Chế hóa trong tử vi (Alexphong)

26/08/2020 641

Bài viết Chế hóa trong tử vi (Alexphong). Mời các bạn đọc tham khảo.

Lục sát tinh gồm có 3 cặp sao: Không Kiếp, Hỏa Linh, và Kình Đà. 

Không Kiếp chuyên khắc phá Tử Phủ. Trong khi Tử Phủ không hề ngại Hỏa Linh. Không Kiếp hại Tử Phủ đại diện thế lực chính quy, nhưng rất hợp Phá Quân âm thủy về tính chất cũng như ngũ hành. Thứ nhì, là hợp Thiên Tướng dương thủy về tính lý nhưng ngũ hành kém hợp hơn Phá Quân vì âm dương sai khác nên khắc chế không hiệu quả. Hơn nữa, dù sao Thiên Tướng cũng là chính quy, khó có thể hợp sự vô nguyên tắc của Không Kiếp như Phá Quân được. 

Muốn chế Không Kiếp, phải dùng Quang Quý. Chế được rồi muốn hóa được ra thành công thành quả thì phải có Khôi Việt. Cho nên chế hóa Không Kiếp cần Quang Quý Khôi Việt. Nói chế hóa cũng không hẳn đúng, mà thực ra đó là cách cục mà sát tinh thành công, tính sát đắc dụng mà quý hiển.

Hỏa Linh thì có khác một chút, có thể nói cùng Không Kiếp tạo thành cặp phản đề. Hỏa Linh là hỏa nhưng có tượng là ngọn lửa, tức ít ra còn có lúc là lửa thật, chứ không phải hỏa khí hỏa tính như Không Kiếp. Cho nên gán Hỏa Linh cho dương, Không Kiếp cho âm không phải không có lý. Hỏa Linh là khắc tinh của Cơ Nguyệt Đồng Lương, bộ sao thủy mộc có tính chất ôn hòa lương thiện. Gặp Hỏa Linh như đồng khô cỏ cháy, như người lương thiện nhưng suốt ngày cáu bẳn thành ra khó nói là lương thiện. Nhưng Hỏa Linh hợp với Tham Lang. Hỏa Linh là ngọn lửa cho tham vọng của Tham Lang bùng cháy. Với phụ tinh, Hỏa Tinh là khắc tinh của Bạch Hổ, nhưng khắc tinh ở đây không phải chế hóa con hổ này mà làm con hổ này phát điên cắn phá lung tung. Cho nên nếu thấy Hổ lại thấy Hỏa Tinh là coi chừng tác họa của Hổ. Khi đó, cần có Thiên Phúc thì có thể hóa giải được họa Hỏa Tinh+Bạch Hổ. Muốn chế hóa Hỏa Linh, cần dùng Thai Tọa Quan Phúc. Ở đây Quan Phúc để chế, có thể chế bớt hỏa tính của Hỏa Tinh. Thai Tọa để hóa, có thể đưa tổ hợp Quan Phúc Hỏa Linh đến thành công.

Đến đây, ta nắm vững được cách chế hóa tứ sát thuộc hành hỏa là Hỏa Linh Không Kiếp. Nhưng đừng nhầm thuốc nọ cho bệnh kia. Dùng Khôi Việt cho Hỏa Linh, và dùng Quan Phúc cho Không Kiếp là đại họa râu ông nọ cắm cằm bà kia. Sự đời nhiều thứ hao hao, sai một li là đi một dặm. Khôi Việt Hỏa Linh là cách cục sét đánh đỉnh đầu, trời đã phải đánh thì biết nó trái lý âm dương tới mức nào. Còn Quan Phúc Không Kiếp là những Quan Phúc phải chịu thử thách ghê gớm (theo lý của tác giả VDTT) đạo đức làm người, chứ không phải những thầy tu đạo mạo như Quan Phúc Hỏa Linh. Tu là phải có đèn nến hương khói. 

