Thủy pháp dựa vào trạng thái tiêu trưởng của vật chất được gọi là thủy pháp trường sinh. Mà từ “trường sinh” ở đây là để chỉ 12 trạng thái tiêu trưởng của ngũ hành (vật chất). 12 trạng thái đó là: tuyệt – thai – dưỡng – trường sinh – mộc dục – quan đới – lâm quan – đế vượng – suy – bệnh – tử – mộ. Thường thì mọi người hay khởi từ trường sinh mà tính, đó chỉ là một quy ước để dễ nhớ chứ không phải trường sinh là khởi đầu của trạng thái tiêu trưởng. Vậy tại sao lại khởi từ tuyệt mà không phải là khởi từ trường sinh? Xin thưa! “Tuyệt” là trạng thái đầu tiên của chuỗi tiêu trưởng. Sau đây là 12 trạng thái tiêu trưởng của vật chất.
Tuyệt: Vật chất đã mất đi đang ở trong trạng thái hư không, trống rỗng
Thai: Thời kỳ bắt đầu thai nghén của vật chất để chuẩn bị một tiến trình mới.
Dưỡng: Vật chất thai nghén đã hình thành đang trong giai đoạn nuôi dưỡng (dưỡng thai)
Trường sinh: Vật chất được sinh ra, thời điểm này là thời điểm Thiên Địa âm dương giao hội có khí trường mạnh nhất, gia đoạn lớn lên và trưởng thành của vật chất
Mộc dục: Như thân thể của đứa trẻ được tắm gội sạch sẽ để bước vào đời
Quan đới: Thời kỳ học hành uốn nắn, tôi luyện, sinh vật bắt đầu trưởng thành.
Lâm quan: Đã trưởng thành, gánh vác được trách nhiệm
Đế vượng: Thời kỳ sung sức nhất, hưng thịnh nhất
Suy: Ranh giới của hưng thịnh và suy tàn, giai đoạn ngừng phát triển, chuẩn bị cho một thời kỳ mới
Bệnh: Bặt đầu già cỗi, sinh bệnh tật
Tử: Giai đoạn chết
Mộ: Vật chất được cho vào kho, mộ để chuẩn bị cho một chu trình mới.
Cứ thế vòng tuần hoàn tiêu trưởng sinh sinh diệt diệt vận hành không ngừng, tạo ra các thế giới vật chất trong vũ trụ.
Cổ nhân đã dùng các trạng thái này để đặt tên cho các trạng thái của nước trong phong thủy, để khi nhìn thấy tượng của nước thì sẽ đoán ra được khí ở bên trong nó. Đó là “trường sinh thủy pháp”, phân loại như sau:
Cát thủy gồm: dưỡng, sinh, mộc dục, quan đới, lâm quan, đế vượng
Hung thủy gồm: Bệnh, tử, mộ, tuyệt, thai
Bán cát bán hung thủy: Suy thủy
Tại sao lại đưa Thai thủy vào nhóm hung thủy, chúng ta hãy quan sát lại quá trình tiêu trưởng của vật chất ở trên. Sau khi vật chất từ trạng thái hư vô trống rỗng chuyển sang quá trình thụ thai, lúc này vật chất chưa thành hình mà chỉ có 2 khí âm và dương rất mỏng manh yếu ớt, rất dễ bị tổn thương, kể cả khi đã thụ thai nhưng chưa được dưỡng thì cái thai đó vẫn chưa có lực vì thế khí của nó vẫn là khí suy chứ chưa được gọi là vượng, vì vậy cổ nhân xếp nó vào nhóm hung thủy. Trong vòng trường sinh thủy, tuyệt thai thủy tức Lộc tồn thủy, sách Địa lý ngũ quyết có viết
“Tuyệt thai khả phóng thuỷ,
Triều lai khước bất tường,
Canh phạ địa chi củng,
Trưởng nhị lưỡng phòng ương.”
Còn suy thủy sao lại là bán cát bán hung (nửa tốt, nửa xấu)? Vì trạng thái suy là trạng thái kết thúc của thời kỳ mà vật chất hưng thịnh để chuẩn bị bước sang thời kỳ suy tàn, nó vẫn còn dư khí của đế vượng. Vì chưa bước sang giai đoạn bệnh nên vẫn còn lực, nhưng là lực của một anh lực điền đã vào tuổi trung niên. Cũng như con người, thời kỳ hưng vượng nhất của sức khỏe là thời thanh niên, thời kỳ hưng vượng nhất của trí tuệ là vào tuổi trung niên. Cho nên suy chưa hẳn đã tàn vì nó chưa bị bệnh, mà dư khí của vượng vẫn còn, nhưng trí tuệ lại quá sung sức, vì vậy cổ nhân trong thủy pháp gọi suy thủy tức Cự môn thủy là “Học đường thủy” là có lý do của nó. Ngoài ra suy thủy còn là “dâm thủy” cho nên “học đường” ở đây không giống như học đường của Văn khúc và Văn xương thủy. Cự môn thủy cũng giống như con người có 2 lỗ mũi dùng để thở, nó phải hít ra thở vào dều đặn thì mới tốt, còn bằng không chỉ hít vào mà không thở ra (hoặc ngược lại) thì là tử. Cho nên nếu dùng loại thủy này thì cần phải xuất nhập điều hòa mới tốt.
(Nguyễn Tiến Dũng)