Bàn về số mệnh và các phương pháp đoán số

26/08/2020 903

Bài viết bàn về số mệnh và các phương pháp đoán số của tác giả Simon. Mời các bạn đọc tham khảo.
Từ xa xưa người ta đã có khái niệm về số mệnh. Từ khi khoa học phát triển, nhiều người đã phản đối số mệnh kịch liệt. Tuy nhiên, số người tiếp tục tin vào số mệnh không ít, kể cả trong giới trí thức. Chính vì vậy, ở đây tôi xin trình bày quan điểm của mình về số mệnh và điểm qua các phương pháp đoán số để mọi người tham khảo. Tôi rất mong được chỉ giáo thêm.

I- Số mệnh là gì

Thông thường người tin vào số mệnh cho rằng số mệnh là sự áp đặt trước số phận ( tương lai) mỗi người mà mỗi cá nhân khó hoặc không thể thay đổi được. Theo tôi có thể diển đạt vấn đề như sau:

Ta có 1 vật thể bay trong không gian. Vật thể này chịu ảnh hưởng của rất nhiều trường lực. Các trường lực này biến đổi theo 1 qui luật nào đó. Nếu biết được qui luật của các trường lực này và biết thời điểm, vị trí vật thể bay xuất phát, ta có thể tính được quĩ đạo của nó. Qũi đạo này tạm gọi là quỉ đạo qui ước. Điểm khác biệt lớn nhất ở đây giữa con người và số mệnh so với ví dụ trên là:

– Con người có khả năng sửa đổi chính mình, từ đó sẻ bị ảnh hưởng bởi trường lực này hay khác nhiều hay ít hơn.

– Ý thức được mình đang đi tới đâu và có khả năng thúc đẩy hay chống lại quá trình đó.

– Thật ra con người không đơn độc mà còn tương tác qua lại với rất nhiều người (trong ví dụ trên là các vật thể) khác.

Các cố gắng trên chỉ có tác dụng trong chừng mực. Tuy nhiên, đôi khi chỉ 1 chút xíu lại thay đổi tất cả vì đôi khi lệch khỏi quĩ đạo 1 vài milimét sẽ biến 1 cú va chạm chết người thành 1 vụ va quẹt nhẹ.

Tóm lại trong giả định về số mệnh của tôi có hai điểm mấu chốt:

1. Số mệnh là 1 sự tác động mềm dẻo lên từng cá nhân theo 1 qui luật nào đó mà chúng ta không thể ý thức được trọn vẹn.

2. Trong đời người có những điểm tới hạn (critical). Tại các điểm này, nổ lực cá nhân có vai trò rất lớn.

Số mệnh và các phương pháp đoán số

Số mệnh và các phương pháp đoán số

II- Các phương pháp đoán số và khoa học:

Một bộ phận các nhà khoa học tinh tưởng vào các phương pháp đoán số đã cố tìm cách giải thích các nguyên lý của các phương pháp đoán số bằng khoa học. Ví dụ: Có người đề cập đến trường sinh học và thời sinh học, có người cho rằng Tử vi là 1 cách phân tích tâm lý, có người đã tìm ra cách tính điểm các ngôi sao tại các vị trí khác nhau trên lá số tử vi và cuối cùng đã chứng minh được tổng số điểm trên tất cả cac lá số tử vi là 1 hằng số, nhiều người so sánh kinh dịch với hệ nhị phân của máy vi tính …vv.

Theo thiển kiến của tôi thì những khám phá trên tuy rất hay nhưng không đủ chặc chẽ và cũng không nên làm. Chắc hẳn người xưa đã không đi đến các qui luật lý số hoàn toàn bằng thực nghiệm, nghĩa là bằng cách đúc kết kinh nghiệm. Chắc chắn họ đã có hướng tiếp cận khác chúng ta và họ có cách tư duy và phát triển tri thức rất đặc biệt. Đành rằng 2 nền tảng học thuật khác nhau cũng có thể đi đến 1 kết quả nhưng tại sau lại cố dùng thuyết này để chứng minh sự đúng đắn của 1 kết quả của một thuyết khác? Theo tôi, chúng ta nên theo cách xưa khi nghiên cứu học thuật của người xưa. Chỉ có điều, cách này đòi hỏi quá nhiều về bản thân người nghiên cứu.

