Phương pháp luận sao Thái Âm trong lá số Tử Vi

21/12/2020 5670

Bài viết Giải nghĩa sao Thái âm trong lá số Tử vi. Mời các bạn đọc tham khảo.

Thái Âm là một trong 14 Chính Tinh trong Lá số Tử vi, sao thứ 2 trong 8 sao thuộc chòm sao Thiên Phủ theo thứ tự: Thiên Phủ, Thái Âm, Tham Lang, Cự Môn, Thiên Tướng, Thiên Lương, Thất Sát, Phá Quân.

1. Đặc điểm chung của Sao Thái Âm

Thái Âm là phú tinh nên có nhiều ý nghĩa tài lộc nhất

Thái Âm chủ về tình cảm, hóa khí là phú, chủ cung Điền trạch.

Thái Âm lạc hãm, vợ không hỗ trợ, cha mẹ không thể giúp đỡ, bất động sản không nhiều, tình cảm bất lợi, muôn sự không được như ý, Thái Âm thêm sát tinh chủ về gan không tốt

Đại, tiểu hạn gặp thì nữ giới trong nhà chịu thương tổn.

Thái Âm lạc hãm chủ về muôn sự không toại ý, nếu thêm sát tinh thỉ có thể thương tổn. Mệnh nữ gặp chồng không tốt, tái giá 3 lần.

Thái Âm miếu vượng, vợ đảm đang, hiền thục, xinh đẹp hoặc ít ra có 1 trong 3 đặc điểm trên.

Thái Âm ở cung đối diện có Dương nhân chủ về vì ung thư Gan hoặc ung thư tuyến tụy mà qua đời.

Thái Âm và Văn xương đồng cung, có thể học xem mệnh, làm giáo viên hoặc hoạt động trong giới nghệ thuật

Thái Âm đồng cung với Thiên đồng ở cung Ngọ là người dễ mắc bệnh tương tư ,thuộc dạng người dễ thất tình hoặc yêu thầm người khác

Thái Âm đóng tại cung Tỵ là người số phạm đào hoa là mệnh nữ phần lớn là không chính trực ,nam thì đam mê tửu sắc, những người này có tài nhưng không gặp thời ,cả đời thường lưu lạc tha hương

Thái Âm miếu vượng tại Tuất ,Hợi tuy không tọa cung phụ mẫu cũng có mẹ tốt, không tọa cung điền trạch cũng có bất động sản.

Phương pháp luận sao Thái Âm trong lá số Tử Vi

Phương pháp luận sao Thái Âm trong lá số Tử Vi

2. Vị Trí Ở Các Cung

Miếu địa: Cung Dậu, Tuất, Hợi.
Vượng địa: Cung Thân, Tý.
Đắc địa: Cung Sửu, Mùi.
Hãm địa: Cung Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ

3.Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Mệnh

Thái Âm là biểu tượng cho Mặt Trăng, cho người Mẹ, đối với cơ thể người là con mắt bên trái, tượng trưng cho lòng nhân hậu, dịu dàng. Thái Âm với Thái Dương gắn bó khăng khít với nhau để tạo nên một cái nhìn ban đầu sơ lược về cuộc đời đương số.
Trong khi Thái Dương là ánh sáng của lý trí, đôi khi nóng nảy làm cho ta khó chịu, thì ánh sáng của Thái Âm lại nhẹ nhàng tỏa ra không gian như xoa dịu đi cái nóng nảy của Thái Dương. Thái Âm cũng là lý trí, nhưng mà là lý trí luôn đi cùng với một trái tim nhân ái và lòng vị tha. Thái Dương đường đường chính chính lúc nào cũng rạng rỡ tỏa sáng mạnh mẽ, còn Thái Âm lúc tròn lúc khuyết. Cho nên Thái Dương thì cương, gặp khó khăn sẵn sàng đương đầu; còn Thái Âm thì nhu hòa uyển chuyển, dễ dàng lùi bước nhưng để về sau lại tiến lên.
Thái Dương ban bố ân huệ rộng khắp, ai cũng được hưởng từ Thái Dương, còn Thái Âm chỉ tỏa sáng vào những ngày trăng tròn, sự ban phát ân huệ có tính toán hơn. Chính vì thế chỉ có người mện Kim, mệnh Thủy, mệnh Mộc mới thật sự được Thái Âm phù trì. Các mệnh khác được hưởng rất ít, nếu không muốn nói là Thái Âm không phù trì cho người mệnh Hỏa, Thổ.
Thái Âm tượng trưng cho sự dịu dàng uyển chuyển không phải sự vươn lên mạnh mẽ bất chấp khó khăn như Thái Dương cho nên sợ Tuần Triệt hơn Thái Dương. Nguyệt miếu vượng bị Tuần Triệt nếu không có Xương Khúc Quang Quý Tả Hữu phù trì sẽ thành ra tối hãm, phá cách. Nguyệt hãm gặp Tuần Triệt sẽ giảm cái xâu đi ( chứ không phải biến thành miếu vượng).
Thái Âm dù miếu vượng cũng không thể điều khiển được Linh Hỏa như Thái Dương, gặp Linh Hỏa họa nhiều hơn Phúc. Tối kỵ Đà La, Kình Dương thành phá cách. Gặp Không Kiếp bình thường không tốt không xấu, nếu Nguyệt hãm gặp Không Kiếp thì phá hoại mạnh.
Thái Âm không sợ Hóa Kỵ khi miếu vượng mà điều khiển được Hóa Kỵ, khi Hóa Kỵ miếu nữa sẽ thành kỳ cách, rất quý. Lúc này Hóa Kỵ mới thật sự được gọi là Mây Ngũ Sắc chầu Thái Âm.
Thái Âm với Thái Dương lấy trục Sửu Mùi làm quân bình, Thái Dương đi nghịch, Thái Âm đi thuận. Thái Âm hóa khí là Lộc cho nên Thái Âm miếu vượng tốt nhất đóng ở cung Tài Bạch và Mệnh, con trai cung Phu Thê có Thái Âm tối quý, cũng như con gái cung Phu Thê có Thái Dương.
Thái Âm hóa ra đủ cả bốn Lộc Quyền Khoa Kỵ, cho nên Thái Âm tượng trưng cả cho sự biến hóa không lường trước được
Phương pháp luận sao Thái Âm trong lá số Tử Vi