Cuối cùng là bộ Kình Đà. Bản chất sát tinh của Kình Đà có khác so với tứ sát còn lại. Với chính tinh, Kình Đà là khắc tinh của Nhật Nguyệt, nhưng rất hợp với Thất Sát. Vì Kình Đà chủ sự sai lệch, đứng hai bên Lộc Tồn chủ sự chuẩn mực. Đà là muộn quá, còn Kình là sớm quá. Đà là tự kỷ còn Kình là tăng động. Đều không hợp với Nhật Nguyệt. Nhật Nguyệt định thời gian thì phải chuẩn mực cần đi với Lộc Tồn, đi với Kình Đà thì đồng hồ sai, lịch xé nhầm. Xét về ngũ hành thì tính hợp và khắc của tinh đẩu rất phong phú đa dạng. 

Mỗi chính tinh quản một cặp sao. Phá thì quản Không Kiếp, Tham thì quản Hỏa Linh, Sát thì quản Kình Đà. Nhưng Hỏa Linh Không Kiếp đều có các bộ sao đi kèm để đưa đến thành công là Thai Tọa Quan Phúc và Quang Quý Khôi Việt, còn với Kình Đà là gì.

Với Kình Đà, là bộ Long Phượng. Trong đó, Kình Dương hợp với Các, vì Kình là bay lên, Phượng là đôi cánh, bay lên mà không có cánh thì lượn làm sao. Đà La hợp với Bạch Hổ vì Đà La là chìm xuống nằm xuống, mãnh hổ nằm phục xuống rình con mồi và trốn thợ săn. 

Thất Sát hợp Kình Đà cho thấy bộ Sát Phá Tham rất hợp Long Phượng Hổ Cái. Ta biết Sát Phá Tham có thể coi là điểm trũng của lá số tử vi, nơi hàm chứa những gì xấu xa tội lỗi nhất, nếu Tử Phủ là đỉnh núi cao thì Sát Phá Tham là vũng lầy, cho nên Sát Phá Tham rất cần thành công (Phượng Các) để khẳng định mình hữu dụng, rất cần chính danh (Long Trì Bạch Hổ) để được thừa nhận mình là quân chính quy chứ không phải bọn trộm cướp võ biền. Sát Phá Tham khát khao Long Phượng Hổ Cái hơn bất cứ nhóm sao nào khác. Điều đó ẩn chứa sau sự chế hóa của Kình Đà.

Tử Phủ Vũ Tướng cần Tuế Hổ Phù, sự chính danh, sự chính thống của vương triều hơn bao giờ hết. Tử Phủ Vũ Tướng không cần tiền, không cần quyền, chỉ cần chính danh. Chính danh sẽ có quyền tiền. 

Sát Phá Tham cần Phượng Các, sự thành công từ gian khó, sự thành công từ đối nghịch. Đối nghịch Tang Tuế Điếu mà không có thành công thì nói không ai nghe. Phản truyền thống, phản trào lưu mà không có thành công thì không ai ủng hộ. Nên với Sát Phá Tham thì Phượng Các mới là ưa thích nhất, thứ nhì mới là Tuế Hổ Phù. Cho thấy bộ Tang Phượng hành động rất mạnh mẽ, mạnh mẽ nhất trong vòng thái tuế.

Thái Dương, Cự Môn cần Thiên Không, thích tam minh Đào Hồng Hỷ. Lại như Nhật Nguyệt, ta hỏi Nhật Nguyệt có hợp với Long Phượng Hổ Cái. Câu trả lời là không. Vì Nhật Nguyệt không hợp Kình Đà, càng ghét Diêu Đà Kỵ tam ám làm lu mờ ánh sáng của Nhật Nguyệt. 

Thái Dương cần tam minh Đào Hồng Hỷ, bên đó lấp ló ẩn hiện Thiên Không. Thái Dương cần Thiên Không, cần khoảng trống, cần khoảng trời để tỏa sáng hơn là Long Phượng Hổ Cái. Người xưa ẩn ý để Thiếu Dương cùng Thiên Không để phò trợ cho Thái Dương, lại nói xa gần cả Đào Hồng Hỷ là tam minh.