Về phần khoa học, nói cho cùng thì cũng dựa trên các tiền đề. Các tiền đề này thì luôn được chỉnh sửa cho nó khớp với thực nghiệm kỹ thuật. Không nên cho rằng kỹ thuật là thành quả không thể tách rời của các học thuyết khoa học. Mải sau này con người mới biết đến vi khuẩn trong khi kỹ thuật thuộc da, làm rượu bia, ..vv đã có từ xa xưa. Kỹ thuật là hiểu biết của con người có tính thực nghiệm. Khoa học theo sau đưa ra các học thuyết. Các học thuyết này đôi khi đã thúc đẩy được kỹ thuật nhưng điều này không đủ chứng minh là các học thuyết ấy đúng hoàn toàn. Lịch sử khoa học đã từng có rất nhiều cuộc lật đổ các học thuyết khác nhau.

III – Bàn về các phương pháp đoán số:

Có 3 nhóm chính:

– Dựa vào thời điểm người sinh ra.( Tử vi, tứ trụ, bát tự…)

– Dựa vào biểu hiện trên chính cơ thể con người. ( Tướng số, xem mạch đốc, chỉ tay…)

– Dưa vào sự ngẫu nhiên ( Mai hoa dịch, độn, bói bài…)

1. Tử vi và các phương pháp thuộc nhóm 1:

Một câu hỏi thường được hỏi là hai người có 2 lá số giống nhau thì có số mệnh giống nhau không? Nếu vây thì tại sau vua chỉ có 1 mà người cùng lá số với vua thì nhiều?

Theo 1 số tài liệu thì với cách tính tử vi thì có tối đa khoảng 500.000 lá số khác nhau. Như vậy, nếu dân số là 75.000.000 người thì ta có số người có cùng 1 lá số là 150 người. Trở lại câu chuyện về vật thể bay, quĩ đạo của nó không chỉ phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm mà còn vị trí xuất phát nửa. Người sinh ra trong các gia đình khác nhau, địa phương khác nhau thì vận mệnh cũng khác nhau cho dù có chung lá số.

Cũng có người đã quan sát hai người có cùng lá số và đã thấy họ có những điểm tương tự tại các vận hạn khác nhau. Tuy nhiên, chuyện giống nhau hoàn toàn là không có. Thêm vào đó, như tôi đã nói về điểm tới hạn ( critical), sau những điểm giới hạn này số mệnh hai người có chung lá số có thể rất khác nhau. VD: Thi đại học, điểm chuẩn là 20 điểm. Anh A. trong tình trang khó khăn vẫn rất cố gắng và được 20 điểm. Anh B kém bản lỉnh hơn chỉ được 19.5 điểm. Thế là người đậu, kẻ rớt. Không bàn thêm cũng thấy cuộc đời họ sau đó sẽ khác nhau. Sau nhiều điểm tới hạn như vậy vận mệnh họ sẽ rất rất khác nhau.

Một điểm nữa cần chú ý là tử vi mạnh về định tính hơn định lượng, thế mà như ta biết, lượng đổi thì chất đổi.

Xem tử vi theo tôi có các điểm sau nên chú ý :

– Tư vi phản ảnh quan điểm cổ xưa, khi áp dụng vào thời đại ngày nay cần có cái nhìn thoáng hơn.

– Tử vi phản ánh tương quan giữa người có lá số và sự vật xung quanh, không phải bản thân sự vật. Vi dụ: anh em đâu có cung phụ mẫu giống nhau.