Phương pháp luận sao Thái Âm trong lá số Tử Vi

3.1 Về tướng mạo
Cung Mệnh có Thái Âm miếu, vượng hay đắc địa thì thân hình to lớn, cao, da trắng, mặt tròn, mắt sáng. Còn Thái Âm hãm địa thì thân hình nhỏ, hơi cao, mặt dài, mắt kém.
Người có sao Thái Âm tọa thủ ở cung mệnh, mặt vuông tròn trắng hồng, mày thành mắt tú, ngũ quan đoan chính, đoan trang, cử chỉ, lời nói, hành động ưu nhã rất hấp dẫn.
Thông minh dịu dàng, lãng mạn đa tình, độ lượng khoan dung, bác học đa tài, cẩn trọng chính trực, cá tính hướng nội, biết tính toán, khả năng lý giải tốt, nhưng ít quan sát, có sự nhẫn nại, hay nghi ngờ, thiếu tình cảm, thích sạch sẽ.
Người sinh vào ngày Trăng sáng thì vui vẻ an nhàn, thích hưởng thụ, chú trọng và đề cao thi vị của cuộc sống, thích nghiên cứu tự do, có duyên với người khác giới, có tài năng bẩm sinh về văn học nghệ thuật.
Người sinh vào ngày Trăng mờ thì tính nhát gan, lười biếng, thích sạch sẽ nhưng lực bất tòng tâm, dễ bị đắm chìm vào ảo tưởng, tình cảm không rộng mở, có thể là nhà nghệ thuật có phong cách đặc biệt, tư tưởng tự do phóng khoáng, khó hiểu.
Mệnh nữ da trắng mịn, mắt ướt nữ tính, tính trẻ con đa tình mà dịu dàng, rất coi trọng hình thức bề ngoài, có tài nghệ thuật nên lãng mạn.
Ngọt ngào thân thiện, lương thiện nhưng thiếu chủ kiến. Trong lòng có chuyện gì thì sẽ nói ra, dễ bị chi phối bởi mọi người. Sau khi kết hôn, nếu cuộc sống đơn điệu, thì thường tỏ thái độ bất mãn, tâm lý và khả năng chịu đựng suy giảm. Thích thay đổi, thích trang trí nội thất, thích đi du lịch.
3.2 Về Tính Tình
Thái Âm ở các cung miếu địa, vượng địa, đắc địa là người thông minh, hòa nhã, từ tâm, thích văn chương, mỹ thuật.
Thái Âm ở cung hãm địa là người có tính ương ngạnh, từ thiện, không tham danh lợi.
3.3 Công Danh Tài Lộc 
Thái Âm là phú tinh nên có nhiều ý nghĩa tài lộc nhất. Nếu đắc địa, vượng địa và miếu địa, và tùy sự hội chiếu với Thái Dương và cát tinh khác, người có Thái Âm sáng sẽ có:
Dồi dào tiền bạc, điền sản.
Có khoa bảng cao, hay ít ra rất lịch lãm, biết nhiều.
Có danh tiếng, quý hiển.
Thái Âm đóng ở cung Tài, hay Điền thì tốt nhất. Thái Âm sáng mà bị Tuần Triệt coi như bị hãm địa, trừ phi ở Sửu Mùi thì tốt.
3.4 Về phúc thọ tai họa
Tai nạn và bệnh tật xảy ra đối với các trường hợp Thái Âm hãm địa hoặc Thái Âm gặp các sao như Kình, Đà, Không, Kiếp, Riêu, Hình, Kỵ bị tật về mắt hay chân tay, đau bụng, gặp tai họa khủng khiếp, yểu tử, hoặc phải bỏ làng tha hương lập nghiệp mới sống lâu được. Riêng phái nữ còn chịu thêm bất hạnh về gia đạo như muộn gia đình, lấy kế, lấy lẽ, cô đơn, khắc chồng, xa cha mẹ.

4. Những bộ sao Xấu- Tốt khi đi cùng với Thái Âm

4.1 Những Bộ Sao Tốt
Thái Âm và Thái Dương.
Thái Âm sáng gặp Lộc Tồn: Rất giàu có, triệu phú. Trong trường hợp này, Thái Âm có giá trị như sao Vũ Khúc sáng sủa, chủ về tài lộc.
Thái Âm đắc địa gặp Hóa Kỵ: Càng rực rỡ thêm.
Thái Âm sáng gặp Tam Hóa: Rất tốt đẹp, vừa giàu, vừa sang, vừa có khoa bảng.
Thái Âm sáng gặp Xương Khúc: Rất thông minh, lịch duyệt, từng trải, lịch lãm, tài hoa.
Thái Âm sáng gặp Tứ Linh (Long, Phượng, Hổ, Cái): Hiển hách.
Thái Âm, Thiên Đồng gặp Kình ở Ngọ: Rất có nhiều uy quyền.
Thái Âm sáng gặp Đào, Hồng: Rất phương phi, đẹp đẽ, được người khác phải mến chuộng tôn thờ. Đây là bộ sao của minh tinh, tài tử nổi danh. Tuy nhiên, bộ sao này có thể có nhiều bất lợi về tình duyên, có thể đưa đến sự sa ngã, trụy lạc, lăng loàn.
4.2 Những Bộ Sao Xấu
Thái Âm hãm gặp tam ám (Riêu, Đà, Kỵ): Bất hiển, bị tật mắt, lao khổ, nghèo, họa vô đơn chí, hao tài, bị tai họa liên tiếp, ly tán, bệnh hoạn triền miên. phụ nữ có thể hiếm con.
Thái Âm hãm gặp sát tinh: Lang thang nay đây mai đó, lao khổ.
Thái Âm hãm gặp Tam Không: Phú quý nhưng không bền.
Thái Âm Thiên Đồng ở Tý gặp Hổ Khốc Riêu Tang: Người nữ có sắc đẹp nhưng bạc mệnh, đa truân, suốt đời phải khóc chồng, góa bụa.
Ngoài những bộ sao tốt xấu nói trên, cung Mệnh có Nhật sáng sủa tọa thủ rất tốt, nhưng còn kém hơn cung Mệnh được Nhật sáng sủa hội chiếu với Nguyệt. Nếu giáp Nhật, Nguyệt sáng cũng phú hay quý

