đi theo âm, là nghĩa phu vu bác vậy. Nghĩa của bác là tiểu nhân đạo trưởng”.
Tượng viết: phu vu bác, vị chính đáng dã.
Tượng truyện nói: “Hào Chín Năm cứ tin kẻ tiểu nhân âm mềm mà tiêu mòn hết đức dương cứng”, chỉ đáng tiếc là hào này ở ngôi chính đáng mà thôi !
Chú thích: Vị chính đáng – đây là lấy ngôi chính đáng mà trách hào Chín Năm không nên tin mà bị “tiêu mòn”
Hồ Vân Phong nói “Hào Năm quẻ Đoài đồng với hào Năm quẻ Lý. Hào Năm ở những quẻ Lý, Bĩ, Trung Phu đều chính đáng ngôi, mà sao chỉ một hào này đồng với hào Năm quẻ Lý ? Đó là vì ở quẻ Lý và quẻ Đoài chẳng được ngôi. Hào Năm quẻ Lý thì phàm việc đã thấy rồi, nước đã tới chân rồi mới quyết, cho nên tuy chính cũng nguy ; hào Năm quẻ Đoài thì thân mật với tiểu nhân bất chính nên cũng nguy.”
Khổng Dĩnh Đạt chú “Với ngôi chính đáng, nên tín nhiệm người quân tử, thì lại đi tin kẻ tiểu nhân, cho nên lấy (ý) đương vị để trách nó vậy.”
Thuyết minh: sự “lệ” của hào Chín Năm là ở chỗ sự “vui” của nó có chính đáng hay không. Hồ Bính Văn nói “Sự cảm người của lẽ vui là đáng sợ nhất, kẻ bị cảm sẽ bị tiêu mòn, huống hồ là bậc vương giả rất dễ bị cuốn hút vào những việc vui ? Cho nên tuy là thánh nhân, mà lại sợ lời nói khéo và sắc đẹp, huống hồ người quân tử ?”
Thượng Lục, dẫn đoài.
Hào Sáu Trên, dụ dỗ người ta cùng vui.
Chú thích dẫn là dụ dỗ. Câu này có nghĩa hào Sáu Trên lấy chất âm, ở ngôi cuối quẻ Đoài thể ngoài, là chủ sự vui của cả quẻ, vui quá không thể tự thôi, cho nên có tượng: dụ dỗ hào Năm hào Bốn, là hai hào dương, để cùng vui.
Ở quẻ khác đến cực thì biến, mà ở quẻ Đoài lại làm đẹp, làm vui cho đến cực càng vui, càng đẹp. Hào Trên làm chủ quẻ “vui” đã thành, vui đẹp đã cực mà còn khéo dài, cũng không nói đến “hối, cữu”, sao vậy ? Đã vui đẹp tới cực mà chẳng biết thôi, biết biến, là chưa thấy được cái vui cái đẹp có thiện có ác, lại cưỡi lên trên Vua trung chính không thể thi hành điều tà duyệt, nên có tượng vậy.
Ngô Lâm Xuyên nói “Vui đã tới cùng thì nên thôi, vì lạc bất khả cực. Âm nhu chỉ biết lấy cái vui đẹp để làm việc ở môi trường đã đẹp, đã cực mà còn kéo dài, đây phải chăng sự vui của quân tử ?”
Chu Hy chú “Hào Sáu Trên là chủ làm thành cuộc chơi vui, lấy chất âm ở chỗ cùng cực thể “vui” (duyệt), dụ dỗ dưới cùng vui với nó, mà không hẳn là theo hào nào, cho nên hào Chín Năm nên răn, mà hào Năm này không nói cát hay hung.”
Vương Bật chú “Giải thích chữ dẫn là “dẫn dắt”, nói hào Sáu Trên tất “thể hiện sự dẫn dắt, sau đó mới vui.” Có thể coi đây là một thuyết để chú giải Dịch.
Tượng viết: Thượng Lục “dẫn đoài”, vị quang dã.
Tượng truyện nói: hào Sáu Trên “dụ dỗ người khác cùng vui”, nói lên đạo vui vẻ chưa thể sáng lớn.
Chú thích vui đã cực lại còn kéo dài là lòng vui chẳng thôi, nhưng sự lý đã quá thực không có chỗ để vui nữa. Việc có thực ắt có sáng lạn. Mao Phác nói “Sở dĩ là Đoài, là ở hào Ba và hào Trên. Hào Ba là quẻ Đoài thể trong, cho nên nói “lai” ; hào Trên cũng là Đoài nhưng thể ngoài, cho nên nói “dẫn”.” Hào Ba lấy nhu ở ngôi cương làm chủ thể trong, hào Trên lấy nhu ở ngôi nhu làm chủ thể ngoài. Cái ác của “lai đoài” dễ thấy dễ biết, cho nên nói “hung”. Cái tình của “dẫn đoài” khó biết khó thấy, cho nên đáng răn sao ?.
Hồ Vân Phong nói “Phàm là âm hào, thì đều nói “dẫn”. Như hào Hai quẻ Tụy nói “dẫn cát”, dẫn hạ hào Hai cho nên cát. Hào Trên quẻ Đoài dẫn hai hào dương mà vui, dẫn đó là để “đẽo” vậy”. Hào Năm nói có nguy, hào Trên chẳng nói “hung” vậy.”
LỜI BÌNH
“Hân duyệt” là trạng thái thường có của nhân tình: lời hát nhẹ nhàng thì vui tai, cảnh đẹp thì vui mắt, không khi nào lại không như vậy. Đạo “hân duyệt” được nói tới trong quẻ Đoài lại nhấn mạnh ý lấy “cương trung nhu ngoại” làm vui, có nghĩa là “cứng là gốc của mềm”, vui mà không mất chính.
Lời quẻ đã nói, khi người ta vui vẻ thì sẽ hanh thông, lại nói vui vẻ thì phải nên giữ vững chính bền, là để nói rõ ý này.
Sáu hào trong quẻ, đều là nhu mị mà nên vui, là tượng bị phủ định ; nhưng tình trạng của bốn hào dương lại không giống nhau: hào Đầu thì cương chính hòa duyệt, hết sức “cát” ; hào Hai thành tín mà vui, “hối vong” cũng “cát” ; hào Bốn đắn đo lựa chọn sự vui, “hữu hỷ” ; hào Năm ở ngôi chí tôn mà tin ở kẻ tiểu nhân, thì “nguy lệ” là lời răn sâu với nó.
Ý lớn của toàn quẻ không hào nào không nói lên: dương cứng không liên quan gì với âm mềm, xưa nay nó vốn kiên trì với chính đức, và đã cắt đứt với sự tà xiểm, nên mới thành được sự “hân duyệt” tuyệt mỹ ; ngược lại, nếu nó thiên bám vào chính đức, vui vẻ một cách càn bậy, thì bất luận là làm cho người vui hay do người mà vui, đều sẽ đưa đến “hung cữu”.
Có thể thấy, sự “hân duyệt” được khẳng định trong Dịch, là đứng trên một chuẩn mực đạo đức rõ ràng. Dường như theo với nghĩa của Mạnh Tử – Cáo Tử Thượng: “Là nghĩa khiến lòng ta vui sướng, giống như miếng thịt ngon làm ta vui miệng.”, hay như Trương Vị nói trong Xuất sơn thi rằng: “Người quân tử như núi xanh, (nhưng) làm vui lòng ta không phải ở thái độ “đầu mày cuối mắt”, cũng hợp với lẽ “hân duyệt” này của quẻ Đoài.
(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)