Thái Âm, cùng bộ Cơ Nguyệt Đồng Lương, thích Âm Long Trực, thích tứ Đức. Tục ngữ hay gọi là âm đức là vì thế. Cự Nhật cần sáng, sáng mới là cốt yếu của Nhật, sau đó mới cần đức. Thái Âm cần tứ đức, đức mới là nền tảng của Nguyệt, sau đó mới cần sáng. Cho nên, nếu Thái Dương đi cùng tứ đức, Thái Âm đi cùng tam minh thì cũng tốt nhưng xếp sau trường hợp Dương Minh và Nguyệt Đức.

Thái Dương cần tam minh, thiên không.

Thái Âm cần tứ đức, thiếu âm.

Chỉ có một thứ duy nhất hạn chế được cả lục sát tinh và tam ám. Đó là Không Vong.

———————————–

Linh Tinh đi cùng Đà La hai sao âm, tượng là sét giáng xuống hoặc anh linh sa xuống. Còn Hỏa Tinh dương phải đi với Kình Dương dương ngọn lửa bốc lên cao. Chứ không thể Linh Tinh Kình Dương một âm một dương trái khoáy, tia sét phóng ngược lên trời, Hỏa Tinh Đà La một âm một dương trái khoáy ngọn lửa bốc chui xuống thấp được. Cho nên trong cách cục kinh điển có cách cục Xương Linh Đà Vũ chứ không có Xương Linh Kình Vũ hay Xương Hỏa Đà Vũ. Người am hiểu sẽ tự hỏi vì sao trong cách cục Xương Linh Đà Vũ chỉ có sao Văn Xương là sao dương, còn lại toàn sao âm ?

Cơ bản độc giả cần phân biệt: đồng bọn và người yêu. Đồng bọn phải cùng tính âm dương cùng sở thích như bóng đá, lý số, ăn nhậu thì chơi với nhau mới thú, chứ đồng bọn mà người thích bóng đá kẻ thích bóng chày thì không nói chuyện với nhau được. Còn người yêu và người phối ngẫu phải trái tính âm dương, bổ khuyết cho nhau, người thâm trầm thì hay yêu người hoạt ngôn, người phóng khoáng thì hay yêu người ngăn nắp, đó là phối. Trong tử vi tam hợp là đồng bọn, nhị hợp là phối ngẫu.

Phải nắm thật vững tính âm dương của đồng bọn và người yêu mới hiểu được cách phối sao.

Quang Quý không hề là đạo đức, chỉ là sự may mắn, sự giác ngộ. Đạo đức do các sao tứ đức thủ diễn.

————————————-

các sao thổ như tử vi, thiên lương ít sợ hóa kỵ vì lẽ thổ khắc thủy và cũng không bao giờ hóa kỵ cả.

Tử Phủ thích Tả Hữu hơn Xương Khúc.

Nhật Nguyệt thích Xương Khúc

TPVT SP không ngại Hóa Kỵ bằng Cự Nhật Nguyệt Tham nhưng Cự Nhật Nguyệt Tham lại không sợ Tuần Triệt như Tử Phủ. Rồi mệnh Cơ Nguyệt Đồng Lương không hợp Sát Phá Tham

Tuế Phù Hổ (Tứ Linh chính vị)

Tang Tuế Điếu (Đặc sản Lộc Mã giao trì).

Nói chung, âm dương nghịch lý chỉ hợp cho mệnh Cự Nhật Cơ Nguyệt Đồng Lương. Khi đó có Tam Minh Tứ Đức thủ diễn. Còn âm dương thuận lý hợp cho Tử Phủ Vũ Tướng Sát Phá Tham.

Phủ ngại Tuần, Tướng ngại Triệt. Tất nhiên, cả hai chẳng ưa gì Tuần Triệt, ở đây chỉ cân phân cụ thể hơn.