5. Phương pháp luận sao Thái Âm tọa thủ ở cung mệnh

5.1 Phương pháp luận giải
Khi luận về sao Thái Âm bao giờ cũng dựa trên 3 nguyên tắc:
1 – Đứng đúng chỗ hay không? Miếu hay hãm địa?
2 – Sinh ban ngày hay ban đêm?
3 – Sinh vào thượng tuần, trung tuần hay hạ tuần trong tháng?
– Dựa vào vị trí đứng vị trí đẹp nhất là Thái Âm đóng Hợi Tí Sửu. Vị trí đẹp thứ 2 là Thân Dậu Tuất. Thái Âm sẽ mất đi vẻ sáng khi đóng ở Dần Mão Thìn thì gọi là thất huy. Riêng Thái Âm đóng Tỵ Ngọ Mùi thì bị lạc hãm mất rồi. Đặc biệt Thái Âm đóng tại Hợi chính là cách tốt nhất của Thái Âm nó được gọi là:”Nguyệt lãng thiên môn”
– Sinh ban ngày hay ban đêm chia theo 2 nhóm giờ như sau:
1. Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi.
2. Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tí, Sửu.
Về thượng tuần hay hạ tuần thì từ mùng 1 đến rằm là thượng tuần, từ 16 đến ba mươi là hạ tuần. Thượng tuần mặt trăng mỗi ngày mỗi tròn. Hạ tuần mặt trăng mỗi ngày mỗi khuyết. Tròn tốt, khuyết xấu. Người sinh hôm rằm trăng tròn tới cực điểm lại không đẹp bằng người sinh ngày 13, 14.
Về Thái âm trong những câu luận đáng có một câu đáng chú ý là: “Thái âm tại Mệnh Thân cung tuỳ nương cải giá” – nghĩa là bỏ chồng về nhà mẹ đẻ? Điều này không phải cứ Thái âm là áp dụng. Còn phải tuỳ Thái âm có rơi vào hãm địa không đã. Nếu Thái âm ở Tỵ, lại sinh vào hạ tuần mà sinh vào ban ngày nữa thì lời luận đoán trên rất đúng về cái việc “tuỳ nương cải giá”, còn thêm sát tinh phụ hội thì lại càng đúng hơn, nhất là Hoả Tinh.
Cổ nhân còn viết: “Thái âm thủ mệnh bất lợi cho những người thân thuộc về phái nữ, vào số trai mẹ mất sớm, về cuối đời goá vợ, xa chị em gái; vào số gái cũng thế, ngoài ra còn ảnh hưởng đến cả bản thân nữa”. Điều này cũng chỉ có thể áp dụng qua tình trạng Thái âm lạc hãm, sinh thượng tuần, hạ tuần và sinh ban ngày ban đêm.
Thái Âm vào cung Thân, ảnh hưởng còn nghiêm trọng hơn so với Thái Âm đóng Mệnh. Với trường hợp Thái Âm tại Tỵ mà gặp Thái Dương Thiên Lương ở Dậu, rồi bên cạnh Thái Âm còn gặp sát tinh hội tụ nữa, ảnh hưởng nặng nề hẳn.
Với thời đại ngày nay, chuyện “tuỳ nương cải giá” không như ngày xưa nên khi nói về hậu quả của sự việc ấy phải rộng rãi hơn. nhiều hướng và nhiều ý nghĩa khác nữa. Nguyên tắc của tử vi sao hay có cặp đôi thấy Thái Âm thì trước tiên hãy xem thế đứng của Thái Dương.
Trong bản số chỉ có 2 cung Thái Dương, Thái Âm đứng một chỗ là Sửu và Mùi. Nếu tốt cả hai cùng tốt, mà xấu thì cả hai cùng xấu. Các sao đi cặp, hễ các sao xung chiếu bị ảnh hưởng tốt xấu đều phản xạ qua sao bên kia.
Nhật Nguyệt ở Sửu Mùi thì ở Mùi tốt hơn ở Sửu. Tại sao? Vì Thái Dương ảnh hưởng mạnh hơn Thái âm mà Mùi cung thì Thái Dương không bị “thất huy” như ở Sửu mới có sức trợ giúp Thái Âm. Cho nên Nhật Nguyệt ở Sửu, cuộc đời khó hiển đạt và lên xuống thất thường, còn Nhật Nguyệt ở Mùi thì an định hơn.
Nhật Nguyệt đồng cung mang nhiều khuyết điểm, vì cổ ca viết: Nhật Nguyệt thủ bất như chiếu hội, tịnh minh nghĩa là, Nhật Nguyệt đóng Mệnh không bằng chiếu Mệnh hoặc đứng hai chỗ cùng sáng như Thái Âm tại Hợi, Thái Dương tại Mão hoặc Thái Âm tại Tuất, Thái Dương tại Thìn.
Phú nói:
Nhật Nguyệt Mệnh Thân cư Sửu Mùi
Tam phương vô cát phản vi hung.
Vậy thì cách Nhật Nguyệt Sửu Mùi cần những sao tốt khác trợ lực mới đáng kể.
Thái âm gặp Cự Môn Hoá Kị bị nhiều phiền luỵ. Như trường hợp Mệnh Vô chính diệu gặp Nhật (Thái Dương)  đóng ở cung Thân, Thái Âm đóng ở cung Ngọ thì lúc ấy bên cạnh Nhật có Cự mà lại thêm Kị thì phá mất cái tốt của việc hợp chiếu. Thái Âm cũng không ưa Thiên Lương, trong trường hợp Thái Âm đóng ở Tỵ mà Dương Lương từ Dậu chiếu sang thường đưa đến tình trạng vợ chồng ly tán. Trường hợp Mệnh Cự Môn Thái Dương mà cung Phu thê có Đồng Âm gặp Hoá Kị duyên cũng khó bền.
Về Thái Âm cổ nhân còn tìm thấy cách “Minh châu xuất hải” (hòn ngọc sáng rực ngoài biển khơi). Cách này đòi hỏi Mệnh Vô chính diệu tại Mùi, Thái Âm đóng Hợi, Thái Dương đóng Mão. Sách viết: “Nhật Mão Nguyệt Hợi Mệnh Mùi cung. Minh châu xuất hải vị tam công” (Thái Dương Mão, Thái Âm Mùi, Mệnh lập Mùi là cách minh châu xuất hải chức vị cao, quyền thế). Nhưng cách “Minh châu xuất hải” vẫn phải cần Tả Hữu đứng cùng Nhật Nguyệt mới toàn bích, thiếu Tả Hữu mà gặp thêm hung sát tinh thì chỉ bình thường.
Luận về Thái Dương Thái Âm còn phải chú ý đến các cách giáp mệnh. Như Thiên Phủ thủ Mệnh ở Sửu, Nguyệt tại Dần, Nhật tại Tí; Thiên Phủ Mùi, Nguyệt ở Thân, Nhật giáp từ cung Ngọ.
Rồi đến Nhật Nguyệt hiệp Mệnh như Tham Vũ ở Sửu và Mùi. Tham Vũ Sửu thì Thái Âm Tí, Thái Dương Dần. Tham Vũ Mùi thì Thái Âm Ngọ, Thái Dương Thân. Mệnh lập Sửu vẫn tốt hơn Mệnh lập Mùi. Hiệp với giáp vào cung vợ chồng  không mấy tốt, nếu kèm theo hung sát tinh đưa đến tình trạng hôn nhân có biến.
Trường hợp Thiên Phủ ở cái thế kho lủng, kho rỗng, kho lộ mà giáp hiệp càng gây khó khăn hơn. Thái Âm là âm thủy chủ về điền sản, tiền bạc.
Thái âm tọa thủ cung mệnh với nữ giới
Thái Âm thủ Mệnh nữ hay nam đều có khuynh hướng về hưởng thụ. Công việc gì cần nhẫn nại gian khổ không thể giao cho người Thái Âm. Thái Âm vào nữ mạng sinh ban đêm là người đàn bà có nhan sắc, có cả Xương Khúc nữa càng mặn mà. Thái Âm trên khả năng thông tuệ nhưng lại thiếu nhẫn nại để mà học cao đến mức hiển đạt về học vấn.
Thái âm tọa thủ cung mệnh với nam giới
Thái Âm hãm độc tọa thủ Mệnh vào nam mạng thì nội tâm đa nghi. Vì Thái Âm chủ về điền sản nên đắc địa vào cung điền trạch rất tốt. Thái Âm đắc địa thủ mệnh số trai dễ gần cận phái nữ không ồn ào mà âm thầm nhưng khi thành gia thất rồi, vợ nắm quyền.
