Chữ Thời trong Tử Vi (phần 2)

26/08/2020 204

Bài viết Chữ Thời trong Tử Vi (phần 2). Mời các bạn đọc tham khảo.

8. Cung Mùi thuộc quẻ Địa Hỏa Minh Di:

Đây là thời đi trốn tránh, người quân tử biết giấu sự sáng của mình đi, có thịnh tất có suy, đây cũng là thời âm

thịnh, dương suy (dương sinh tại Tý, âm sinh tại Ngọ) cơ trời không còn cho nữa, bậc chí tôn, người quân tử phải biết thuận thời, giấu sự sáng của mình đi (“… sáng vào trong đất…”) nhưng nếu làm vua thì phải hiểu thời, việc lớn đã xong, phải đến thời của việc khác, mình nên tự lánh đi, cho nên, quẻ tàng sau sự động của hào Năm quẻ Minh Di, là quẻ Thủy Hỏa Ký Tế, việc lớn làm xong rồi, qua sông rồi thì nên lánh đi, vì vậy chữ thời của hào Năm quẻ này là: “… hào Hai, hào Năm đều có đức tin thành giữa chính, hào hai ở dưới cuộc sang, còn có cơ lên, hào Năm ở chỗ cùng tột cuộc sang, không thể tiến nữa…” (Sđd, trang 243). Như vậy ở đây sao Tử Vi hội cùng sao Phá Quân, tuy rằng chung hướng nhưng thời dành cho mỗi người một khác rồi, lần này gặp là lần thứ hai, khác hẳn với thời tại Sơn Thủy Mông, ở thời này người giữ sao Tử Vi thật đã hết thời, phải biết nhường chỗ cho người khác thì được sự yên ổn, nhưng người có tính lý của sao Phá Quân, thì thời này lại có hy vọng ở tương lai, có thể cứ vững lòng tin, vững chí hướng, sẽ có cơ hội lớn dành cho, không phải hối hận như ở thời Mông, ở thời này hào Năm và hào Hai (Tử Vi – Phá Quân) đều có đức tin thành chí hướng, không phản bội nhau, khác với thời Mông.

Luận người có Tử Vi – Phá Quân tại Mùi: người có mệnh tại đây thì tốt nhất nên đi xa xứ mà sống, nếu có tính lý của sao Tử Vi (ví dụ: nhật nguyên ngày sinh mang hành Thổ, thì theo tính lý sao Tử Vi, mang hành Thủy, Kim thì theo tính lý sao Phá Quân, hoặc theo phần Ngũ hành nạp âm cũng được), ở ngôi hào Năm thì nên biết khiêm cung, nhường nhịn, không tham vọng nữa, ở ngôi hào Hai, sao Phá Quân thì cần lòng tin chung chính, phải biết chờ thời, biết theo thời, biết linh động theo để có sự nghiệp, nhưng không phản bội, bội tín với vua, khi giúp người hết thời, thì cũng cần biết phòng bị, lo lắng cho tương lai của mình, cái biết này cần phải giấu kín mới được vậy.

9. Cung Thân thuộc quẻ Thuần Khôn:

Đây là thời giữ phận: “…Có phải là người mềm phận trung chính, làm việc qua thường phận không được, chỉ khi theo thường giữ phận, thì lại làm được việc hay không? Đáp rằng: là thế”, người quân tử, bậc chí tôn tại thời này cũng đều phải biết giữ phận, hào Năm quẻ này như sao Tử Vi tại đây: “Hào sáu Năm, quần vàng, cả tốt”; “…Vàng là màu trung chính, quần là đồ mặc phía dưới, giữ mực trung chính mà ở dưới, thì cả tốt, nghĩa là phải giữ phận vậy…” ; “…Vàng là màu trung chính, quần là đồ trang sức phía dưới, nguyên là trùm của điều thiện. Trong không trung chính, không đúng với màu của nó, dưới không cung kính, không đúng với sự trang sức của nó, việc làm không thiện, không đúng khuôn phép của nó…ba điều đó mà có điều thiếu, thì bói dù đúng vẫn chưa thể tin…”. Cho nên ở thời này, nếu động, không giữ phận thì dù có thành công, tập hợp được người, vẫn khó thành sự lớn vậy, quẻ tàng khi hào Năm động là quẻ Tỷ, ý của quẻ Tỷ nói về cách mình gần người để người gần mình, nhưng phải biết lượng thứ, vây đánh ba mặt, còn để một mặt cho muông thú thoát, chỉ bắt muông thú nào không đi theo hướng mình tha mà thôi, ý nói người làm vua, muốn gần người, tụ tập lòng người theo mình, thì phải có lòng lượng thứ, không cần giãi bày ý ra, mà chỉ tỏ bằng hành động, lượng thứ mà cương quyết mới được việc, người dưới (sao Thiên Phủ) thì cần sự trung thành, làm hết tài sức của mình để tỏ rõ đạo trung, gần gũi với vua, chứ không cần dùng lời hay: “…Đối với bạn bè cũng vậy, mình cứ sửa mình, thật lòng đợi họ, có thân với mình hay không là tùy ở họ, không nên khéo lời nói, đẹp vẻ mặt, uốn mình mà theo, cẩu thả mà hợp, để cầu họ gần gũi với mình, với làng mạc, với họ hàng, đâu đâu cũng thế…”