Việc đoán số dựa trên ngày tháng năm dỉ nhiên là phụ thuộc vào cách tính giờ và tính lịch. Môn tử vi là ảnh hưởng nặng nề nhất và ta phải chấp nhận với nhau là có một số lá số không đáng tin cậy:

– Từ khi ra đời đến nay, âm lịch đã qua không dưới 100 lần cải cách. Nếu như nói môn tử vi mà có từ thời Tống là đúng thì xem tử vi có lẽ phải tính lịch theo kiểu Đại thống. Lịch âm mà ta dùng hiện nay là dựa trên cách tính lịch Thời hiến. Nếu đọc “Thời sinh học và khoa học cổ phương đông” sẽ nhận ra rằng những người làm lá số đã nổ lực rất lớn để bù trừ những cái sai khả dỉ có thể có từ việc tính lịch gây ra. Thế thì liệu rằng ngày nay tính lịch chính xác hơn (hay đơn giản là khác đi), các phép bù đó có còn cần không?? Chưa ai nắm chắc nguyên lý của tử vi đến mức dám điều chỉnh cách tính cả. Lưu ý là chỉ cần chỉnh cách tính lịch một chút, hàng nghìn, triệu người sẽ có lá số khác?

– Như chúng ta biết, múi giờ và giờ là sản phẩm của khoa học hiện đại và giao ước xã hội. Ngày xưa người ta định thời khắc theo cách khác. Ví dụ thấy gà lên chuồng là giờ dậu, cọp quay về nơi ẩn nấp là giờ dần, hoặc nhìn bóng nắng …. Cách tính này phản ánh đúng ảnh hưởng của trời đất lên số mệnh con người khi họ được sinh ra. Ngày nay, chúng ta tính 11h00 là giờ tý, 1h00 là sửu … bất chấp mùa và vùng địa lý … hiển nhiên là có nhiều sai lệch. Có người đã đưa ra gia giảm giờ theo mùa nhưng cơ sở không vững lắm. Nhiều khi cứ hể thấy trời sẩm tối thì lấy giờ dậu mà có khi linh ứng hơn.

– Cụ Thiên Lương chia lá số ra bốn nhóm: Thái tuế, Thiếu dương, Thiếu âm và Tang môn. Tuy tôi không dám bàn ở đây về tính chất mỗi nhóm (dù chưa hoàn toàn đồng ý với cụ Thiên Lương), tôi xin đưa ra nhận xét là những người thuộc nhóm thái tuế là chịu ảnh hưởng bởi tử vi nhiều nhất. Ý tôi là cấp độ chính xác của tử vi đối với 4 nhóm là khác nhau. Người thiếu dương rất rộng đường lựa chọn hướng đi trong khuông khổ vận mệnh của mình, trong khi người thái tuế thì chỉ có một đường thẳng tắp, không ngã rẽ.

Một chuyện cũng ít liên quang nhưng thấy có người đả động đến nên tôi nói qua: Các sao trong tử vi có thật trên bầu trời không? Theo thiển kiến của tôi thì một số sao được đặt theo tên sao trên trời như Tham lang, Bạch hổ nhưng một số khác thì chỉ mang tính ký hiệu, như Thái tuế (đánh dấu vị trí) và Tuế phá là vị trí xung chiếu của Thái tuế. Vấn đề này có thể tham khảo trong bộ sách được vua Càng Long ra lệnh biên soạn và đã được dịch ra tiếng Việt. Đó là bộ sách “Hiệp kỹ biện phương thư”. Tiếc là bản dịch không tốt lắm. Và như thế, các sao trong tử ci nặng tính ký hiệu hơn là sao thật.