Thái Âm nữ mạng đắc địa, đa tình lãng mạn, thiện lương nhưng thiếu chủ kiến, có tâm sự u uẩn phải bộc bạch ra mới yên, với bản chất qúy thủy (nước trong) nên bao giờ cũng thích làm dáng, ăn ngon mặc đẹp.
Thái Âm hãm thủ mệnh lại đứng cùng Văn Khúc hãm nữa chỉ thành tựu như một nghệ nhân tầm thường với cuộc sống phiêu bạt, kiếm chẳng đủ miệng ăn tử vi Đẩu Số Toàn Thư còn ghi một câu: Thái Âm cư Tí, thủy chừng quế ngạc, Bính Đinh nhân dạ sinh phú quí trung lương (Thái Âm đóng Tí như giọt sương mai đọng trên hoa quế, người tuổi Bính Đinh sinh vào ban đêm giàu sang, tâm địa trung lương vì tuổi Bính tuổi Đinh đều có gặp Lộc Quyền hay Lộc Tồn mà nên vậy)
Sao Thái âm chủ về Phú, phần lớn có thêm chủ về Quý, chủ về Tài bạch và Điền trạch. Trong mệnh bàn, ánh sáng của sao Thái âm có sự thay đổi tùy theo sự thay đổi của thời gian, ở Mão Thìn Tị là hãm địa, ánh sáng tối nhất. Ở Ngọ Mùi là không được thế địa, lượng ánh sáng tối thứ hai. Ở cung Thân thế lợi, ánh sáng vừa phải. Ở cung Dậu Tuất thế vượng là ánh sáng mạnh thứ hai. Ở Hợi Tý Sửu là thế miếu, có lượng ánh sáng mạnh nhất.
Sao Thái âm ở Dần, tượng trưng cho mặt Trăng vào giờ Dần, là điểm thấp nhất của mặt Trăng. Sao Thái âm ở Thân tượng trưng cho mặt trăng vào giờ Thân, là điểm cao nhất của mặt Trăng.
Sao Thái âm tượng trưng cho tính âm, đại diện cho mẹ. Do đó, bất luận là mệnh nam hay nữ, khi mẹ còn sống, sao Thái âm trong cung mệnh có thể dùng để luận đoán cát hung của mẹ. Sau khi mẹ qua đời, sao Thái âm của mệnh nữ đại diện cho bản thân, Mệnh nam đại diện cho Vợ, sau khi Vợ qua đời thì sao Thái âm của cung Mệnh đại diện cho con gái. Do đó, muốn đoán cát hung của mẹ, vợ, con gái thì lấy sao Thái âm làm căn cứ.
Trong tử vi Đẩu Số, tất cả các sao chủ đứng đầu, như tử vi của hệ sao Bắc Đẩu, sao Thiên phủ trong hệ sao Nam Đẩu, sao Thái âm và Thái dương chủ về âm dương, đêm ngày trong hệ sao Trung Thiên Đẩu, nếu độc tọa tại cung Mệnh thì phần lớn chủ về cô độc và đều lấy thời thơ ấu làm chủ đạo.
Do đó, người có sao Thái âm tọa thủ cung Mệnh, thì mệnh nam nữ đều chủ về cha mẹ hoặc vợ chồng, hoặc con cái, có hiện tượng tình thân không đủ, gần nhau ít xa nhau nhiều, hoặc sinh ly tử biệt, hoặc tình cảm bất hòa, hoặc ít trao đổi, hoặc sức khỏe thường xuyên không tốt, hoặc sự nghiệp hay bị thất bại. Nếu sao Thái âm ở cung mệnh hãm địa lại gặp sao Hóa Kị, thì mệnh nữ sẽ bất lợi cho bản thân, còn mệnh nam sẽ bất lợi cho vợ và con gái (tuế quân năm Ất)
Nhật Nguyệt là sao chủ về âm dương và ngày đêm, thuộc Trung Thiên Đẩu, mặt Trăng liên tục quay quanh trái đất không ngừng nghỉ, do đó sao Thái âm chủ về Dịch mã (ngựa đưa tin chiến trường), đại diện cho sự vất vả bôn ba, đặc biệt khi Thái âm tọa ở chỗ tứ Mã (Dần Thân Tị Hợi), khi đồng cung với sao Thiên cơ thì không thích bị bó buộc quản thúc, thích cuộc sống tự do tự tại, dễ phiêu bạt tha hương, có mưu cầu phát triển ở tha hương.
Mặt Trăng phân thành trăng Thượng huyền và trăng Hạ huyền. Trăng Thượng huyền – khoảng mồng 7 ~ 8 âm lịch, có cung Trăng hướng lên trên, bởi vì ngày mồng 1 đầu Tháng đến ngày 15 giữa Tháng, thì mặt Trăng ngày càng trong hơn, do đó, người sinh vào Thượng huyền, thì vận thế từ xấu chuyển sang tốt. Trăng Hạ huyền – khoảng ngày 22 ~ 23 âm lịch, thì mặt Trăng từ tròn chuyển sang khuyết dần, do đó, người sinh vào Hạ huyền có vận thế từ tốt chuyển sang xấu. Sao Thái âm tọa ở cung Mệnh thì nên sinh vào giữa tháng, sinh vào ban đêm, ngày Thượng huyền, Trung thu, rất kị sinh vào lúc mặt Trăng mất đi ánh sáng.
Sao Thái âm chủ về “kho lộc”, vật chất trong cả cuộc đời nhiều, đầy đủ về tinh thần, tuy không chú ý đến tiền tài, nhưng lại nhận thức và hiểu được cách dùng tiền tài. Tiền tài là do tích lũy dần dần, tuyệt đối không phải là do của cải đến bất ngờ.
Sao Thái âm, sao Vũ khúc, sao Thiên phủ, đều là tài tinh, nhưng lại có sự khác biệt:
Tiền tài của sao Vũ khúc là do lập nghiệp mà có. Tiền tài của sao Thiên phủ là do đầu tư tích lũy mà có. Tiền tài của sao Thái âm là do làm việc cần kiệm gom góp mà có.
Sao Thái âm và sao Thiên phủ đều chủ về ruộng vườn, nhưng hàm nghĩa ruộng vườn của sao Thiên phủ là đầu tư, còn hàm nghĩa ruộng vườn của sao Thái âm là coi trọng thực dụng.
Mặt trời ban ngày chiếu sáng, mặt Trăng ban đêm khúc xạ ánh sáng của mặt Trời, mang đến ánh sáng, mang đến hy vọng, mang đến sự viện trợ, mang đến sự phối hợp, cũng giống như vai trò của người Mẹ trong gia đình. Do đó, sao Thái âm thích hợp với các công việc như hộ lý, giáo dục, thư ký, văn nghệ, văn hóa xã hội, …
5.2 Sự tương quan của sao Thái Âm với các sao khác
Sao Thái dương và sao Thái âm vốn có sinh mệnh và mang đến sinh mệnh cho các sao khác trong mệnh bàn. Phương thức phát huy của chúng có những đặc điểm sau:
1- Ánh sáng của sao Thái dương đến từ sao Thái dương nóng bỏng mà khúc xạ ánh sáng và nhiệt của sao Thái dương, chuyển hóa thành ánh sáng nhân từ và điềm đạm chiếu xuống nhân gian. Sao Thái dương là tích cực và nhiệt tình cung cấp ánh sáng và sự ấm áp trực tiếp. Sao Thái âm dùng phương thức uyển chuyển, mềm mại, cung cấp sự viện trợ và hy vọng gián tiếp.
2- Sao Thái dương có nhiệt độ, có sự phân biệt mạnh và yếu. Sao Thái âm thì nhiệt độ không thay đổi, trong đêm tối ban tặng cho con người sự bình tĩnh và ấm áp.
3- Sao Thái dương bất luận là sáng, tối, lạnh, nóng, vẫn luôn luôn chiếu xuống mặt đất. Sao Thái âm thì phân biệt sáng, tối, tròn, khuyết. sóc, vọng, cũng do đó và từ đây, mà sinh ra bi, hoan, ly, hợp trong nhân gian

