Luận về Tỳ Hà Ngọc trong khoa Tử vi

26/08/2020 502

Bài viết Luận về Tỳ Hà Ngọc trong khoa Tử vi. Mời các bạn đọc tham khảo.

Tâm lý chung của nhiều người khi nghiên cứu về khoa Tử Vi là thường chỉ chú tâm đến những bộ sao chính như Tử Phủ Vũ Tướng, Sát Phá Liêm Tham hoặc Cơ Nguyệt Đồng Lương v.v… Thật ra những cách đơn giản như Cự Kỵ, hoặc các bộ sao nhỏ như Thai Phục Vượng Tướng mà chúng ta sẽ bàn đến cũng cho chúng ta thấy một số mẫu người có những nét rất đặc biệt trong cuộc đời, nếu không muốn nói là những cách, những bộ sao nhỏ này đôi khi còn ảnh hưởng sâu đậm hơn và chi phối mạnh mẽ hơn trên cuộc đời của đương số. Và trước khi phác họa những nét đặc biệt cũng như những điểm giống nhau và khác nhau của hai mẫu người Cự Kỵ và mẫu người Thai Phục Vượng Tướng, chúng ta hãy bàn qua bản chất của mỗi sao trong hai cách này.

Trước tiên, Cự Môn thuộc nhóm Bắc Đẩu tinh, hành Thủy, miếu địa ở Mão, Dậu, vượng địa ở Tí, Ngọ và Dần. Về ý nghĩa thì Cự Môn là cái miệng, và chúng ta đã biết, con người sống cũng nhờ cái miệng, chết cũng vì cái miệng, được người thương cũng do cái miệng, bị người ghét cũng bởi cái miệng của mình mà thôi… Ngoài ý nghĩa trên, nếu Cự Môn tọa thủ tại những vị trí miếu, vượng thì Cự Môn còn là biểu tượng của sự giàu sang, thông minh, cơ trí, có khiếu ăn nói, có tài hùng biện, thích hợp với các ngành ngoại giao, giao thiệp, dạy học, luật sư… Chẳng hạn nếu thấy lá số của con cái mình có cách Cự Hổ Tuế Phù, là gồm các sao Cự Môn, Bạch Hổ, Tuế Phá và Thiên Phù hội họp với nhau thì nên khuyến khích cho con cái đi vào ngành luật, vì tương lai chắc chắn sẽ trở thành những luật sư tài giỏi. Nhưng ngược lại, nếu Cự Môn rơi vào những nơi hãm địa thì đã không tài giỏi lại thiếu suy nghĩ, cứ mở miệng ra là bị người ta ghét và suốt đời chỉ gặp toàn là những chuyện thị phi khẩu thiệt mà thôi.

Ý nghĩa thứ hai, Cự Môn là viên ngọc. Chẳng hạn, Cự Môn ở Tí Ngọ là cách Thạch Trung Ẩn Ngọc, có nghĩa là ngọc còn ẩn trong đá, Cự Môn gặp Thái Dương là cách Cự Nhật, là ngọc lấp lánh dưới ánh mặt trời, và Cự Môn gặp Hóa Kỵ là cách Cự Kỵ mà chúng ta đang bàn đến, còn gọi là Tì Hà Ngọc, có nghĩa là ngọc bị tì vết.

Sao thứ hai của cách này là Hóa Kỵ, một ám tinh với nhiều tính xấu như độc hiểm, ích kỷ, ghen tuông, tai tiếng, thị phi, kiện cáo, tai họa, bệnh tật, nông nổi và hay lầm lẫn… Với bản chất như vậy, cho nên Hóa Kỵ đã làm cho viên ngọc Cự Môn thành tì vết, nhưng Hóa Kỵ cũng có một điểm tốt là giữ được của.

 

Cách Cự Kỵ không có gì đáng nói đối với nam mệnh, ngoài những nét tổng quát là cuộc đời nhiều thất bại, lại thường hay bị nhiều điều thị phi khẩu thiệt, tai nạn về xe cộ hay sông biển, mà cách này chỉ đáng lưu ý hơn đối với nữ mệnh. Khi gọi cách Tì Hà Ngọc thì chữ ngọc hàm ý chỉ vào phái nữ, hay nói rõ hơn là vấn đề trinh tiết, phẩm hạnh của một người đàn bà, cho nên mẫu người Cự Kỵ mà chúng ta nói đến là bàn nhiều đến lá số của những người đàn bà có cách Cự Kỵ.

Khi lá số của một nữ mệnh có Cự Môn tọa thủ và có Hóa Kỵ đồng cung, xung chiếu hay hợp chiếu thì ít nhiều cũng có điểm bất lợi. Ở đây chúng ta phải lưu ý một điều là khi luận đoán một lá số của nữ mệnh mà có những cách như Cự Kỵ, Tham Kỵ, Đào Kỵ hay Thai Phục Vượng Tướng mà chúng ta sẽ đề cập tiếp theo, thì sự cân nhắc nặng nhẹ phải hết sức thận trọng, vì vấn đề sẽ liên quan đến danh tiết và phẩm hạnh của một người đàn bà. Do đó, chúng ta nên phân biệt rõ ràng mỗi trường hợp sau đây.