Xem số theo hà lạc thì ít bị vấn đề ngày giờ âm lịch hơn, nhưng không phải là không có. Thế mạnh của phương pháp này là cho người ta biết mình nên làm gì. Tử vi nói “sẽ là …. “ trong khi BTHL nói “nên là ….”. Ví dụ có người tuế vận là “Thiên hỏa đồng nhân”, hào 2. Hào này nghĩa là chỉ giao du hạn hẹp trong bà, con anh em nên sẽ gặp khó khăn về sau. Nếu như đương số cố gắng mở rộng quan hệ, dung nạp người ngoài thì rỏ ràng sẽ giảm thiểu những khó khăn sau này. Trong nhiều trường hợp, cần nghiên cứu đại tượng (chính quẻ) để hiểu rỏ vì sao mà đương số nói trên rơi vào thế chỉ giao du với người nhà, từ đó, có thể điều chỉnh ngay trước khi đi vào tuế vận đó, như vậy sẽ tốt hơn nhiều.

Việc lấy tuế vận có một điểm không rỏ ràng là tuế vận đầu tiên (1 tuồi) là tính từ lúc nào? Tính từ ngày sinh hay tính từ mồng một tháng một năm được sinh ra? Theo nguyên tắc khi gieo quẻ, nếu nói “3 tháng nữa việc sẽ thành” thì tức là tính từ lúc gieo quẻ. Nếu cùng nguyên tắc này thì có thể nói là tính từ ngày sinh. Nhưng như vậy thì khác xa với tử vi và các phép bói theo ngày giờ khác, vốn tính theo từng năm âm lịch. Tôi thì thiên về ý tính từ ngày sinh hơn, có vị nào có lý luận chính xác hơn thì xin chỉ giáo, tôi hết sức cảm kích.

Ngoài ra, như khi xem mai hoa hay bốc dịch, thời thần và nguyệt thần rất được coi trọng nhưng xem bát tự thì chỉ xét thời thần và nguyệt thần trong chính và biến quẻ mà thôi, còn các đại, tiểu vận thì sao? Tương quan giữa nạp âm và ngũ hành của các quẻ trong đại vận và niên vận cũng vậy, có xét không? Và mạnh đến mức nào? Theo kinh nghiệm cá nhân tôi thì ảnh hưởng này là rất lớn. Lý do sẽ bàn trong mục 3, khi nói về bói dịch.

Vấn đề lớn nhất của các phép bói toán liên quang đến kinh dịch là phải biết Dịch lý và lý số. Nhiều nhà nghiên cứu còn đòi thay đổi vị trí các đơn quái trên vòng tròn bát quái, tôi thấy thật quá bạo phổi. Nếu họ hiểu rõ lý số thì chắc sẽ không nghĩ như vậy. Tóm lại, đã có người từng nói: “Nghiên cứu Dịch mà hiểu được dịch lý thì như thần tiên, nghiên cứu mà không hiểu thì có khi thành quỉ. Xưa nay tiên thì ít mà quỉ thì nhiều vô kể”.

Vì xét hết các môn thì quá dài dòng, trong hai mục kế đầy tôi chỉ xét một môn tiêu biểu cho cả nhóm.

2. Tướng số:

Có thể thấy tướng số là phương pháp dễ thuyết phục người ta nhất. Nó dựa đúng vào những biểu hiện của cơ thể người mà luận đoán. Tuy nhiên, đi sâu vào thì thấy không phải là ngon ăn vì rằng như nhiều người nói hình thể học như mũi, mắt, tai … chỉ là phần rất sơ đẳng và kém chính xác.

Để cho dễ vận dụng, có sách đã có lời nhắc, chủ yếu cố gắng chọn những cái nhận xét tương đối dễ và giống đời thường (tục nhản) như sau:

– Cơ bản nhất là xương cốt. Khung xương mà cân đối, đẹp và mạnh mẽ là nền tảng tốt. Nếu thấy mấy từ “cân đối, đẹp và mạnh mẽ” mơ hồ quá thì cứ xem bộ răng. Răng tốt hay xấu thì dễ biết rồi.

– Kế là huyết mạch mà biểu hiện là da thịt. Da thịt hồng hào, mịn màng thì tốt. Cũng tương tư, nếu thấy khó nhận biết quá thì hảy tập chú vào tóc, râu, lông mài. Nếu thấy mượt mà, nhiều thì từ khá trở lên. (Ngày nay kỹ thuật làm đẹp cao quá nên đoạn này cũng chưa chắc dùng được).