Địa Không ngại Tuần, Địa Kiếp ngại Triệt.

Tử Phủ Vũ Tướng Sát Phá Tham không sợ Kỵ mà chỉ sợ Tuần Triệt, còn Cơ Nguyệt Đồng Lương ngược lại chỉ sợ Kỵ mà chẳng ngại Tuần Triệt

Vô Chính Diệu thích Triệt hơn Tuần ? Mệnh Không thân Kiếp không hợp Đồng Lương. Mệnh Triệt thân Tuần cũng không hợp Cơ Nguyệt Đồng Lương mà hợp VCD. Điều này càng khẳng định sự tương ứng giữa Mệnh Không thân Kiếp và mệnh Triệt thân Tuần. Phải chăng Triệt hợp với Không còn Tuần hợp với Kiếp ?

VCD hợp Triệt hơn Tuần, đến giờ bạn hiểu thêm Triệt là đóng, vì đóng nên ngôi nhà trống vô chính diệu đã có cửa không còn trống nữa. Qua đó, bạn hiểu thêm Tuần là mở. Nghe sao giống Triệt là tách ra, Tuần là gom vào, mà lại rất hợp lý

Với chính tinh hãm địa, hoặc cung VCD, nhận định ban đầu là xấu. Nhưng khi có Tuần Triệt án ngữ, cung đó được coi là tốt, nhưng bạn chú ý, người xưa mô tả cái tốt này rất hay. Cái tốt này không thô lỗ chóng vánh ngay tắp lự, mà sách viết “trước khó sau dễ” tức tốt lên từ từ. Tuần Triệt cải hóa cung nó tác dụng một cách từ từ. Qua đó cũng hiểu cho hoàn cảnh của chính tinh miếu địa gặp Tuần Triệt, bạn có thể luận trước tốt sau xấu, xấu đi từ từ. Nhưng luôn luôn có hạn chế cho cung có Tuần Triệt như “trước khó kiếm tiền sau dễ, nhưng không thể giàu có lớn được”. Khi Tuần Triệt đóng cung phụ mẫu. Thì nhận định tốt xấu của cung để đoán định sự giàu nghèo sang hèn của cha mẹ của cha mẹ nhưng dù tốt hay xấu thì cũng khắc và xa song thân. Đó cũng là mẫu số chung khi Tuần Triệt đóng cung lục thân.

Ngoại trừ một trường hợp, đó là cung VCD. Cung VCD có ba mức tốt xấu. Tệ nhất là VCD, tốt hơn là VCD có Tuần Triệt án ngữ, đẹp nhất là VCD vừa có Tuần Triệt án ngữ vừa có Nhật Nguyệt sáng sủa xung chiếu hoặc hợp chiếu. Tuần Triệt lúc đó được hiểu như lực lượng câu hút ánh sáng đồng thời giữ ánh sáng lại cho ngôi nhà trống.

Tính chất thời gian của Tuần Triệt giống tính chất thời gian của sát tinh. Bạn có chú ý, sát tinh miếu địa chỉ tốt ban đầu, càng về sau càng xấu. Không những sát tinh, kể cả bại tinh đắc địa cũng có cùng tính chất. Tại sao tử vi lại áp đặt tính chất này lên sát bại tinh mà không phải ngược lại là trước xấu sau tốt. Có lẽ phương Đông trọng hậu hơn. Cái gì tốt nhưng phải bền mới cho là tốt, cái gì xấu nhưng thoáng qua thì họ cho là thử thách. Cả đời khổ thế nào cũng được, nhưng cuối đời tốt đẹp coi như cuộc đời có hậu, hơn nhiều cuộc đời sướng trước khổ sau. Hoặc có thể đó là quy luật của vũ trụ này mà người phương Đông khám phá ra, cái gì thuộc về bản chất sẽ bộc lộ sau cùng. Cho nên bản chất của sát tinh vẫn là xấu, không thể thay đổi. Ngược lại, với Thái Dương hãm địa, sách cho rằng càng về già càng tốt hơn.

