Càn – Văn ngôn truyện – Chương 1

19/08/2020 206

Bài viết Càn – Văn ngôn truyện – Chương 1. Mời các bạn đọc tham khảo.

Văn ngôn viết: Nguyên giả, thiện chi trưởng dã; hanh giả, gia chi hội dã; lợi giả, nghĩa chi hòa dã; trinh giả, sự chi cán dã. Quân tử thể nhân túc dĩ trưởng nhân, gia hội túc dĩ hợp lễ, lợi vật túc dĩ hòa nghĩa, trinh cố, túc dĩ cán sự. Quân tử hành thử tứ đức giả, cố viết “Càn: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh”.

Dịch: Nguyên thủy là bậc tôn trưởng của mọi việc thiện; hanh thông là sự hội hợp của mọi điều tốt đẹp; có lợi là sự hài hòa của việc nghĩa; chính bền là cái gốc của hành sự. Bậc quân tử lấy lòng nhân làm bản thể thì có thể làm bậc tôn trưởng của mọi người, cầu tìm sự hội hợp của các điều tốt đẹp thì phù hợp với lễ, làm cho mọi vật khác cùng được lợi là phù hợp với nghĩa, kiên trì sự tiết tháo của chính bền thì có thể làm được việc tốt. Bậc quân tử là người có bốn cái đức đẹp này, cho nên nói: “quẻ Càn tượng trưng cho trời: nguyên thủy, hanh thông, hài hòa có lợi, trinh chính chắc bền.

Sơ cửu viết: Tiềm long vật dụng, hà vị dã ? Tử viết: Long đức chi ẩn giả dã. Bất dịch hồ thế, bất thành hồ danh; độn thế vô muộn, bất kiến thị nhi vô muộn; lạc tắc hành chi, ưu tắc vi chi, xác hồ kỳ bất khả bạt, tiềm long dã.

Dịch: Lời hào Sơ cửu nói: Rồng lớn ẩn mình dưới nước, tạm thời chưa thi thố được tài năng. Nói thế có nghĩa là gì ? Khổng Tử nói: Đây là ví với người có đức như con rồng mà phải ẩn cư. Ông ta không bị thế tục ô trọc làm thay đổi tiết tháo, không bị mê hoặc luyến tiếc bởi sự thành tựu trong công danh, ông ta xa rời trốn tránh khỏi thế tục cũng không đau khổ, vui thì làm không vui thì không làm, có được ý chí kiên định không chút dao động. Người như vậy gọi là rồng lớn còn ẩn náu.

Cửu nhị viết: Hiện long tại điền, lợi hiện đại nhân, hà vị dã ? Tử viết: Long đức nhi chính trung giả dã. Dung ngôn chi tín, dung hạnh chi cẩn; nhàn tà tổn kỳ thành, thiện thế như bất phạt, đức bác nhi hóa. Dịch viết: hiện long tại điền, lợi hiện đại nhân, quân đức dã.

Dịch: Lời hào Cửu nhị nói: Rồng lớn đã xuất hiện ở cánh đồng, lợi về sự xuất hiện đại nhân, nói thế có nghĩa gì ? Khổng Tử nói: Câu này là ví với người có đức độ mà lập thân trung chính như rồng, tuy là câu nói bình thường, nhưng đã nói là làm, hành động hàng ngày của ông ta cẩn thận đúng mực, ngăn điều tà giữ điều thành thật, hành vi tốt đẹp của ông ta vĩ đại mà không cậy công, đức rộng mà cảm hóa được mọi người. Dịch nói: Rồng lớn đã xuất hiện ở cánh đồng, lợi về sự xuất hiện đại nhân, chính là nói lên ý đã xuất hiện người hiền có đầy đủ phẩm chất của bậc quân chủ.

Cửu tam viết: Quân tử chung nhật càn càn, tịch thích nhược, lệ vô cữu, hà vị dã ? Tử viết: Quân tử tiến đức tu nghiệp. Trung tín, sở dĩ tiến đức dã. Tu từ lập kỳ thành, sở dã cử nghiệp dã. Tri chí chí chi, khả dữ ngôn cơ dã. Tri chung chung chi, khả dữ tồn nghĩa dã. Thị cố thượng vị nhi bất kiêu, tại hạ vị nhi bất ưu. Cố càn càn nhân kỳ thời nhi thích, tuy nguy vô cữu hĩ.