– Trên cùng là khí, là thần: Đoạn này thì vô cùng khó với những người mới học. Chỉ còn trông cậy vào tiếng nói và cách hít thở, dáng đi. Việc xem cái thần toát ra từ một người thật sự không dễ nếu chính bản thân người xem không phải là người có tinh thần mạnh mẽ và thanh tịnh.

Cuối cùng mới đến các chi tiết trên mặt mũi … Các bộ vị này có đẹp mà các nền tản kia yếu kém thì cũng không phát huy được. Thế mà có nhiều người cứ mong sửa mũi, cắt mắt để số tốt hơn !?

Và điều còn khó chịu hơn nữa là khí huyết, thần thái cũng có thể thay đổi theo thời gian làm cho việc dự đoán 5 hay 10 năm tời trở thành khó khăn.

Có một kỹ thuật có thể giúp ích rất nhiều cho việc xem tướng, đó là “Ngôn ngữ cơ thể” của khoa học hiện đại. Môn này chủ yếu quang sát cử chỉ của người đối thoại mà đoán thái độ của họ đối với chuyện mình đang nói. Một cuốn sách về đề tài này đã được dịch ra tiếng Việt. Đó là quyển “Ngôn ngữ của cử chỉ”. Vì là sách của phương tây nên rỏ ràng dễ hiểu, dễ học, rất có ít mà là cầu nối để người ta tiếp cận học được cách quang sát thần thái theo kiểu phương đông.

3. Bói dịch:

Phương tây ngày nay có nhiều ngành khoa học dính dáng đến ngẫu nhiên. Người Nga có cả một môn khoa học nghiên cứu về sự ngẫu nhiên. Trong ngành nhiệt động lực học, khí tượng học, người ta phát biểu rất nhiều định luật về ngẫu nhiên, ví dụ như khi mà mọi cái hỗn độn, muốn xếp nó lại theo một qui luật nào đó thì cần phải tốn năng lượng. Từ trật tự mà chuyển sang hổn độn thì sẽ giải phóng năng lượng. Cả trái đất là hệ năng lượng, mọi thứ ảnh hưởng liên động, chỉ cần một con bướm trong rừng vỗ cánh mạnh hơn một tí thì thay gì có gió nhẹ ở Thái bình dương, ta sẽ có một trận bão. Tóm lại, khi nghiên cứu ngẫu nhiên đến mức nào đó, người ta đi dần đến nhận định là không có gì là ngẫu nhiên !?

Chính vì có sự liên lạc như vậy mà có những phép bói như bốc dịch, mai hoa … chủ yếu dựa vào ngẫu họp.

Nói đến Kinh Dịch thì phải rất thận trọng. Khổng tử ngày xưa đọc đến kết lại sách 3 lần mà vẫn còn do dự (“Đời sau khen ta cũng vì bộ sách này, mà chê ta cũng vì bộ sách này”). Thế nên ý nghĩa cao thâm của Dịch thật không dám bàn, ở đây chỉ bàn chuyện dùng dịch để bói thôi:

– Trong quyển “Trung Quốc triết học” của Lưu Úy Hoa có một thống kê rất hay. Đó là thống kê các hào từ trong 64 quẻ dịch. Trong đó Đại cát, Nguyên cát có 21 hào tức chiếm 4%. Hanh, Lợi có 103 hào tức 19%, Cát Tường có 125 hào, chiếm 24%, Vô cữu, vô hối có 124 hào chiếm 24%, Hối, Lận, Cữu có 65 hào chiếm 12%, Hung Lệ có 56 và 27 hào chiếm 11 và 6%. Tóm lại, từ trung bình đến rất tốt chiếm đến 71%, còn xấu và rất xấu chỉ có 29%. Như vậy phải chăng là bói dịch thì sẽ gặp tốt nhiều hơn xấu? Như trên đã nói, đại tượng rất quan trọng, nó chỉ cho chúng ta đang ở thời nào, hào từ chỉ chúng ta đang ở vị nào. Tùy theo đó mà hành động thì có tới trên 71% là từ vô cữu (không có lỗi) và vô hối (không hối hận) trở lên. Chỉ có điều người xem phải rất tinh thông dịch lý chứ không thì xác suất sai lầm là rất lớn. Bản thân việc hành động theo đúng lời khuyên của Dịch cũng chẳng dễ gì.