Phải chăng, người xưa coi miếu hãm là cái vỏ ngoài, còn bản chất tinh đẩu là bên trong. Đây là điểm khá thú vị của tử vi nhưng người mới học thường bỏ qua.

———————————–

Đào Hồng chỉ chủ tình dục khi và chỉ khi gặp Thai. Đào Hồng chỉ chủ ngoại tình khi gặp Phục Binh. Còn nếu không gặp hai sao trên Đào Hồng chỉ mang ý nghĩa đẹp sặc sỡ, duyên nói chung. Đừng mới thấy Đào Hồng đã phán bừa. Đào Hồng Không Kiếp không có tình dục mà là đại họa vì khi đó Đào là Kiếp Sát còn Hồng Loan là máu. Đào Diêu chủ dâm hơn chủ dục. Thai Phục Vượng Tướng là cách cục quan hệ tình dục lén lút, không có Đào Hồng đi kèm thì có khả năng không có tình yêu hoặc có yêu nhưng không bền. Còn Đào Hồng đi cùng tam ám Diêu Đà Kỵ mới có sự dối lừa, vì tam ám chủ dối lừa, nếu không có Đà Kỵ thì không có sự dối lừa nhau.

Trong tử vi có một tuyệt kĩ liên quan tới tình ái đó chính là Tam minh.

Tam minh gồm có: Đào Hồng Hỉ.

Đào Hoa mang theo sự quyến rũ về mặt giới tính. Thứ thuộc về bản năng gốc của con người.

Hồng Loan chính là sự thăng hoa về tinh thần trong tình ái. Yêu chứ, nhưng không phải là chiếm hữu bằng bản năng gốc. Đôi khi chỉ đơn giản là sự đồng điệu về mặt tâm hồn.

Thiên hỉ thì sao? Thiên hỉ quan trọng lắm. Tôi cho rằng Thiên hỉ quan trọng nhất trong tam minh. Là bởi vì Thiên Hỉ ẩn tàng trong nó sự kết tinh/ kết quả của tình yêu.

Đã từng viết một bài về Đào Hoa Địa Kiếp – Nửa hồn thương đau

Lại từng viết bài về Hồng Không Cô Quả – Em Khoảng Trống và Tôi.

Hình Riêu Không Kiếp thì tối kị rơi vào mệnh số đàn bà, chủ bị bạc tình, chồng phụ tình đi theo gái (Riêu nằm bên cánh trái chiếu về), nếu gặp thêm Kị, Phục thì chồng sẽ đi mà không bao giờ trở lại (Kị Phục = cấm kị trở lại, không quay về)

—————————————

Nếu khí dương Bắc Đẩu đại diện cho Lửa (Thái Dương) – Chinh phục – Danh Tiếng – Quan Lộc. Thì khí âm Nam Đẩu đại diện cho Nước (Thái Âm). Thái Âm là tinh túy của nước – Bao Dung – Của Cải – Điền Trạch. 

Ngoài ra, Dương chủ quản ngày Âm chủ quản đêm. Âm Dương còn là hai con mắt.

Dương chủ Nam, Âm chủ Nữ. Dương chủ Tuấn Tú, Âm chủ Tuấn Nhã. Dương chủ Cha, Âm chủ mẹ. Dương chủ chồng, Âm chủ vợ. Dương chủ con trai (Thiếu dương), Âm chủ con gái (Thiếu Âm). Âm Dương tối kỵ lục sát tinh phá. Âm bị lục sát phá, cơ cấu gia đình bất ổn. Người mẹ dễ còn vấn đề, người vợ dễ có vấn đề. Kình Đà dễ chia ly, Linh Hỏa lao tâm khổ tứ, Không Kiếp thì trầm luân đa đoan.

(Dẫn theo trang vuihoctuvi.blogspot.com)

Bình luận