Khái niệm về Âm dương ngũ hành (Phần 1)

19/08/2020 1283

Bài viết Khái niệm về Âm dương ngũ hành (Phần 1). Mời các bạn đọc tham khảo.

Âm dương ngũ hành chính là tên gọi chung của “âm dương” và “ngũ hành”. Trong triết học cổ đại Trung Quốc, âm dương trước hết chỉ hai bộ phận đối lập nhau trong nội bộ nguyên khí; ngũ hành là chỉ quan hệ tỉ lệ khác nhau giữa hai bộ phận nói trên, được hình thành do sự thay đổi thịnh suy theo bốn mùa trong một năm, khiến cho nguyên khí bộc lộ 5 tính chất khác nhau.

Âm dương ngũ hành Trong triết học cổ đại Trung Quốc, âm dương trước hết chỉ hai bộ phận đối lập nhau trong nội bộ nguyên khí

Âm dương ngũ hành Trong triết học cổ đại Trung Quốc, âm dương trước hết chỉ hai bộ phận đối lập nhau trong nội bộ nguyên khí

Âm dương ngũ hành:

Tên gọi chung của “âm dương” và “ngũ hành”. Trong triết học cổ đại Trung Quốc, âm dương trước hết chỉ hai bộ phận đối lập nhau trong nội bộ nguyên khí; ngũ hành là chỉ quan hệ tỉ lệ khác nhau giữa hai bộ phận nói trên, được hình thành do sự thay đổi thịnh suy theo bốn mùa trong một năm, khiến cho nguyên khí bộc lộ 5 tính chất khác nhau. Cổ nhân cho rằng nguyên khí là cơ sở của tự nhiên và xã hội, cho nên khí âm dương ngũ hành cũng là cơ sở của tự nhiên và xã hội. Học thuyết âm dương ngũ hành cho rằng âm dương ngũ hành có quan hệ đối ứng chặt chẽ với bốn mùa, phương vị, âm luật, thiên can địa chi, mười hai tháng, trong đó chủ yếu là chính ngũ hành, trường sinh ngũ hành, nạp âm ngũ hành. Do các quan hệ này mà vũ trụ liên kết thành một chỉnh thể hữu cơ. Do đó, học thuyết âm dương ngũ hành trở thành cơ sở của văn hóa thần bí Trung Quốc.

Âm dương gia:

Một trong chín trường phái thời Xuân Thu Chiến Quốc. Nhân vật của thời Chiến quốc lá Trâu Diên, v.v… bao gồm học thuyết âm dương, bốn mùa, tám phương vị, mười hai độ, 24 tiết và thuyết ngũ hành ngũ đức chung thủy. Các thứ độn giáp, lục nhâm, trạch nhật (chọn ngày tốt), chiêm tinh sau này đều theo quan điểm của Âm dương gia

Âm dương gia do các quan coi tượng trời thời cổ đại diễn biến mà nên, dùng tượng trời để dự đoán nhân sự, nhắc nhở giai cấp thống trị thuận theo đạo trời. Âm dương gia cho rằng sự thay đổi thời tiết của giới tự nhiên và quy luật sinh trưởng của cây trồng đều chịu sự chi phối bởi sự thịnh suy của âm dương và ngũ hành. Sự hưng suy của các vương triều cũng bị quyết định bởi “âm dương tiêu tức” và “ngũ đức chuyển di”. Họ đã tích lũy được vốn tư liệu phong phú về âm dương tiêu trưởng và ngũ hành sinh khắc, đã luận chứng một cách tương đối khách quan về bản tính và tác dụng qua lại giữa các sự vật. Nhưng họ đem gộp xã hội loài người với thế giới tự nhiên là một, dùng sự biến đổi của giới tự nhiên để so sánh, làm ẩn dụ cho sự cát hung của nhân sự, là phi khoa học. Âm dương gia hưng thịnh từ thời Chiến quốc đến thời Lưỡng Hán, sau đó suy dần. Nho gia, Đạo gia đều hấp thu lý luận của nó, các trước tác của nó đều thất truyền.