Trường hợp lá số của một người đàn bà mà cung Mệnh có Cự Môn miếu vượng tọa thủ và gặp Hóa Kỵ, chúng ta phải quan sát thêm ở cung Mệnh và các cung chính khác như cung Thân, cung Phúc, cung Phu, cung Quan, cung Nô… để xem nếu có những sao xác định nết đoan chính như Thái Dương, Tứ Đức… hoặc những sao khắc chế tính lẳng lơ như Hóa Khoa, Thiên Hình… thì Cự Kỵ ở đây nhẹ là những người thường hay gặp các hoàn cảnh khiến cho mình bị những tai tiếng thị phi hoặc dễ bị người khác hiểu lầm, đánh giá sai lầm phẩm hạnh của mình mà có những lời nói, cử chỉ xúc phạm, sách nhiễu tình dục (sexual harassement). Mức độ nặng hơn, nếu gặp những sao như Thiên Hình, Kiếp Sát… thì có thể vì bệnh tật mà phải mổ xẻ, như cắt bỏ buồng trứng, tử cung v.v… Hoặc có thể là những tai nạn về xe cộ và đáng kể nhất là những tai họa về sông biển như một số người đã gặp trên đường vượt biển trong những năm về trước. Như vậy, trong trường hợp này, viên ngọc của cách Tì Hà Ngọc vốn là một viên ngọc sáng, nhưng vì hoàn cảnh mà rơi xuống bùn nên vấy bùn, hoặc bị lăn xuống đường nên có tì vết, đó là ngoài ý muốn, là tai nạn của đương số mà thôi.

Trường hợp nếu Cự Môn tuy là miếu, vượng mà gặp Hóa Kỵ, lại còn được sự hỗ trợ của các sao có tính lãng mạn, như Văn Xương, Văn Khúc, Hồng Loan hoặc lẳng lơ, ham chuộng vật chất, nặng phần tình dục như Tham Lang, Đào Hoa, Thiên Riêu v.v… thì những gì không tốt xảy ra cho đương số là do bản tính chứ không phải là những rủi ro, tai nạn, và hoàn cảnh chỉ là những trợ lực thúc đẩy thêm mà thôi. Chẳng hạn, nữ mệnh có cách Cự Kỵ lại gặp thêm Đào Hồng thì làm sao mà giữ được trinh tiết cho đến ngày lên xe hoa, và khi đã có gia đình thì một đời cũng đau khổ vì tình hoặc phải lo buồn vì chồng con, dù cho họ có một cuộc sống vật chất đầy đủ, dù cho họ cũng có địa vị trong xã hội, là những mệnh phụ phu nhân… Trường hợp này có thể ví như mẫu người của Vương Thúy Kiều, ở cái thời xa xưa đó, với xã hội phong kiến đó, mà nửa đêm thân gái một mình vào nhà Kim Trọng đánh đàn, thì làm sao trách được sự đánh giá nghiêm khắc của người sau: Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm. Và như vậy, viên ngọc của cách Tì Hà Ngọc trong trường hợp này là một viên ngọc vốn đã có vết, có bọt ngay từ trong lòng đất, chứ không phải do tay người dũa ngọc hay người chủ của viên ngọc.

Trường hợp nữ mệnh có Cự Môn hãm địa tọa thủ mà không được Tuần, Triệt án ngữ hay được các sao “đoan chính” hóa giải phần nào thì đây là một mẫu người đặc biệt. Là mẫu người có một bề ngoài mà ai mới gặp cũng thấy yêu thích, nhưng khi tiếp cận lâu dài thì mới thấy rõ con người thật được che đậy vốn là một người đàn bà chua ngoa, ghen tương, đố kỵ đủ điều… Và nếu đi kèm với một ám tinh Hóa Kỵ nữa thì ba chữ Tì Hà Ngọc thật là đúng nghĩa!

Khoa Tử Vi cũng cho rằng, cách Cự Kỵ dù tọa thủ tại cung Mệnh hay các cung chính yếu khác như cung Phúc Đức, cung Quan Lộc, cung Tài Lộc hay cung Phu Thê cũng còn nói lên sự bất ổn trong cuộc sống tình cảm của đương số. Lá số có cách Cự Kỵ một đời khó lòng chỉ có một mối tình hay chỉ một cuộc hôn nhân, chuyện gãy đổ, chắp nối hay sống với nhau theo kiểu già nhân ngãi, non vợ chồng là chuyện bình thường của mẫu người này, nếu không được những sao hóa giải. Các trở ngại hay đổ vỡ trong tình cảm thường là do sự khắc khẩu, ảnh hưởng của Cự Môn, và tính ghen tuông cũng như lòng ích kỷ quá nặng, ảnh hưởng của Hóa Kỵ.

Tóm lại, cách Cự Kỵ không tốt cho cả nam mệnh và nữ mệnh, nhưng đối với nữ mệnh thì sự ảnh hưởng nặng nề và tai hại hơn trong lãnh vực trinh tiết và phẩm hạnh của đương số. Nói chung, nữ mệnh mà gặp cách Cự Kỵ thì cuộc đời chắc chắn là một kiếp phong trần, chỉ khác nhau ở mức độ nặng nhẹ mà thôi. Nhưng ở đây, chúng ta đừng quên một trường hợp đặc biệt, cách Cự Kỵ lại rất tốt cho những người tuổi Quý và tuổi Thân, khoa Tử Vi Đẩu Số gọi là phản vi kỳ cách, có nghĩa là từ xấu trở thành tốt vì có sự ứng hợp.

Nguồn TuviGLOBAL

Bình luận