6. Những đặc trưng rõ nét về người có Thái Âm thủ mệnh

6.1 Đặc điểm chung của người Thái Âm thủ mệnh
  •  Sao Thái âm giống như sao Thái dương, tự nhiên, chủ động giúp đỡ người già, yếu, cô độc bất hạnh mà không cần báo đáp. Nhưng sao Thái dương đều dùng tiền, dùng chủ ý, dùng phương thức giúp đỡ tổng thể để sắp xếp, giúp đỡ. Sao Thái âm phần lớn là chia sẻ tinh thần, như an ủi, tỏ thái độ quan tâm ân cần, chăm sóc nhân từ trực tiếp từ những chi tiết nhỏ trong cuộc sống, khiến mọi người tin tưởng.
  • Rất tự nhiên trong công việc phúc lợi xã hội, hoặc các việc từ thiện, hy vọng nhận được sự báo đáp từ xã hội.
  • Có sự huy hoàng của người Mẹ, thích cố thủ bên trong, coi trọng sự thi vị của cuộc sống, coi trọng công việc gia đình, mệnh nữ thường giỏi việc nhà.
  • Thường làm những việc cần viện trợ và cần sự phối hợp, công việc làm ban đêm hoặc thay ca như y tá, phù hợp với tính chất công việc ban đêm của sao Thái âm.
  • Người có sao Thái âm thủ Mệnh, có đặc tính nữ tính, như bình tĩnh, tinh tế, dịu dàng, nhẫn nại, lạc quan. Thời gian rèn luyện tích tụ được tố chất kiên định, trầm tĩnh, kiên nhẫn, bên ngoài tuy lạnh lùng nhưng bên trong nội tâm nhiệt tình, lương thiện. Đối với những sự việc không được như ý trong cuộc đời, thì nó trực tiếp phản ánh sự nhẫn nại, không tích cực tranh đấu, hoặc biểu thị bộc lộ ý kiến, nội tâm thường hướng đến sự an phận, nhưng bản năng của sao Thái âm là gián tiếp, phối hợp, mọi việc mà nóng vội thì thường không thành.
  • Bất cứ cung vị nào có sao Thái âm, đều sẽ khiến cho con người số thủ bên trong, có thể hiểu được sự cần thiết phải bình tĩnh và duy trì trạng thái cân bằng, sau đó là kéo theo sự chuyển hóa ở bên ngoài, vào thời khắc chuyển hóa chính là bắt đầu của sao Thái dương – kết thúc của sao Thái âm.
  • Người có sao Thái âm thủ Mệnh, nên có thói quen đọc sách trong thời gian dài, làm công việc có tính chất nghiên cứu lâu dài, phần lớn cần có sự trao đổi phối hợp với mọi người, để giảm hiện tượng thiếu thốn tinh thần, đồng thời dễ chịu ảnh hưởng từ những tác động thị phi, bị bạn bè hay tiểu nhân lừa lọc, hạn chế ăn uống thái quá để giữ gìn thân thể khỏe mạnh, thì mới có thể tránh được hung mà đón cát lợi.
  • Sao Thái âm ưa thích hội ngộ những sao hóa Cát, bất luận là Hóa Lộc, Hóa Khoa, Hóa Quyền, đều làm tăng thêm ánh sáng cho Thái âm. Gặp Hóa Lộc hay Lộc tồn, chủ về cả đời có tiền tài dùng không hết. Thái âm gặp Hóa Quyền có thể lập nghiệp, nắm quyền. Thái âm gặp Hóa Khoa có thể nhờ tài mà được danh.
Sao Thái Âm rất sợ Hóa Kỵ, khi sao Thái âm ở cung mệnh Hóa Kỵ, nếu có thể biết dùng Hóa Lộc của sao Thái dương để trợ giúp, thì đều có thể giảm nhẹ tổn hại.
Tại Hợi, sao Thái âm là “Nguyệt lãng thiên môn”, không sợ sao Hóa Kị, ngược lại có tác dụng thay đổi hoàn cảnh. Sao Thái âm hãm địa Hóa Kỵ, do bản thân không có ánh sáng, nên không thể tạo thành sự uy hiếp quá lớn. (Sao Thái âm tại Thân thì gọi là “Nguyệt lãng quỷ môn”, tại Tị thì gọi là “Nguyệt lãng địa môn”, tại Dần thì gọi là “Nguyệt lãng nhân môn”, tại Mão thì gọi là “Nguyệt lãng lôi môn” – là tượng Nguyệt nhập Ngũ môn).
Sao Thái âm thích gặp lục Cát tinh, gặp Tả phụ Hữu bật chủ về có phúc có phận. Gặp Văn xương, Văn khúc chủ về người nhiều văn nghệ có tài hoa. Gặp Thiên khôi, Thiên việt chủ về người có quý nhân, có thể đảm nhận việc nơi công môn, bình an thuận lợi.
Sao Thái âm không thích gặp lúc Sát tinh, chủ về trắc trở. Hãm địa gặp tứ sát Dương Đà Hỏa Linh, sợ rằng có thương tật cơ thể. Thái âm ở cung miếu, vượng thì không sợ sao Địa không, tuy tiền tài có bất lợi nhưng không bị ảnh hưởng đến công danh. Sao Thái âm kị nhất khi đồng cung với Kình dương, Đà la, nhất định có ly biệt, phá sản. Sao Thái âm hãm địa lại gặp Sát tinh, chứng tỏ kho lộc thiếu cửa, tiền của đến rồi lại đi, đời nhiều lao lực, phát triển ở xa quê hương thì đỡ đi phần nào, khi trao đổi tiền tài với bạn bè dễ vì tiền tài mà tranh cãi.
Thái âm là trung thiên tinh chủ, ngũ hành thuộc âm thủy, hóa khí là phú.Thái âm cùng thái dương cặp đối tinh rất quan trọng trong tử vi đẩu số. Cho nên có những tính chất tương đồng, có những tính chất khác biệt. Thái âm chủ phú, thái dương chủ quý, thái âm chủ nữ, thái dương chủ nam, Thái âm chủ nhu, thái dương chủ cương, thái âm thuộc thủy, thái dương thuộc hỏa, thái âm là mẹ, thái dương là cha, thái âm là con gái, thái dương là con trai. Đại khái là lúc nhỏ, bất lợi cho mẫu thân, nếu là nữ mệnh lúc nhỏ tự thân bất lợi, nếu là nam mệnh, mà Thái âm lạc hãm thì bất lợi cho vợ và con gái.
Nam mệnh thân kiến Thái âm, dễ tiếp cận tính cách khác thường, dễ nữ tính ôn nhu, phúc đức cùng phu thê cung lại không tốt, khả năng có khuynh hướng đồng tính luyến ái.