Dịch: Lời hào Cửu tam nói: Người quân tử cả ngày hăng hái tự cường, cho tới tận đêm khuya lúc nào cũng cảnh giác, thận trọng trong hành động, như vậy dù có gặp nguy hiểm cũng tránh được cữu hại, nói thế có nghĩa gì ? Khổng Tử nói: Đây là ví với người quân tử muốn được tiến đức, sửa nghiệp. Trung tín là để tiến đức, sửa lời nói dựng điều thành thực là có thể tích súc công danh sự nghiệp. Người mà biết được mục tiêu tiến thủ và cố gắng thực hiện được nó, thì ta có thể cùng người đó trao đổi về những điều cơ vi trong sự phát triển của sự vật. Người mà biết được lúc nên dừng mà dừng đúng lúc thì với người đó, ta có thể cùng họ giữ được trạng thái thích nghi trong quá trình phát triển của sự vật. Người như vậy thì có thể ở địa vị trên mà không kiêu ngạo, ở địa vị thấp mà không ưu sầu. Cho nên, nếu ta có thể giữ được sự hăng hái, mạnh mẽ cho lâu dài, trong hành động luôn cảnh giác, thận trọng thì dù có gặp nguy hiểm cũng tránh được điều cữu hại.

Cửu tứ viết: Hoặc dược tại uyên, hà vị dã ? Tử viết: Thượng hạ vô thường, phi vi tà dã; tiến thoái vô hằng, phi vi quần dã. Quân tử tiến đức tu nghiệp, dục cập thời dã, cố vô cữu.

Dịch: Lời hào Cửu tứ nói: Hoặc bay vượt lên trước, hoặc lui nấp dưới vực, tất không cữu hại, nói thế có nghĩa gì ? Khổng Tử nói: Đây là nói sự thăng lên giáng xuống của người hiền là không nhất định, miễn là không xuất phát từ tà ý; sự tiến thủ hoặc thoái lui của người đó là không nhất định, miễn là không xa rời mọi người. Người quân tử tăng đức, sửa nghiệp là muốn nắm lấy thời cơ để tiến thủ, vì thế mà tất vô cữu hại.

Cửu ngũ viết: Phi long tại thiên, lợi hiện đại nhân, hà vị dã ? Tử viết: Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu; thủy lưu thấp, hỏa tựu táo; văn tòng long, phong tòng hổ; thánh nhân tác nhi vạn vật đổ; bản hồ thiên giả thân thượng, bản hồ địa giả thân hạ, tắc các tòng kỳ loại dã.

Dịch: Lời hào Cửu ngũ nói: Rồng lớn bay cao trên trời, lợi về sự xuất hiện đại nhân, nói thế có nghĩa gì ? Khổng Tử nói: Đây là ví với âm thanh cùng loại thì cảm ứng nhau, hơi khí cùng dạng thì cầu hợp nhau; nước chảy xuống chỗ trũng ướt, lửa lan tới chỗ khô, mây lành theo tiếng rồng kêu, gió khe theo tiếng hổ gầm mà sinh. Thánh nhân mặc sức trị thế mà muôn vật tỏ sáng dễ thấy, cái gì dựa vào trời thì thân cận với trên, cái gì dựa vào đất thì thân cận với dưới, vật nào theo với loại vật ấy mà phát huy tác dụng.

Thượng Cửu viết: Kháng long hữu hối, hà vị dã ? Tử viết: Quý nhi vô vị, cao nhi vô dân, hiền nhân tại hạ vị nhi vô phụ, thị dĩ động nhi hữu hối dã.

Dịch: Hào Thượng cửu nói: Rồng lớn bay cao đến cùng cực, cuối cùng sẽ có sự hối hận, nói thế có nghĩa gì ? Khổng Tử nói: Đó là ví với một loại người tôn quý nào đó mà không có thực vị, ngôi ở rất cao nhưng không quản được trăm họ, tuy có người hiền tài ở dưới nhưng lại không có người trợ giúp, cho nên nếu một ngày nào đó có sự khinh suất mà vọng động thì sẽ có sự hối hận.

(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)

Bình luận