Luận thời Tử Vi – Thiên Phủ tại Thân: cũng là lần thứ hai gặp nhau, nhưng ở thời này, thời âm thịnh, thì người ngôi trên, ngôi dưới đều cần sự biết giữ phận, là người biết dùng hành động, công việc cụ thể để tỏ rõ đạo trung chính, tỏ rõ thiện chí với người, không phải là kẻ trí trá, mồm mép, lại là người có lòng bao dung lượng thứ, lại ở thời chứa đầy, biết tích luỹ, cho nên có thể làm việc lớn, lợi lớn về của cải, nhất là về đất cát điền trang.

10. Cung Dậu thuộc quẻ thuần Đoái:

Nghĩa của quẻ Đoái là sự đẹp lòng: “…Đạo đấng quân tử đẹp lòng với dân, giống như trời đất ra ơn, cảm được lòng họ mà họ vui phục không chán. Cho nên dùng cách đó mà đi trước dân thì dân đẹp lòng theo mà quên sự khó nhọc, đem dân phạm vào sự hiểm nạn, thì dân thực bụng vui phục với nghĩa, mà không ngại sự chết…”. Nhưng vào thời vui vẻ, ở ngôi chí tôn, thì phải cẩn thận, cho nên hào Năm (sao Tử Vi) ở thời này lại phải thận trọng, không nên quá tin vào kẻ làm đẹp lòng mình (sao Tham Lang) “…cho nên lời chiêm chỉ răn: hễ tin hào Sáu trên thì có nguy” cho nên ta thấy lời quẻ Qui Muội (đây là quẻ tàng khi hào Năm quẻ Đoái động) “…Đoái lấy tư cách gái trẻ mà theo Chấn là trai lớn, mà tình của nó là lấy sự đẹp lòng mà động, không phải chính đạo…. Đi thì hung, mà không lợi về sự gì”. Như vậy vào thời này, nếu manh động thì tất sẽ gặp nguy vậy, vào thời này cần giữ nghĩa khí, chuộng lễ chứ không chuộng sự trang sức, thì mới được chính bền.

Luận người có sao Tử Vi – Tham Lang tại cung Dậu: nếu theo tính lý của Tử Vi, thì đây là người khá ham chơi, giỏi làm giàu, có tài làm đẹp lòng người khác, qui tụ được nhiều bạn bè, tính quân tử, hào sảng, ưa trọng lễ tiết mà không coi trọng vật chất, nếu theo tính lý sao Tham Lang thì đây là người giỏi lấy lòng người khác, nhất là với cấp trên, là người giỏi về tham mưu, bày vẽ kế hoạch. Ở thời này, nếu cuộc đời không động (không đi xa) và có hôn nhân chính đáng thì khá thành đạt

11. Cung Tuất thuộc quẻ Thiên Trạch Lý:

Quẻ Lý là nói cái lý “mềm xéo theo cứng. Đoái lấy đức đẹp lòng xuôi thuận, ứng với Kiền là Dương cương mà xéo tựa nó, ấy là dưới thuận với trên, Âm vâng theo Dương, chính là chí lý trong thiên hạ. Xéo mà như thế, rất thuận, rất đáng, tuy xéo đuôi cọp cũng không bị đau hại, cứ thế xéo đi, sự hanh thông có thể biết chắc…”. Như vậy nếu như ở thời Đoái, cứ vui vẻ, đẹp thuận lòng người, không cả tin để rồi xua dân vào chỗ chết, thì tất thời này được sự hanh thông, nhưng nếu ngay thời Đoái đã động, thì đến thời này tất sẽ nguy, cho nên lời tượng hào Năm quẻ Lý nói rằng: “Quyết xéo, chính bền, nguy!”. Như vậy sao Tử Vi thời này thật là người cương quyết, độc quyền. Người đủ tài còn nguy, huống hồ chưa đủ minh, cho nên thời này Tử Vi chính gặp họa tự thị và sự dẫn dắt khi động hào Năm, sẽ có ngay quẻ Hỏa Trạch Khuê, thời chia lìa, chống đối, thời cách mạng sao Tử Vi và sao Thiên Tướng, tuy cùng đồng chí hướng nhưng rồi vẫn phải chia lìa: “Quẻ Khuê, lửa động mà lên, trằm động mà xuống, hai gái ở cùng, mà chí họ không cùng đi”.Ta thấy vào thời Âm thịnh, bắt đầu từ Mùi trở đi đến Tuất, nếu hào Năm Động thì đều gặp sự nguy cả.