Nữ mệnh thân cung kiến Thái âm, không hội sát diệu, là người đoan trang thông minh.Nếu kiến sát hình chư diệu, tất có khuynh hướng khắc phu hại tử. Nếu kiến đào hoa chư diệu, mà phúc đức ,phu thê cung không tốt, có khả năng phát triển thành đồng tính luyến ái.
Thái Âm hội Văn Xương, Văn Khúc, chủ có tài năng bác học, văn chương tú phát.Tối hỉ gặp Lộc Tồn, Hóa Lộc hội hợp, bởi vì Thái Âm chủ tàng, chủ phú, chủ tĩnh, gặp Lộc Tồn, Hóa Lộc khí vị tương đầu. Nếu gặp Hóa Quyền, Hóa Khoa tất chủ cương nhu tương tể (có nhu có cương).
Thái Âm, Thái Dương hội họp, cả hai lại đều nhập miếu, cũng chủ cương nhu tương tể, có thực tài, nhưng rộng lượng, khí thế bất phàm..
Thái Âm vào hãm địa, không sợ Hóa Kỵ, bởi vì hãm cung ánh sáng của Thái Âm là nguyên quang lúc ban sơ, tự nhiên không sợ mây bọc sương che.Vào miếu địa tất sợ gặp Hóa Kỵ vì nguyên nhân mây mù che đậy ánh trăng.Trừ tại hợi cung, tại hợi cung gặp hóa kị gọi là biến cảnh, trừ phi có sát hình chư diệu đều chiếu, nếu không biến cảnh chỉ là tăng thêm màu sắc cho ánh trăng.
Theo kinh nghiệm của tác giả, phàm Thái Âm thủ mệnh, khi luận đóan rất nên xem kèm cung Phúc Đức, bởi vì Thái Âm chủ phú, xã hội thời xưa đơn thuần, tuy có cạnh tranh nhưng không kịch liệt, ảnh hưởng tinh thần hưởng thụ của phúc đức cung không lớn. Xã hội hiện đại, cạnh tranh khốc liệt, thủ đoạn, âm mưu cạnh tranh đầy rẫy, nếu như Phúc Đức cung không tốt, Thái Âm chủ dồi dào, trái lại thường thường rước lấy những tinh thần thống khổ.
Thái Âm thuộc tinh hệ Trung Thiên, người sinh vào ban đêm (giờ Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu) lấy nó làm chủ tinh, thuộc âm thủy.
Do Thái Âm cũng là chủ tinh, nên cũng ưa “bách quan triều củng”. Trong các tình hình thông thường, rất ưa Văn Xương, Văn Khúc hội hợp, làm tăng sự sáng sủa, rực rỡ của Thái Âm, mà còn làm tăng bẩm tính thông minh, khí chất thanh nhã. Nếu chỉ gặp một minh Văn Xương, hoặc một mình Văn Khúc thì không phải là cách này, mà biến thành thủ đoạn, cổ nhân gọi là “giả văn vẻ”, khi gặp Sát tinh thì biến thành “ngụy quân tử”.
Thái Âm tuy cũng sáng sủa, rực rỡ, nhưng tính chất khác với Thái Dương. Tính chất của Thái dương là khuếch tán phát xạ, tính chất của Thái âm thì tiềm tàng và thu vào bên trong. Cho nên, lúc đánh giá mệnh Thái dương, thường ngại ánh sáng của Thái dương quá lộ, cho là điềm không lành; còn khi đánh giá mệnh Thái âm thì ngại sự thu vào bên trong quá đáng của nó, cho là không điều hòa.
Do đó, lúc Thái Âm bất hòa, thường cần phải nhờ Thái dương cứu. Lúc Thái Âm lạc hãm Hóa Kị, hoặc lúc hội hợp với các sao chủ về tiềm tàng và thu vào bên trong như Đà La, Linh tinh, Thiên Hình, Đại Hao, Thiên Hư, Âm Sát, nếu được Thái Dương nhập miếu, hoặc Hóa Lộc ở tam phương tứ chính hội hợp, thì có thể cải thiện tính chất thu vào bên trong quá đáng của Thái Âm, phát huy cái tốt của nó, mới không thành vô dụng mà biến thành âm mưu thủ đoạn.
Trái lại, lúc Thái Âm nhập miếu, được cát hóa, lại ưa tính thu liễm vào bên trong một cách thích đáng, đây gọi là “Anh Hoa Nội Liễm” (tài năng nhưng không lộ ra). Nếu gặp các sao Thiên mã, Hỏa tinh, Thiên thương, Thiên sứ, Cô thần, Quả tú, Phỉ liêm, Phá toái, thì không phải là “anh hoa nội liễm”, trái lại sẽ chủ về bên trong trống rỗng, không có thực chất, hành động phù phiếm.
Thái dương chủ về “quý”, Thái Âm chủ về “phú”, vì vậy Thái Âm gặp Hóa Lộc và Lộc Tồn là thành Cách “phú” (phú cách)
Thái Âm có sao Lộc mà gặp Văn xương, Văn khúc, thì tính chất của các sao khác mà nó gặp nên vững vàng, như Thái dương đồng độ với Thái Âm. Cho nên cổ nhân luận mệnh số, có thuyết “Thái Âm Thái Dương hội Xương Khúc thì xuất thế vinh hoa”. Nếu thuộc tinh hệ hiếu động, trôi nổi, thì không nên gặp Xương Khúc, cổ nhân nói: “Thái âm Thiên cơ Xương Khúc đồng cung ở Dần, nam là nô bộc, nữ là xướng kỹ”, là vì tinh hệ “Thái âm Thiên cơ” quá hiếu động, trôi nổi.
Thông minh và cơ trí tiểu xảo vốn cách nhau chỉ một đường ranh. Trong trường hợp hội Xương Khúc, cần phải xem xét kỹ để phân biệt.
Còn trường hợp gặp “sao lẻ” Văn xương, hay Văn khúc, nhất là trương hợp chỉ gặp một mình Văn Khúc, đối với Thái Âm rất là không nên, người xưa nói đây là Cách yếu kém “Văn Khúc Thái Âm, cửu lưu thuật sỹ”.
Gặp Lộc tồn có nên đồng thời gặp thêm Thiên mã hay không? Còn phải xem Thái Âm là nhập miếu hay lạc hãm, tinh hệ có tính ổn định hay hiếu động trôi nổi mà định. Ở đây hơi giống trường hợp Văn xương, Văn khúc.
Có Tả phụ, Hữu bật hội hợp, có thể làm tăng địa vị của người có Thái Âm thủ mệnh. Có Thiên khôi, Thiên việt hội chiếu, thì có lợi trong tranh chấp. Nhưng những phụ diệu này, chỉ có thể dựa vào việc đã có mà làm tốt đẹp thêm, luận về bản chất, thông thường Thái âm vẫn ưa gặp các tá diệu hơn, tức Xương Khúc, Lộc tồn, Thiên mã.