Thuyết âm dương:

Học thuyết của âm dương gia cổ đại. Nội dung chủ yếu là luận về quy luật biến đổi của âm dương ngũ hành. Từ đó dự đoán hoặc giải thích cát hung họa phúc và sự thay đổi phát triển của xã hội loài người. Thuyết âm dương cho rằng vạn vật trời đất đều do 2 khí âm dương hợp thành, nhưng sự hợp thành đó không phải là cố định bất biến, mà nó không ngừng tiến triển, sự biến hóa của âm dương là có quy luật. Âm thịnh là thủy, đóng ở phương Bắc; dương thịnh là hỏa, đóng ở phương Nam; khí dương khi dần thịnh là mộc, đóng ở phương Đông; khí âm khi dần thịnh là kim, đóng ở phương Tây; âm dương điều hợp là thổ, đóng ở trung ương.

Do vậy sự hợp thành khác nhau của âm dưong sẽ tạo nên ngũ hành là thủy, mộc, hỏa, kim, thổ. Sự tương sinh tương khắc của 5 chất này tạo nên 4 mùa trong năm và sự thay đổi sinh diệt của vạn vật. Khi khí dương dần thịnh, vạn vật sinh trưởng, mộc phương đông là chủ, lúc ấy là mùa xuân. Khi khí dương cực thịnh, vạn vật tươi tốt, hỏa phương nam là chủ, lúc ấy là mùa hạ. Khi dương suy, âm dần thịnh, vạn vật tiêu điều, kim phương tây làm chủ, lúc ấy là mùa thu. Khi âm cực thịnh, vạn vật xác xơ tàn úa, thủy phương bắc làm chủ, lúc ấy là mùa đông. Sự phát triển của xã hội loài người cũng bắt nguồn từ sự thay đổi của âm dương ngũ hành, sự thay đổi của vương triều ắt tuần hoàn theo “ngũ đức chung thủy”, do vậy giai cấp thống trị cần “xét thời luận sự”.

Mùa xuân và mùa hạ, khí dương làm chủ, thì phải dùng đức để cai trị; mùa thu và mùa đông, khí âm làm chủ, ắt phải dùng hình phạt, không thể hành động trái với thời. Thuyết âm dương cho rằng, thuận theo sự thay đổi âm dương mà thực thi chính sách, thì trời quang mây tạnh, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Ngược lại, mùa màng thất bát, nước tan vua chết. Thuyết âm dương là một hệ thống mâu thuẫn, pha tạp giữa khoa học với vu thuật. Ở một số phương diện, nó có thể đi từ bản tính và tác dụng qua lại của sự vật khách quan mà chứng minh sự thay đổi của giới tự nhiên. Mặt khác nó lại đem pha tạp tự nhiên và xã hội, dùng sự thay đổi của tượng trời làm ẩn dụ về sự phát triển lịch sử và cát hung của loài người.

Ầm dương học:

Triều Nguyên căn cứ theo lệ của Nho học, Y học mà thiết lập Quan học. Triều Minh làm theo, lập ra Học quan âm dương, mỗi phủ bổ một người làm Chính thuật, mỗi châu một người làm Điển thật, mỗi huyện một người làm Huấn thuật. Học quan âm dương đảm trách việc xem thiên văn, dự đoán thời tiết, bói sao và dạy học trò, những người theo học nghề này gọi là âm dương sinh.

Âm dương:

Ý nghĩa thoạt tiên là chỉ việc quay mặt hay quay lưng về phía mặt trời, quay mặt là dương, quay lưng là âm. Về sau dùng để biểu thị khí âm và khí dương tồn tại trong giới tự nhiên, tiến tới mở rộng ý nghĩa, dũng để giải thích hai loại trạng thái hoặc thuộc tính đối lập nhau, cùng tồn tại trong mọi sự vật hiện tượng. Chu dịch, Hệ từ có câu : “Càn là vật dương, Khôn là vật âm” và “quẻ dương lẻ, quẻ âm chẵn”. Phàm những thứ như nam, động, nóng, ở trên, hướng ngoại, sáng, tiến tới, số lẻ là dương; những thứ như nữ, tĩnh, lạnh, ở dưới, hướng nội, tối, thụt lùi, yếu ớt, số chẵn là âm. Âm dương còn dùng làm tỉ dụ về quan hệ xã hội, như quân thần, quan dân, quân tử, tiểu nhân, vợ chồng Trung y thì dùng âm dương phân biệt tạng phủ kinh lạc, làm căn cứ để chẩn đoán và trị bệnh. Trong bát quái dùng ký hiệu “ – – ” biểu thị âm, ký hiệu “ ” biểu thị dương. Dịch truyện viết : “Một dương một âm gọi là Đạo”. Lão tử viết : “Vạn vật gánh âm mà ôm dương”. Hoàng đế. Tố vấn, Âm dương ứng tượng đại luận viết: “Âm ở trong, dương phải giữ, dương ở ngoài, âm sai khiến” đã khái quát qui luật phát triển của hai mặt đối lập thống nhất là âm dương tương hỗ.