– Phương pháp xem dựa vào ngũ hành sinh khắc cũng có cái hay là dễ dàng, chỉ xếp các đơn quái ra, kết họp với nhật, nguyệt thần xem dụng hay thể thắng thế là xong. Khuyết điểm của nó là cho ra kết quả rỏ ràng dứt khoát quá mà trong đời thiếu gì chuyện như “tái ông thất mả”, hay dỡ đi kèm, làm sao mà dứt khoát tốt hay xấu được. Vậy nên việc chỉ dựa vào ngũ hành xem ra rất không chắc chắn và không hết cái lẽ uyên thâm của dịch.

– Đã vậy, nhiều người vận dụng thuyết ngũ hành rất không đúng. Ví dụ: ông xếp nọ mạng thủy, khi tuyển nhân viên thì cứ ưu tiên chọn người mạng kim. Trong nhà thì vợ cứ vác hết ti vi, đầu máy … đặt ngay giữa phòng khách vì cho rằng những vật này thuộc hành kim, mà kim thì sinh thủy. Thật ra thì âm dương vận hành, ngũ hành phải cân bằng hài hòa mới tốt, ngay như kim với kim thì va chạm không tránh khỏi trầy sướt, thủy với thủy thì là Khảm, tất hung, hỏa với hỏa thì là lửa cháy ngất trời… không có gì là hay (quẻ Ly cũng không hẳn là tốt vì sáng tới cùng là tới lúc tối dần).

Còn chuyện cho rằng tivi và máy nghe nhạc là hành kim thì càng sai. Những vật này phát ra âm thanh, cố nhiên là thuộc quẻ chấn, tất là hành mộc. Chỉ khi nào bị ti vi hay cái loa bằng sắt rơi trúng đầu thì đó mới là hành kim.

– Có nhiều thầy thường bắt thân chủ rửa tay, rửa mặt, thắp hương trước khi gieo quẻ. Thật sự thì cũng không cần thiết lắm, cái chính là gieo quẻ cho người hay cho mình cũng vậy, phải để tinh thần tỉnh tại, tập trung cho nguồn năng lượng nội tại liên thông với bên ngoài thì gieo quẻ sẽ sát và dễ đoán hớn. Nhiều người tâm thần rối loạn, gieo một quẻ mà đến 3, 4 hào động thì thật khó cho việc luận giải.

– Việc an thần sát (Câu trần, Châu tướt, Thanh long … ) và an lục thân (Huynh đệ, Thê tài, ….) hoặc tìm phi thần, phục thần … có ích trong nhiều trường họp nhưng không phải lúc nào cũng cần. Chú ý một lúc quá nhiều yếu tố nhiều khi làm rối trí. Tuy vậy, thế hào và không vong thì phải xét, sách có câu “Thế hào vượng tướng tối vi cường”.

4. Lời kết

Trên đây là tổng hợp các phương pháp đoán số mà tại hạ đã đốc rút, xin các vị huynh trưởng chỉ giáo nhiều. Vì tôi ít khi ghé thăm diễn đàn, có gì chỉ dạy, xin cứ mail thẳng cho tôi nếu điều đó không vi phạm nội qui của diễn đàn

Xem thêm tại: Kênh Youtube Tử Vi Hiện Đại

Thông tin cập nhật đầy đủ tại Fanpage: Tử Vi Hiện Đại

 

Bình luận