“Phụ diệu” chủ về “tha lực”, tức là do người khác giúp sức và gặp cơ hội tốt. Đối với “tá diệu”, thì chủ về “tự lực”, tức là bản thân phải nỗ lực mới có thể phát huy tiềm năng. Thái âm ưa “tá diệu” hơn “phụ diệu”, do đó nỗ lực Hậu thiên trở thành rất quan trọng. Cách Thái âm tọa mệnh có tốt, cũng chủ về phải trải qua phấn đấu mới có thành tựu. Khi luận đoán Đẩu Số, cần phải biết điều này.
Thái Âm giống Thái Dương, không ưa Kình dương, Đà la. Người xưa nói:
– “Thái dương, Thái âm gặp Kình Đà, chủ về phần nhiều khắc người thân”
– “Thái dương Thái âm ở cung hãm gặp các sao ác sát, chủ về vất vả bôn ba”
Nhưng Thái âm lại sợ Kình dương, Đà la hơn Thái dương, cổ nhân nói: “Thái âm gặp Kình dương, Đà la, ắt sẽ xảy ra người thì chia ly, tiền tài thì hao tán”.
Đối với sự ưa hay ghét Hỏa tinh, Linh tinh, cần phải xem mức độ sáng sủa rực rỡ của Thái âm mà định.
Lúc có Địa không, Địa kiếp đồng độ, Thái âm sẽ nhiều ảo tưởng, hay bất mãn, điều này dễ thành căn nguyên của sự thất bại trong đời, đối với nữ mệnh cần đề phòng vì vậy mà ảnh hưởng đến đời sống tình cảm.
Thái âm thủ mệnh, cung Phúc đức có ảnh hưởng rất quan trọng đối với mệnh tạo. Khi luận đoán tử vi Đẩu Số, cung Mệnh và cung Phúc đức vốn phải xem xét cùng lúc, có điều đối với người Thái Âm tọa mệnh, thì vai trò của cung Phúc đức càng quan trọng hơn.
Nếu Thái Âm yên tĩnh ở cung Mệnh, mà cung Phúc đức lại biến động thay đổi, không ổn định, ví dụ như cung mệnh là tinh hệ “Thiên đồng Thái âm”, Thái âm hóa Lộc, nhưng cung Phúc đức lại là tinh hệ “Thái dương Cự môn”, Cự môn hóa Kị, nếu lại thêm các sao Hình – Sát, thì mệnh tạo sẽ bị bối rối khó sử về tinh thần mà ảnh hưởng đến sự yên ổn thực tế.
Nếu Thái âm phát huy anh hoa đúng như phận của nó ở cung mệnh, mà cung Phúc đức lại u ám, trôi nổi, hiếu động. Ví dụ như cung mệnh Thái âm hóa Quyền ở Tuất, ánh sáng rực rỡ phát ra, nhưng Cự môn ở cung Phúc đức lại có Thiên cơ hóa Kị đối củng, nếu lại gặp các sao hình – sát, về tinh thần sẽ nhiều mặt u ám, mà còn hay làm chuyện thị phi sau lưng, nhiều cơ tâm, vì vậy mà ảnh hưởng đến Thái âm ở cung Mệnh. Qua hai thí dụ này, có thể thấy cung Phúc đức của Thái âm thủ mệnh mà có Cự môn thì nên chú ý.
Cổ nhân cho rằng, đời người không nên thuộc Thái Âm tọa mệnh, Thái âm lạc hãm thì càng không nên. Giống như người Thái dương tọa mệnh sinh vào ban đêm, cũng có hai điều không tốt như sau:
(1)- Bất lợi về lục thân phái Nữ, nam mệnh thì bất lợi về Mẹ, Vợ, con gái, nữ mệnh thì bất lợi về Mẹ và trưởng nữ. Bất lợi ở đây không nhất định là tử vong, có thể chỉ thuộc tình cảm không dung hợp, hoặc lục thân gặp nhiều nạn tai, bệnh tật.
(2)- Bản thân mệnh tạo cũng gặp nhiều nạn tai bệnh tật, nhất là bệnh ở thận và các cơ năng trọng yếu. Gặp Đà la thì sinh bệnh tật ở mắt, đặc biệt tinh hệ “Thái âm Thiên đồng” thì càng nghiệm.
Kết cấu tinh hệ Thái Âm ở 12 cung, ắt sẽ đồng độ hoặc đối nhau với Thiên đồng, Thái dương, Thiên cơ. Thái âm ở 4 cung Tý Ngọ Mão Dậu là tổ hợp “Thái âm Thiên đồng”. Thái âm ở 4 cung Thìn Tuất Sửu Mùi là tinh hệ “Thái âm Thái dương”. Thái âm ở 4 cung Dần Thân Tị Hợi là tổ hợp tinh hệ “Thái âm Thiên cơ”. Thông thường trong các tình hình này, khá ưa “Thái âm Thiên đồng” của cung Tý, ưa Thái âm độc tọa của hai cung Tuất hoặc Hợi, hơi ngại Thái âm độc tọa ở cung Tị, “Thái âm Thiên đồng” của cung Ngọ. Những trường hợp kể trên, sẽ thuật rõ ở chương: “Luận về sáu mươi tinh hệ”.
Thái Âm lạc hãm cũng không đáng sợ
Thái âm tức là mặt Trăng. Trong tử vi Đẩu Số, Thái âm và Thái dương là một cặp “sao đôi” rất hữu lực của Trung Thiên, không thuộc Nam Đẩu mà cũng không thuộc Bắc Đẩu.
Hễ là “sao đôi” thì đều có tính chất vừa tương đồng lại vừa tương dị. Thái âm chủ về “phú”, Thái dương chủ về “quý”, Thái âm chủ về Nữ, Thái dương chủ về Nam, Thái âm chủ về nhu, Thái dương chủ về cương, Thái âm chủ về thủy, Thái dương chủ về hỏa.
Cổ nhân cho rằng, Thái Âm có sự biến hóa rất lớn. Ở các cung Hợi Tý Sửu là nhập miếu, về cơ bản là mệnh tốt, ở các cung Tị Ngọ Mùi là lạc hãm, sẽ mang lại tai hại rất lớn. Cổ nhân nói: “Thái âm lạc hãm thì tổn thương vợ và mẹ”, tức là bất lợi đối với người thân phái nữ, nếu là nữ mệnh thì nói: “là xướng kỹ tì thiếp, hình phu khắc tử”. Thuyết này cổ nhân quá võ đoán. Đẩu Sô không đơn giản như vậy, Thái âm dù lạc hãm thì cũng phải gặp tứ sát tinh và Địa không Địa kiếp, hơn nữa còn phải có Sát tinh đồng cung, thêm vào đó cung Phúc đức và cung Thân cũng không tốt, thì mới xảy ra sự cố không vui vẻ, chứ chẳng phải như cổ nhân đã nói.