Âm:

Khái niệm triết học thời cổ đại, nếu so với “dương”, thì nó là một trong hai nguyên tố cấu thành mọi chất. Phái Âm dương gia cho rằng sự thay đổi và phát triển của mọi sự vật đều do sự tiêu trưởng của hai nguyên tố âm dương tức hai khí âm dương tạo nên. So với dương, âm là phương diện thứ yếu trong sự hình thành và phát triển của sự vật. Trong giới tự nhiên, trời là dương, đất là âm; xuân hạ là dương, thu đông là âm; mặt trời là dương, mặt trăng là âm; cương là dương, nhu là âm. Xã hội loài người cũng vậy, mọi sự vật đều có hai mặt đối lập, mà âm là một trong hai mặt đó, như vua là dương, quan là âm, cha là dương, con là âm, chồng là dương, vợ là âm.

Dương:

Khái niệm triết học cổ đại, nếu so với “âm”, thì nó là một trong hai nguyên tố cấu thành mọi chất. Phái Âm dương gia cho rằng sự thay đổi và phát triển của mọi sự vật đều do sự tiêu trưởng của hai nguyên tố âm dương tức hai khí âm dương tạo nên. So với âm, dương là phương diện chủ yếu trong sự hình thành và phát triển của sự vật. Trong giới tự nhiên, trời là dương, đất là âm; xuân hạ là dương, thu đông là âm; mặt trời là dương, mặt trăng là âm; cương (cứng) là dương, nhu (mềm) là âm. Xã hội loài người cũng vậy, mọi sự vật đều có hai mặt đối lập, mà âm là một trong hai mặt đó, như vua là dương, quan là âm, cha là dương, con là âm, chồng là dương, vợ là âm.

Hai khí âm dương:

Còn gọi là “hai khí”. Hai khí trong vũ trụ là nguyên tố cấu thành vạn vật. Cổ nhân cho rằng hai khí âm dương hợp với nhau, tạo nên vạn vật. Nếu hai khí hòa hợp, phối hợp thích đáng, vận hành trôi chảy, thì vạn vật sẽ có trật tự, mưa thuận gió hòa. Nếu hai khí sai vị trí, vận hành không trôi chảy, ắt sẽ có biến, thời tiết thất thường, gây ra tai họa. Do đó, căn cứ tượng trời có thể dự đoán họa phúc sắp tới. Hai khí âm dương của giới tự nhiên có quan hệ mật thiết với nhân sự, nếu nhân sự không hợp với tượng trời, hai khí âm dương rối loạn, sẽ gây ra tai họa cho con người.

Âm dương tiêu tức:

Học thuyết của Âm dương gia về qui luật thay đổi của âm dương. Tiêu nghĩa là diệt, Tức nghĩa là sinh. Âm dương tiêu tức nghĩa là âm dương sinh diệt. Sử ký, Mạnh Tuân truyện viết: Trâu Diễn “xem xét kỹ sự tiêu diệt, sinh trưởng của âm dương mà viết ra việc chuyển biến lạ lùng, viển vông. Âm dương gia cho rằng trời đất vạn vật đều do hai khí âm dương hợp nhau mà thành, nhưng sự mạnh yếu của hai khí âm dương luôn thay đổi, sinh diệt không ngừng. Ngũ hành tức là năm phương thức hợp thành khác nhau của âm dương, thủy ở phương bắc, khí âm cực thịnh, khí dương tiềm phục; mộc ở phương đông, khí dương bắt đầu động; hỏa ở phương nam, khí dương cực thịnh, khí âm tiềm phục; kim ở phương tây, khí âm mạnh dần; thổ ở trung tâm.