Luận người có Tử Vi – Thiên Tướng tại Tuất: nếu theo tính lý Tử Vi, thì đây là người cương cường, tính khí bảo thủ, độc đoán, có tài lãnh đạo, nhưng hay mắc lỗi lớn trong cuộc đời. Theo tính lý sao Thiên Tướng: đây là người có bản lãnh, biết hòa đồng với quần chúng, có lập trường riêng, sống có tình, có lý, biết trên, biết dưới, phân minh, biết nắm bắt cơ hội, thời cơ, nhưng không phải là kẻ vụ lợi, tính thẳng thắn, cương trực.

12. Cung Hợi thuộc quẻ Thuần Càn:

Cuộc đời người nào rồi cũng về trời cả, đấy là tại sao 64 quẻ Kinh Dịch đều Quy Nạp về quẻ Càn, ở thời thuần Càn thì tất cả đều được “Kiền, nguyên hanh lợi trinh” (Lời Kinh quẻ Càn). đây là thời thuận trời thuận dân, nên vua tôi đều được hưởng sự tốt, chính bền.

Luận Tử Vi – Thất Sát tại Hợi: Hai sao này lần gặp thứ nhất tại cung Tỵ, quẻ Tốn thuộc tượng đình chùa, thày trò vào chùa học đạo, những khi đó vẫn còn sân si, còn mưu sự thanh trừng, canh cải, đến cung Hợi quẻ Càn, thày trò đều hanh thông, trên dưới một lòng, động hào Năm được quẻ Đại Hữu, chính là sự có lớn, giàu có vật chất, giàu có cả về tinh thần, tư tưởng.

Như vậy là Lão Nông đã đi qua 12 cung, biểu thị chữ Thời của Tử Vi, được hiểu rằng chúng tàng chứa trong các quẻ Kinh Dịch, 64 quẻ Dịch là biểu thị qui luật của vũ trụ, trên lá số Tử vi, 12 cung Địa bàn là biểu thị cho một tiểu vũ trụ, tức là một cõi người trong vũ trụ bao la… điều này thật còn mênh mông cho chúng ta tìm hiểu.

Nói môn Tử Vi được sinh ra từ Kinh Dịch, phải hiểu là thánh nhân đã dùng môn Tử Vi để nói rõ nghĩa về chữ Thời, gắn cho mỗi nhóm người cụ thể. Ngay như khi xét đến sao Tử Vi, nếu lấy quan điểm của Kinh Dịch nói, thì phải hiểu đây là một nhóm sao (Thất Tinh), còn trên lá Tử Vi, ở 12 cung số, các chính tính nắm thời của hào Năm trong các cung mà chính tinh đó cư đóng. Trong môn Tử vi, cổ nhân dung cả thảy 110 tinh đẩu, nếu hiểu một cách cứng nhắc máy móc, chỉ xét có 14 chính tinh thì không thể hiểu được ý của thánh nhân, bởi vì ngay các quẻ trùng quái thì cũng chỉ hiển thị qua sáu hào từ, mà diễn giải 8 quẻ 6 hào này thì vô vàn, tùy tâm hiểu biết của mỗi người. Điều đó có nghĩa là: tùy sự cảm nhận của mỗi người, mới có thể lãnh hội phần nhạy cảm, phần mờ, phần tàng ẩn trong môn học. Dù có lĩnh hội được đến đâu, thì trong khi luận giải một lá Tử vi, cái quan trọng chính là sự lô gích giữa các sự kiện, nếu ta không thấy sự liên kết lô gích thì không được khiên cưỡng, gượng ép khi dự báo, luận giải cái mà ta chưa hiểu, chưa biết, là bởi ta còn vô minh, cần phải học nữa, học mãi, bởi vì ngay bản thân Kinh Dịch, với tư cách là cái gốc của Tử Vi, đã là một trong những môn học rất khó, với khối lượng kiến thức, thông tin đồ sộ, nên từ xưa tới nay mới không có ai dám tự nhận mình là người thông bác Kinh Dịch, người có duyên, để cả cuộc đời tâm huyết cũng chưa hẳn đã lãnh hội được phần nào, huống hồ với người lãng tử, chỉ lấy chuyện đọc, học Kinh Dịch làm thú giải trí, tiêu khiển, tham cứu… thì khó lắm thay! cho nên người học chớ vội gặp sự khó một chút đã nản chí, mất thời gian chuyên tâm, dài ngày năm tháng mà vẫn chưa thấy được thông tỏ thì cũng đừng vội báng bổ, Kinh Phật nói “tu cả đời mà ngộ thì trong giây lát” ai không hiểu được điều đó thì tất lạc cõi u mê thôi.

(Dẫn theo trang hoc-tuvi.blogspot.com)

Bình luận