Ta lấy Thái âm thủ mệnh cư Ngọ làm thí dụ: Thái âm ở cung Ngọ là lạc hãm, đồng cung với Thiên đồng cũng lạc hãm. Chiểu theo thuyết của cổ nhân là “hóa cát thì thành hung, gặp sát tinh thì dâm tà”, tức là nói nếu Thái âm và Thiên đồng mà hóa Lộc hóa Quyền hay hóa Khoa, thì ngược lại sẽ thành hung Cục, nếu còn gặp Hung – Sát tinh thì không còn gì để nói.
6.2 Để biết tốt xấu khi Thái Âm thủ mệnh cần phải xem cung Phúc Đức
Cổ nhân luận đoán các tình hình Thái âm tọa thủ cung mệnh, chỉ căn cứ bối cảnh xã hội thời cổ đại, cho nên nhiều tư liệu ngày nay chỉ có thể dùng để tham khảo.
Ví dụ Thái Âm thủ mệnh ở cung Tuất, ánh sáng rực rỡ (thừa vượng), nhưng Phúc đức lại có Cự Môn ở cung Tý, cung Phúc đức chủ về tình trạng hưởng thụ tinh thần, Cự Môn tọa thủ cung Tý, ắt sẽ đối xung với Thiên Cơ, một khi gặp Sát tinh, sẽ dễ dẫn đến tranh chấp, khiến thân tâm đều bất an, làm sao “một đời vui vẻ” ? Đây là do bối cảnh xã hội khác nhau gây nên sự khác biệt.
Lại như cổ quyết nói: “Thái âm ở cung Tý, thi cử đỗ đạt, làm quan cao, là người trung thành và ngay thẳng”. Hễ Thái âm ở cung Tý, ắt sẽ đồng cung với Thiên đồng, cổ nhân xem Thiên đồng là “sao Phúc”, khó tránh cổ nhân đã đánh giá quá cao. Nhưng phúc khí của Thiên đồng là phải nỗ lực mới có được, do đó cung Phúc đức càng quan trọng. Lúc Thái âm thủ mệnh ở cung Tý, cung Phúc nhất định là tinh hệ “Thái dương Cự môn” thủ cung Dần, nếu gặp sát tinh, chủ về tinh thần bị rắc rối khó xử, đồng thời vào thời điểm tranh chấp, dễ dùng thủ đoạn không chính đáng. Tình hình này nhất định sẽ ảnh hưởng đến sức kiên nhẫn và sự nỗ lực của Thiên đồng. Do đó cũng cần phải đánh giá lại luận đoán “Thái âm ở cung Tý, thi cử đỗ đạt, làm quan cao, là người trung thành và ngay thẳng”.
Ở xã hội cổ đại mọi việc còn đơn thuần, dù Thái dương và Cự môn thủ cung Phúc đức có gặp sát tinh, cũng chủ về người này cần phải động não khi “nói năng” mà thôi, cho nên mới có thể thành “người trung thành và ngay thẳng”. Xã hội ngày nay, áp lực cạnh tranh rất lớn, bức bác người có “Thái dương Cự môn” gặp sát tinh, thủ cung Phúc, phải “xuất chiêu quyền biến”, làm sao “trung thành và ngay thẳng”? Cho nên, khi luận về Mệnh của người có “Thái âm thủ mệnh”, cần phải xem kèm cung Phúc đức để đánh giá.
Thái Âm hóa Kị, ý nghĩa phổ biến nhất là bất lợi đối với người thân phái nữ, nhất là ở cung vị lạc hãm thì càng đúng.
Nói “bất lợi” ở đây, không nhất định là bệnh tất hay tử vong, có lúc chỉ biểu hiện là thiếu duyên phận với nhau, hai bên khó thông cảm cho nhau, hoặc vì hoàn cảnh khách quan mà hai bên ít cớ cơ hội gặp nhau. Cần phải xem xét kỹ các sao Sát – Hình – Kị hội hợp thực tế mà định.
Gặp Thái Âm hóa Kị, cũng biểu trưng cho tình huống rắc rối về tình cảm, thường chủ về trong lòng có ẩn tình khó sử. Nếu gặp thêm Hỏa tinh, Linh tinh, Văn xương, Văn khúc, thì đây là điềm tượng tình yêu không bình thường, nam mệnh phần nhiều chủ về có khuynh hướng “đồng tính luyến ái”.
Thái Âm hóa Kị ở cung miếu vượng, thì ảnh hưởng đến tình hình lợi lộc, thường thường biểu hiện là trong đời người có một thời kỳ cảm thấy mình rất có tài mà không gặp thời. Nếu Thái âm hóa Kị ở cung lạc hãm, thì đây là điềm tượng không tốt; trái lại, sẽ ưa gặp Sát tinh “kích thích”, chủ về có thể theo ngành công nghệ. Cổ nhân gọi là “thợ”, nhưng ở thời hiện đại, cũng chủ về những ngành khoa học kỹ thuật.
Thái Âm hóa thành sao Kị ở cung Tý, đồng độ với Thiên Đồng. Đối với nữ mệnh thì rất ưa trang điểm, chải chuốt, làm đẹp, nhưng tính cách điệu nghệ thuật không cao, thường dễ bị người ta phê bình cách thức trang điểm của bản thân đương số.
Đối với nam mệnh thì có nội tài, dễ được người khác giới để mắt, nhưng lại thiếu duyên phận. Về hôn nhân, nam mệnh và nữ mệnh đều nên nhờ người giới thiệu, và nên kết hôn muộn, nếu không sẽ chủ về duyên phận không đủ.
Khi gặp hoặc Văn xương, hoặc Văn khúc, thì thường là văn sỹ nghèo nàn, thất chí, nhưng cũng có chút thanh danh.
Về sức khỏe phần nhiều chủ về bệnh ở mắt, như bệnh nốt ruồi bay, nếu có thêm các sao Sát Hình nặng, thì có thể bị mù.

7. Lời kết

Tóm lại Sao Thái Âm có hóa khí là Phú tinh, chủ quản cung điền trạch. Nhưng cái Tài của Thái Âm có được là do tích lũy từng bước, khiến cho tình hình tài chính luôn luôn được ổn định. Lục cát thì sao nào cũng thích, lục sát sao nào cũng sợ. Tuy nhiên, bộ sao thích hợp nhất cho Thái Âm lại là bộ Tam Minh – Đào Hồng Hỷ. Sợ nhất bộ đôi Kình Đà, trong đó mấu chốt nhất vẫn là phải tránh xa Kình Dương. Dĩ nhiên hội đủ bộ Tam Minh, lại hội được bộ sao Lục Cát, tránh xa Lục Sát thì cao quý không còn gì để nói…
Thông tin cập nhật đầy đủ tại Fanpage: Tử Vi Hiện Đại
Bình luận