Âm dương tiêu tức tạo thành ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, sự tương sinh tương khắc của ngũ hành lại tạo nên sự thay đổi của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cùng sự sinh diệt của vạn vật. Cùng liên hệ với sự thay đổi của âm dương ngũ hành, sự phát triển của xã hội con người cũng xoay vần tuân theo ngũ đức chung thủy, giai cấp thống trị cần thuận theo sự thay đổi của tự nhiên, cần “xét thời mà cai trị”. Âm dương gia cho rằng sự thay đổi của tự nhiên có quy luật nhất định cần tuân theo “dương cực sinh âm, âm cực sinh dương”, từ đó có thể dự đoán được sự thay đổi của các vương triều.

Âm dương thuận tự:

Chỉ hai khí âm dương hòa hợp. Âm dương gia cho rằng vạn vật trong thế gian đều do hai khí âm dương tạo nên, hai khí hòa hợp, diễn biến thích đáng, thì mọi vật tốt đẹp. Khí ngũ hành thuận, thì trên thế gian mọi việc bình thường, mưa, gió, nóng, lạnh sẽ đúng kỳ hạn của nó, chính trị ổn định, quốc thái dân an.

Âm dương nghịch thố:

Chỉ hai khí âm dương không hòa hợp. Thay đổi trái thời, hoặc dương thắng hoặc âm thắng. Âm dương nghịch thố tất dẫn đến nghịch khí ngũ hành, vạn vật trong thế gian sẽ mất ổn định, sẽ xuất hiện những điềm xấu về tai họa, bệnh tật, quái dị; mưa, gió, nóng, lạnh sẽ không đúng kỳ hạn của nó, dẫn đến cảnh nước mất nhà tan.

Âm chính:

Cổ nhân lấy xuân hạ làm dương, thu đông làm âm. Xuân hạ là thời kỳ vạn vật sinh trưởng, cho nên không thể dùng binh, hành hình, làm trái đạo trời. Thu đông là thời kỳ vạn vật điêu tàn, có thể dụng binh, hành hình cho thuận đạo trời, bởi vậy việc luyện tập binh mã, xét xử hành hình đều được tiến hành vào hai mùa thu đông, gọi là âm chính. Nếu luyện tập binh mã, xét xử hành hình được tiến hành vào hai mùa xuân hạ, thì bị coi là vi phạm thời lệnh, “âm chính phạm khí dương”, không thuận đạo trời, sẽ bị trời phạt.

Thuyết hành hình hợp thời lệnh:

Giai cấp thống trị phong kiến căn cứ lí luận chuyển hóa âm dương ngũ hành mà đặt ra pháp chế. Âm dương gia cho rằng trong trời đất có hai khí âm dương, sự sinh diệt của âm dương tạo thành sự biến đổi bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Dương bắt đầu vào mùa xuân, thịnh vào mùa hạ, do đó trong hai mùa này vạn vật sinh trưởng, phát triển, thể hiện rõ đức hiếu sinh của trời đất. Xuân vui hạ mừng, thuận ứng ý trời, giai cấp thống trị lúc này cần ra sức giáo hóa lễ nhạc, ban bố rộng rãi nhân nghĩa, khiến trăm họ vui mừng. Phải tránh thi hành án tử hình để khỏi làm tổn thương khí dương và trái với ý trời. Như vậy xuân hạ là thời lệnh không hành hình. Âm bắt đầu vào mùa thu, thịnh vào mùa đông. Do đó, vào mùa thu, đông, vạn vật xơ xác, tiêu điều, thể hiện sự uy nghiêm của trời. “Âm, là khí hình phạt vậy”. Thu lo đông buồn, thuận ứng ý trời, giai cấp thống trị vào hai mùa thu đông nên thực thi âm chính, trong đó có việc hành hình. Bởi vậy, thu đông là thời lệnh hành hình. Thời Tiên Tần, việc hành hình bắt đầu vào tháng mạnh thu (tháng Chín), thời Hán lấy hai mùa thu đông làm thời lệnh hành hình. Từ thời Đường trở đi, từ Thu phân đến trước tiết Lập xuân là thời lệnh hành hình

(Sưu tầm)

 

Bình luận